Hàng ngoại... đi xe thồ
Tôi về thăm lại Hóc Môn trong cái nắng tháng 10 hanh nóng. Đường phố ở huyện Hóc Môn thay đổi nhanh quá. Những con đường trước kia tôi vẫn thường qua lại, nay trở nên lạ lẫm bởi đường mở lớn, nhà cửa, phố xá khang trang. Còn đang ngỡ ngàng dưới cái nắng chang chang, bất chợt cơn mưa đổ xuống như trút nhưng cũng kịp vừa lúc tôi đến nhà Hai Cháo Vịt tại đầu hẻm khu phố 4 thị trấn Hóc Môn, người tôi về thăm hôm nay. Gọi tên Hai Cháo Vịt vì vợ chồng anh bán cháo vịt tại chợ Hóc Môn đã gần 20 năm.
Trước sân nhà Hai Cháo Vịt có 4 chiếc xe gắn máy phía sau chở hàng lỉnh kỉnh. Hình ảnh những người thồ hàng bán dạo như vầy đã trở nên quá quen thuộc với mọi người, không chỉ ở TPHCM mà đã lan xa đến các tỉnh thành miền Tây.
Một người đại diện đoàn xe thồ có gương mặt đen sạm tự giới thiệu: “Tôi là người Lào, còn 3 anh này người Việt, cùng đi bán hàng. Tên tôi Xăng-ta-vi-Lây hiện ở tại chợ Atopue, cách cửa khẩu quốc tế Bờ Y tỉnh Kon Tum chừng hơn 100km. Một cửa khẩu hiếm nơi nào có, con gà gáy 3 nước nghe, vì nó giáp Việt Nam, Campuchia và Lào. Hàng ngày có nhiều chuyến xe khách tuyến Atopeu đi Gia Lai, Kon Tum ngược xuôi qua lại, hàng hóa đưa sang Việt Nam bằng con đường này. Đặc biệt, chúng tôi còn bán hàng trả góp giá khuyến mãi, tạo điều kiện cho bà con ai cũng có thể dễ dàng mua sắm”.
Nghe quảng cáo quá hấp dẫn, nhiều người hàng xóm của Hai Cháo Vịt kéo đến yêu cầu xem hàng để mua. Đó là những mặt hàng thiết yếu trong gia đình có in trên bao bì sản xuất tại Thái Lan và Trung Quốc, như: mùng, mền, nồi, chảo, bếp gas, nồi cơm điện, bình thủy…”. Chợt giọng nói mừng rỡ của vợ Hai Cháo Vịt từ nhà sau đi lên: “May quá, mấy tháng nay tôi chờ mấy anh thồ hàng ngoại bán dạo quá chừng, để đổi lại bộ nồi”. Chị nói tiếp: “Tôi mua bộ nồi này 4 tháng rồi, mới nấu có vài lần mà nồi nào bên trong cũng đều đen thui. Bởi vậy tui đâu dám xài, vì nghe nói chất gỉ ten gây bệnh ung thư”.
Không ngờ, cũng có nhiều người đồng cảnh ngộ như chị Hai Cháo Vịt, bèn kể khổ nào là cái bình thủy ngoại mới mua đựng nước sôi mau nguội quá. Người khác kêu ca cái bếp điện từ xài mau hư… Chị Hai Cháo Vịt nhỏ nhẹ: “Chú cho tôi đổi lại bộ nồi khác”. Vừa nói chị lấy tờ biên nhận mua hàng trả góp cho Xăng-ta-vi-Lây xem, trong đó có ghi được đổi lại bất cứ ai cùng bán loại hàng này, chị còn phàn nàn: “Người bán hẹn với tôi cứ 1 tháng ghé lấy tiền góp một lần, vậy mà từ ngày bán đến nay đã hơn 4 tháng rồi, vẫn không thấy ai đến thu tiền góp, thiệt lạ!”.
Bấy giờ Xăng-ta-vi-Lây tỏ vẻ bối rối, lắc đầu nguầy nguậy từ chối: “Người bán hàng này không cùng hãng với tôi, không đổi được”. Rồi anh ta cùng 3 người kia quày quả đẩy xe ra đi. Tôi chợt nhận ra trong số 3 người Việt Nam đó có một người tên Minh ở sát bên nhà tôi, chưa kịp chào thì anh đã đi mất. Hai Cháo Vịt đến bên vợ an ủi: “Vậy là từ nay bà phải nhớ một bài học kinh nghiệm trong việc mua sắm, hàng ngoại đâu có hơn gì hàng ta. Tại sao ta không xài hàng ta”.
Bây giờ ở các chợ...
Thời gian qua, anh Minh - người hàng xóm mà tôi đã gặp thồ hàng ngoại đi bán dạo ở Hóc Môn, không còn thồ hàng đi bán dạo nữa. Anh chuyển sang mua bán đường dài, cứ nửa tháng hoặc 3 tuần là hai vợ chồng đưa đủ thứ hàng hóa từ Lạng Sơn, Móng Cái, Hà Nội… chủ yếu là hàng Trung Quốc và Thái Lan về chất đầy nhà. Nhưng hơn 6 tháng qua, các mối lái cứ thưa thớt dần không còn đến lấy hàng nữa.
