Chiều 5-11, thảo luận về dự án Luật Bầu cử ĐBQH và HĐND tại tổ, nhiều ý kiến ĐBQH nhấn mạnh yêu cầu quy định vào luật những tiêu chuẩn đối với người ứng cử. Thiết chế mới - Hội đồng Bầu cử quốc gia cũng là vấn đề được các ĐB quan tâm.
Tố cáo ứng viên: Có chứng cứ cụ thể thì vẫn xem xét?
Thống nhất quan điểm sửa luật để phát huy quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan tổ chức bầu cử để bầu được những ĐB có chất lượng, có uy tín; bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng của cử tri và nhân dân, ĐB Võ Thị Dung (TPHCM) phát biểu: “UBTVQH không đưa tiêu chuẩn của người ứng cử ĐBQH, ĐB HĐND vào luật này vì cho rằng đã có Luật Tổ chức QH, Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định. Nhưng tiêu chuẩn của người ứng cử với tiêu chuẩn của ĐBQH, HĐND là khác nhau, nên vẫn cần quy định”. ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) cũng cho rằng, phải bảo đảm điều kiện của người tham gia ứng cử ĐBQH, HĐND ngay từ đầu, chứ không phải khi thành ĐBQH rồi mới bảo đảm các tiêu chuẩn.
Đây cũng là quan điểm của các ĐB Đỗ Văn Đương, Trần Du Lịch (TPHCM)… ĐB Trần Du Lịch thẳng thắn nhận xét: “Tiêu chuẩn hồ sơ như thế này thì đơn giản quá, khó chọn được người đủ phẩm chất. Tôi đề nghị người ứng cử ĐBQH phải có giấy khám sức khỏe và lý lịch tư pháp. Nhưng tiêu chuẩn người ứng cử ĐBQH và ứng cử HĐND các cấp có khác nhau”. Là luật sư, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) phân tích thêm, lấy lý do việc lấy lý lịch tư pháp khó khăn để bỏ qua khâu này là không phù hợp. Với những khu vực khó khăn, xa xôi thì nên cho thời hạn dài hơn chứ không nên bỏ hẳn. Đáng lưu ý, “nếu chấp nhận cả những người đã được xóa án tích thì trên nguyên tắc suy đoán vô tội của hoạt động tư pháp, cũng phải chấp nhận cả những trường hợp bị khởi tố nhưng chưa chứng minh được là có tội mới công bằng”, ĐB Trương Trọng Nghĩa lập luận.
Quan tâm đến quy định “không xem xét giải quyết khiếu nại tố cáo với đơn nặc danh” trong dự thảo luật, ĐB Đỗ Kim Tuyến (Hà Nội) góp ý: “Nếu nặc danh tố cáo ứng viên mà nội dung cụ thể, chỉ rõ chứng cứ thì vẫn cần xem xét”. ĐB Đỗ Kim Tuyến cũng cho rằng, quy định không được lạm dụng uy tín để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng để vận động bầu cử là không rõ ràng, khó vận dụng.
Hội đồng Bầu cử quốc gia: Thiết chế mới mà chưa mới
Cho rằng dự thảo luật dù đã quy định thiết chế mới là Hội đồng Bầu cử quốc gia, nhưng “vẫn chưa thật sự có điểm mới”, ĐB Trần Du Lịch khuyến nghị, cần quy định Hội đồng Bầu cử quốc gia bao gồm những thành viên là người không ứng cử để đảm bảo tính khách quan, công bằng cao nhất. ĐB Trương Trọng Nghĩa cũng đặt vấn đề: khi đã có thiết chế này thì tại sao không lập Hội đồng Bầu cử quốc gia rồi để hội đồng dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần… ĐBQH, mà lại để UBTVQH (nhiệm kỳ cũ) quyết trước?
