(SGGPO).- Đây là đề nghị của nhóm nghiên cứu do ông Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đứng đầu, dựa trên cơ sở phân tích các kịch bản tăng trưởng kinh tế cho các năm từ 2015 – 2020.
Đưa ra nhận định này tại cuộc hội thảo sáng 28-8 tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Hùng phân tích, ở kịch bản tăng trưởng kinh tế lạc quan, năm 2015, GDP Việt Nam tăng 6,5%; bình quân các năm từ 2016 – 2020 là 7%/năm; lạm phát năm 2015 là 3% và bình quân các năm từ 2016 – 2020 khoảng 6,5%/năm. Bội chi năm 2015 và bình quân các năm 2016 – 2020 lần lượt là 5,4 và 4,6%.
Với kịch bản thận trọng hơn, năm 2015, GDP tăng trưởng 6,5%; bình quân các năm từ 2016 – 2020 là 6,54%/năm; lạm phát năm 2015 là 3% và bình quân các năm từ 2016 – 2020 khoảng 5,5%/năm. Bội chi năm 2015 và bình quân các năm 2016 – 2020 lần lượt là 5,4 và 4,8%.
Ông Đào Văn Hùng nhìn nhận, ngưỡng nợ công phù hợp của Việt Nam – tính cộng trừ với cả biên độ sai số 10% nằm trong khoảng 63-77%; phù hợp với các nghiên cứu quốc tế và trong nước được giới nghiên cứu tin tưởng dành cho một quốc gia đang phát triển (64 – 75,8%). Sau khi cân nhắc hai kết quả nghiên cứu với ngưỡng 68% GDP và 70% GDP, với mục đích tăng cường mức độ bền vững của chính sách tài khóa, nhóm nghiên cứu đề xuất ngưỡng nợ công phù hợp bình quân cho giai đoạn 2015 – 2020 là 68% GDP.
Bảo Vân