Nhiều hôm tôi thấy vợ chồng anh đích thân mang hàng đi bỏ mối, rồi lại mang hàng về với vẻ mặt trầm tư lo lắng. Lâu rồi, họ không còn ra miền Bắc mua hàng về bán, có lẽ hàng tồn kho còn nhiều. Thỉnh thoảng anh nhờ tôi cùng phụ đi chào hàng với anh.
Một hôm, chúng tôi đi chào hàng quần áo may sẵn trong chợ Dân Sinh. Tôi hết sức ngạc nhiên với những gì anh từng nói với tôi là hàng ngoại lúc nào cũng được khách hàng ưa thích. Nhưng tại chợ Dân Sinh diễn ra hoàn toàn trái ngược. Tại sạp số 6B, bà chủ sạp từ chối mua hàng của anh với một câu nói hết sức ý nhị: “Người tiêu dùng bây giờ không còn chuộng hàng ngoại nữa đâu, vì hàng Việt Nam cũng tốt mà giá rẻ”. Chúng tôi tiếp tục ghé vào sạp số 19, bà chủ sạp rất vui tính, từ chối khéo: “Mấy anh ra ngoài cổng chợ Dân Sinh mà xem cái biểu ngữ có ghi hàng chữ: “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, chị em tiểu thương chúng tôi bán hàng ngoại thì… ai mua”.
Hôm nọ, anh Minh vẻ mặt đầy ưu tư bày tỏ với tôi: “Nghe nói ở Tam Bình, Vĩnh Long quê anh có chợ đêm buôn bán tấp nập lắm. Mỗi tuần nhóm chợ một lần vào đêm thứ sáu, người ta đi chợ đông nghẹt đường luôn. Nói thiệt, tôi muốn nhờ anh giới thiệu cho tôi mang số hàng Trung Quốc và Thái Lan còn tồn quá nhiều về dưới đó bán”. Anh Minh tiếp tục than thở: “Lúc này hàng ngoại tại các chợ ở thành phố mình bán chậm quá, vì người tiêu dùng đã chuyển hướng sang xài hàng Việt. Hàng bán không được, vốn tồn đọng, đóng lãi ngân hàng chóng mặt quá chừng”.
Hôm sau vợ chồng Minh đánh chiếc xe tải nhỏ chở đầy hàng ngoại về quê tôi ở Tam Bình. Mới 6 giờ chiều, các ngả đường đã đông người đi chợ đêm. Tôi gặp bà Chín Mụ ở ấp Tường Lễ, người hàng xóm của tôi dưới quê. Bà vui vẻ nói với chúng tôi: “Suốt tuần tôi dành dụm ít tiền để chờ đi chợ đêm mua sắm cho vui”. “Thường thì bà Chín mua những thứ gì?”, tôi hỏi. “Khi thì cái chậu, cái hộp quẹt gas để đốt nhang, hoặc mua cái đèn pin rọi đi ban đêm khỏi vấp té, hay gói mì để dành ăn sáng…”. Bà cười hiền lành nói tiếp, “Tiền có nhiều đâu mà mua đủ thứ chứ chú?”.
Bất ngờ tôi cắc cớ hỏi: “Chắc bà Chín thích mua hàng ngoại”. Bà đứng khựng lại, vẻ mặt như tự ái: “Hàng Việt Nam tốt, mắc mớ chi phải xài hàng ngoại”. Bà nhấn mạnh: “Ở xứ này, mọi người đã nói như đinh đóng cột là người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Quả như lời bà nói, tôi đi khắp chợ, không một quầy hàng nào bán hàng ngoại nhập, từ những món nhỏ nhặt như hộp kem đánh răng, mì gói, cục pin, tô chén… đều của Việt Nam sản xuất.
Anh Ba Hoàng, Chủ nhiệm HTX chợ đêm Tam Bình, khẳng định: “Chúng tôi không có ý kiến về việc kinh doanh của bà con. Ai muốn buôn bán hàng gì cứ tự do. Chúng tôi chỉ phổ biến là người dân hiện nay đang hưởng ứng mạnh mẽ cuộc vận động lớn, mang tầm quốc gia là người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Do đó, các tiểu thương cũng cần phải cùng mọi người tham gia cuộc vận động đầy ý nghĩa này”. Anh Ba Hoàng cảm kích: Ý thức của bà con rất đáng trân trọng. Người mua thì tự hào khi dùng hàng Việt. Người bán cũng hãnh diện là người Việt Nam ưu tiên… bán hàng Việt Nam”.
Sau khi đi tham quan một vòng chợ đêm Tam Bình và nghe Chủ nhiệm chợ đêm Ba Hoàng nói vậy, anh Minh, người hàng xóm của tôi tuyệt nhiên không đi chào hàng với bất cứ ai nữa. Anh thở dài, rồi lên xe chạy một mạch về TPHCM.
Hôm sau gặp tôi, Minh phấn khích: “Thật đáng khâm phục cho những người thầm lặng góp phần làm nên sự phồn vinh nền kinh tế nước nhà qua thái độ người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt. Và từ đây về sau, tôi xin được là người Việt Nam ưu tiên… bán hàng Việt Nam”.
Nguyễn Tường Lộc