Chuyện lạ có thật

Nguồn lợi lớn từ…phân heo

Nguồn điện từ chất thải của heo
Nguồn lợi lớn từ…phân heo

Địa cầu ấm lên, hiệu ứng nhà kính đang gia tăng, các tảng băng khổng lồ thi nhau tách ra khỏi hai đầu cực, lỗ hổng ở tầng ozone mỗi năm mỗi to hơn… đang là những đề tài báo động đỏ. Trong bối cảnh ấy, AgCert International, một công ty Ailen có niêm yết ở thị trường chứng khoán London kể từ năm 2005 đã nghĩ ra cách thức làm giàu mới lạ từ... phân heo.

Nguồn điện từ chất thải của heo

Nguồn lợi lớn từ…phân heo ảnh 1
Chất thải của heo đang trở thành có giá

Theo văn hóa dân gian Hàn Quốc năm 2007 đích thị là năm con heo vàng cực tốt, chỉ xuất hiện sau mỗi 600 năm. Trong quan niệm ấy, chắc chắn năm 2007 sẽ là năm làm ăn phát đạt của Công ty AgCert International.

Ở những nước nổi tiếng nuôi rất nhiều heo chẳng hạn như Mexico, Chile và Brazil, công ty này đều đã có mặt để lắp đặt các hệ thống thu gom khí méthane thoát ra từ những đống phân heo khổng lồ rồi đốt nó đi mà tạo ra dòng điện cần thiết cho việc thắp sáng, chạy máy, đun nước… Dĩ nhiên trong quy trình này cũng sinh ra một lượng khí carbon dioxide, yếu tố góp phần tạo ra sự hâm nóng của địa cầu nhưng ở một mức độ ít tác hại hơn khí méthane.

Chỉ với việc đốt méthane, AgCert đã giành được những chứng chỉ có xác nhận của LHQ rồi dùng chúng ở thị trường châu Âu với giá trung bình là 11USD/tấn. Công ty nào thải quá nhiều CO2, tức vi phạm các luật bảo vệ môi trường rất cần đến những chứng chỉ này. LHQ đã đồng ý cho việc trao đổi, mua bán này từ năm 2002. Những chương trình trao đổi khí thải tương tự cũng đã được tổ chức này khuyến khích ở nhiều nơi trên thế giới.

Thu gom phân gia súc như trâu, bò, ngựa rồi phơi khô làm chất đốt trong nấu nướng là việc đã làm từ nhiều thế kỷ qua ở nhiều nước nghèo kém phát triển tại châu Á và châu Phi. Nhưng gần đây, ở Sri Lanka đã phát triển nghề gom nhặt phân… voi làm vật liệu chế biến ra… giấy!

Năm 1997, anh Thusitha Ranasinghe đã thành lập Công ty Maxiumus chuyên chế biến phân voi thành giấy. Chương trình của anh đã làm thay đổi quan niệm của người dân về con voi. Nó không còn bị xem là tạo vật đe dọa phá hoại mùa màng, giết người mà trở thành một “trung tâm sinh lợi”.

Và cuối năm 2006, giải thưởng trị giá 20.000USD của chương trình World Challenge Winner tài trợ bởi BBC và Tập đoàn dầu khí Shell đã thuộc về Ranasinghe. Đáng mừng hơn nữa là các quốc gia châu Phi có nhiều voi đã tìm đến anh để mua công nghệ và học kinh nghiệm biến phân voi thành giấy.

Nhiều “đại gia” đã có mặt

Theo Công ty nghiên cứu Point Carbon ở Washington D.C thì doanh thu từ ngành kinh doanh CO2  tại thị trường châu Âu dự kiến đạt con số 28 tỷ USD trong năm 2006, liên quan đến khoảng 880 triệu tấn chất thải gây ô nhiễm. Một số công ty đã nhảy vào lãnh vực mới mẻ này với tổng số vốn đầu tư cộng chung khoảng 4 tỷ USD, trong đó đáng kể nhất có Natsource ở New York và Climate Change Capital ở London.

Còn EcoSecurities nay là một công ty môi giới kinh doanh khí CO2  với trụ sở chính tại London có tổng vốn đầu tư hàng trăm triệu USD. Gã khổng lồ về các dịch vụ tiện ích ở Mỹ AES đã quyết định đầu tư 325 triệu USD để lập liên doanh với AgCert. Mục tiêu của hai đối tác này là đến năm 2012 thì đạt được số chứng nhận CO2 của LHQ cho khoảng 22 triệu tấn.

“Đây là một nghề kinh doanh mới nhưng có giá trị lớn và sẽ còn tiếp tục tăng trưởng mạnh trong tương lai”, ông Janos Pasztor, một viên chức thuộc Ban thư ký Quy chế khung về thay đổi khí hậu của LHQ nhận định. Tính đến nay LHQ đã bật đèn xanh cho 410 dự án liên quan đến khí thải, năng lượng và môi trường với giá trị cộng chung khoảng 1,1 tỷ USD/năm. Việc theo dõi kiểm tra chúng được giao cho các công ty kiểm toán, kiểm định độc lập.

Đáng tiếc là nhiều nhà nông ở Mỹ chưa thu được thêm lợi từ phân heo vì Mỹ - nước không ký vào Nghị định thư Kyoto về việc giảm thiểu khí thải - lại là nước nuôi nhiều heo nhất. Đầu tháng 12-2006, đàn heo ở Mỹ là 62,1 triệu con, tăng 1% so cùng thời điểm năm 2005. Số đầu heo ở nước này chắc sẽ còn gia tăng nhanh hơn nữa vì trong năm qua, các heo nái đã lập kỷ lục sinh 9,55 con/lứa. Đây là mức cao nhất kể từ khi bắt đầu chương trình theo dõi hồi năm 1924. Dường như Mỹ đang có “đàn heo vàng” mà chưa khai thác triệt để.

Việt Khôi

Tin cùng chuyên mục