Nguồn nước và trách nhiệm doanh nghiệp

Miền Trung đang bị hạn hán và câu chuyện hồ thủy điện A Vương, Đắk Mi 4 trên sông Vu Gia, Thu Bồn xả nước không đủ tưới cho vùng hạ nguồn đang trở nên nóng bỏng ở Quảng Nam và Đà Nẵng.

Một “cuộc chiến” về nguồn nước đang diễn ra nơi này giữa một bên là các doanh nghiệp khai thác thủy điện và một bên là nông dân sống ở vùng hạ lưu các con sông này. Đây không phải lần đầu có chuyện này, mà suốt miền Trung, kể từ khi các dự án thủy điện ồ ạt được xây dựng, vấn đề khô hạn, thiếu nước sinh hoạt, sản xuất đãø liên tục diễn ra. Đó là do các nhà máy thủy điện tích và xả nước cầm chừng để phát điện. Mùa mưa ngược lại, xả lũ ồ ạt khiến vùng hạ lưu bị ngập lụt bất thường.

Số liệu thống kê của Hội Bảo vệ thiên nhiên - môi trường Việt Nam cho biết, hiện nay cả nước đã xây dựng hơn 2.100 hồ chứa có dung tích mỗi hồ từ 0,5 triệu m³ trở lên với tổng dung tích trữ nước gần 41 tỷ m³, bảo đảm nước tưới cho trên 50 vạn ha, góp phần bảo đảm an ninh lương thực và năng lượng cho đất nước.

Thực tế cũng cho thấy, do còn nhiều tồn tại, bất cập trong quy hoạch phát triển, trong xây dựng hồ chứa, trong quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng nên hiệu quả tổng hợp các hồ chứa chưa được như mong muốn. Đặc biệt, chúng tiềm ẩn những nguy cơ xảy ra sự cố, gây lũ nhân tạo, gây hạn hán thiếu nước giả tạo, làm suy thoái môi trường, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống nhân dân vùng hạ lưu…

Nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chính của tình trạng này là do thiếu sự quan tâm đúng mức, đồng bộ từ giai đoạn quy hoạch đến thiết kế, thi công xây dựng và quản lý vận hành các hệ thống hồ thủy lợi, thủy điện. Khi quy hoạch và thiết kế còn chưa chú trọng phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan, thiếu quan tâm đầy đủ đến quản lý tổng hợp tài nguyên nước và bảo vệ môi trường tự nhiên, môi trường xã hội mà chỉ dựa trên các quy hoạch thuần túy chuyên ngành thủy lợi hoặc thủy điện với bài toán kinh tế. Thậm chí nhiều nơi, còn thiếu sự phối hợp giữa các địa phương và các bộ, ngành trong phê duyệt quy hoạch và xây dựng hồ chứa trên các sông quan trọng. Trên bình diện chung, các công trình đập thủy điện đều có tác động tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái, văn hóa xã hội và điều kiện sống của hàng triệu người dân sống trong cũng như ngoài vùng dự án và cả rủi ro thảm họa khi đập gặp sự cố.

Ủy ban Thế giới về đập đã đưa ra 7 nguyên tắc được thế giới công nhận và thực hiện ở nhiều quốc gia. Đây được xem như là một trong “liệu pháp” tốt giúp bảo vệ các dòng sông, bảo vệ nguồn tài nguyên thiết yếu không thể thay thế và bảo vệ quyền lợi của cộng đồng khi xây dựng các đập thủy điện. Nó cũng là những nguyên tắc cơ bản cần thực hiện đầy đủ khi xây dựng các công trình đập quan trọng, nhằm giảm thiểu những rủi ro, sự cố có thể xảy ra.

Một trong 7 nguyên tắc là công nhận quyền và chia sẻ lợi ích của người bị ảnh hưởng do công trình. Tức là doanh nghiệp phải biết chia sẻ mọi lợi ích và chịu trách nhiệm về những gì mà công trình thủy điện của mình tạo ra đối với người dân nơi đó. Vậy trách nhiệm của các doanh nghiệp xây dựng dự án, vận hành kinh doanh các công trình thủy điện khu vực miền Trung, cụ thể là ở lưu vực sông Vu Gia, Thu Bồn ở đâu?

Với những gì đang diễn ra, có vẻ như họ đang “phớt lờ” trách nhiệm của mình đối với địa phương, người dân nơi đó. Họ đầu tư xây dựng lên công trình thủy điện và điềm nhiên khai thác. Muốn xả nước lúc nào thì xả, muốn tích lúc nào thì tích. Còn nguồn nước ấy từ đâu mà có, những ai cần nữa thì mặc kệ. Nên chăng các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là ở cấp Trung ương cần có những quy hoạch, biện pháp mạnh hơn để buộc các doanh nghiệp này thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm đó. Ít nhất là để người dân ở vùng hạ lưu ở các công trình thủy điện này bớt nỗi lo “thừa - thiếu” nước một cách bất thường, vô lý như những gì đang diễn ra hiện nay.

TR.LƯU

Tin cùng chuyên mục