Để đưa Hoàng Quý Phước từ Mỹ về rồi sang Trung Quốc tập huấn, các bên liên quan đưa ra hàng loạt lý do. Nó khác hẳn lúc hào hứng đưa kình ngư người Đà Nẵng này đi Mỹ. Thậm chí lúc đó, việc đưa Quý sang có trục trặc, báo hiệu một quá trình hợp tác không tốt giữa địa phương và tổng cục nhưng vẫn chẳng thấy ai xem lại tính hiệu quả của chuyến đi. Trước và sau, câu quen thuộc nhất vẫn là “vì sự phát triển tài năng của Phước” mặc dù đến nay, mục tiêu đó đã bị tổn hại nghiêm trọng vì các lý do không đến từ Quý Phước.
Ngay cả khi Quý Phước được đưa về thì các tuyển thủ khác vẫn còn ở lại. Như vậy chuyến đi có thật sự hiệu quả hay không? Nếu hiệu quả với các VĐV khác tạo sao lại không đúng với Quý Phước? Liệu việc giữ các VĐV khác ở lại Mỹ chẳng qua là tình thế bắt buộc khi những người có trách nhiệm sợ dư luận sẽ cho rằng toàn bộ chuyến tập huấn là sai lầm nên dồn toàn bộ những cái bất ổn cho riêng trường hợp Hoàng Quý Phước. Nói cách khác, bằng cách như vậy sẽ có lý do phủ nhận sự lãng phí đã xảy ra ở chuyến đi này.
Trong lĩnh vực thể thao, tính hiệu quả của một quá trình tập luyện rất khó đánh giá bởi chỉ khi nào vào thi đấu mới biết rõ VĐV có tiến bộ hay không. Ai cũng biết, tập là một chuyện mà thi đấu là chuyện khác. Chính vì thế việc lên kế hoạch, khảo sát đánh giá trước khi bắt đầu chu kỳ huấn luyện là tối quan trọng. Làm đúng thì sẽ cho ra kết quả tốt. Vì thế, những thông tin trái chiều về chuyến tập huấn ở Mỹ của đội bơi lội khiến chẳng mấy ai tin đây là một kế hoạch chỉn chu và đạt hiệu quả.
Ngành thể thao vẫn được dành một khoản ngân sách không nhỏ để đầu tư cho các tài năng mặc dù xu hướng phải xã hội hóa hơn nữa, chuyên nghiệp hơn trong cách tập luyện và thi đấu. Tuy nhiên, việc sử dụng nguồn ngân sách ấy lại luôn gây bức xúc trong xã hội. Điểm yếu lớn nhất của thể thao Việt Nam hiện nay không phải nằm ở quá trình tập luyện của các VĐV mà ở bộ máy quản lý cồng kềnh, người thì đông nhưng tư duy chậm đổi mới. Ai cũng biết đi sang Mỹ tập huấn thì tốt nhưng tốt ra sao thì chẳng thấy nhà quản lý nào chứng minh một cách cụ thể nên nay mới xác nhận Quý Phước sang Trung Quốc thì... tốt hơn.
Cầu lông TPHCM từng thuê chuyên gia Indonesia nhưng chỉ sử dụng có 20% năng lực của ông này. Hay như việc đưa Vũ Thị Hương sang Đức tập huấn rồi bị chấn thương để mất thành tích tại SEA Games nhưng chẳng thấy ai chịu trách nhiệm. Trong khi đó, dù chỉ tập trong điều kiện khá kém chất lượng nhưng các VĐV thể dục dụng cụ lại đạt thành tích nổi bật, đến nay đã có 3 vé dự Olympic London. Một lần nữa, câu chuyện cách làm, năng lực của nhà quản lý cần đưa ra thảo luận để tránh lãng phí ngân sách.
Thành ra, khi những người trong ngành thể thao đề xuất đăng cai một Asiad “siêu rẻ” ai cũng phì cười. Tiền ngân sách cho thể thao đang sử dụng còn không hiệu quả, làm sao biết cách tổ chức “siêu rẻ” một kỳ đại hội lớn như thế được. Thậm chí, có người còn cho rằng, vì đã quen sử dụng vô tội vạ tiền công nên những người đề xuất cũng chẳng biết phải tốn bao nhiêu tiền cho Asiad.
Đăng Linh