Liên quan đến các ứng cử viên “từ trung ương được gửi về ứng cử tại địa phương khác”, ĐB Trương Trọng Nghĩa còn đưa ra một đề xuất khá táo bạo: “Thực tế các ĐB này hoạt động ở thủ đô Hà Nội là chính, vậy tại sao không ứng cử ở Hà Nội? Có thể phân bổ thêm số ĐBQH của thủ đô Hà Nội, ví dụ ít nhất 10% tổng số ĐBQH chẳng hạn”.
Một quan điểm cần thay đổi từ gốc khác - theo ĐB Trần Du Lịch là kiên quyết không chấp nhận việc “đi bầu giùm, một người đi bỏ phiếu cho cả nhà”. Mà muốn vậy, đừng “buộc” tỷ lệ đi bầu cử phải trên 90%; “70% - 80% mà thực chất vẫn tốt hơn”... ĐB Đinh Thị Bạch Mai (TPHCM) thì bày tỏ quan tâm đến tỷ lệ ĐBQH, ĐB HĐND nữ và cho biết, tỷ lệ ĐBQH nữ của Việt Nam không ổn định và đang có xu hướng giảm, hiện ở mức thấp nhất trong suốt 4 nhiệm kỳ qua trong khi tỷ lệ nữ dân biểu trung bình của thế giới có xu hướng tăng. ĐB đề nghị quy định trong luật tỷ lệ tối thiểu về giới…
Cụ thể hóa chức năng giám sát, phản biện của MTTQ
Cho ý kiến về dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ĐB Huỳnh Minh Thiện (TPHCM) đồng tình với quy định việc mặt trận tham gia đóng góp xây dựng Đảng, giám sát, phản biện đường lối chính sách của Đảng. Việc giám sát, phản biện, theo ĐB Huỳnh Minh Thiện không chỉ giới hạn ở các dự thảo mà bao gồm cả những chương trình, nội dung đã được thông qua. Tán thành quan điểm này, nhưng ĐB Nguyễn Văn Minh đề nghị giải thích rõ khái niệm “phản biện xã hội” để tránh sự hiểu lầm, phức tạp không cần thiết.
ĐB Đào Văn Bình (Hà Nội) đề nghị Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam phải thông báo công khai trước Quốc hội cho dân biết mặt trận đã phản biện vấn đề gì giữa 2 kỳ họp Quốc hội. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền cho rằng, phản biện xã hội của mặt trận, nếu quy định quá rộng sẽ không khả thi, lại chồng chéo với các cơ quan khác. “Mặt trận không có thiết chế để ra chế tài trực tiếp khi thực hiện giám sát, phản biện. Vì vậy cần thêm quyền lực để gây sức ép với các cơ quan quản lý của mặt trận thì giám sát, phản biện mới có hiệu quả, nhất là trong trường hợp giám sát, phản biện về tham nhũng. Cần làm rõ thêm điều này, không thì chế định này sẽ chỉ mơ hồ, chung chung”, ông Nguyễn Đình Quyền nêu ý kiến. Cũng theo ĐB Nguyễn Đình Quyền, luật cần làm rõ chức năng đại diện, bảo vệ quyền lợi người dân của mặt trận, vì đó là một trong chức năng chính nhất của MTTQ. Ngoài ra, trong bối cảnh hiện nay, vai trò tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân cần được chú trọng đặc biệt.
ĐB Nguyễn Minh Quang (Hà Nội) đề nghị cần làm rõ tính pháp lý của việc phản biện xã hội, phải nêu cụ thể các vấn đề, không nêu chung chung, khi vào thực tế sẽ không làm được. Tương tự, phải có điều kiện, cơ chế cụ thể để mặt trận thực hiện giám sát thì mới có hiệu quả; nếu không sẽ làm mất vai trò của mặt trận. Đây cũng là quan điểm của hầu hết các ĐB khi cho rằng, nếu không quy định cụ thể thì chức năng giám sát, phản biện xã hội sẽ không hiệu quả.
ANH THƯ - LÂM NGUYÊN