Cũng như nhiều địa phương trong cả nước, tại TPHCM, một bộ phận lớn người dân còn thiếu ý thức trong việc sử dụng điện an toàn. Trong lúc đó, tình trạng lấy cắp thiết bị điện công cộng… có xu hướng gia tăng khiến nguy cơ tai nạn điện tăng cao, nhất là trong mùa mưa - dông bão.
Ẩn họa rò rỉ điện
Từ đầu năm 2014 đến nay, ở TPHCM, tai nạn điện gây chết người xuất phát từ nguyên nhân rò rỉ điện chưa xảy ra, tuy nhiên nguy cơ dẫn đến các sự cố rò rỉ điện, nhiễu điện, có thể dẫn đến tai nạn điện trên mạng lưới điện chiếu sáng và sinh hoạt hiện nay là rất cao. Chạng vạng tối 24-10, sau cơn mưa lớn từ xế chiều, mặt đường Nguyễn Văn Linh đoạn giáp quốc lộ 1A (huyện Bình Chánh) vẫn còn loáng nước. Nhiều người đi đường tấp xe vào lề mua mít, thơm khi vừa chống chân xuống đất đã bị tê rần. Một phụ nữ mang dép lê vừa bước qua vũng nước bị điện giật tê, té ngã. Rất may nhiều người đi đường nhanh ý, cởi áo khoác kéo nạn nhân ra khỏi vũng nước. Quan sát cạnh đó, chúng tôi thấy có một trụ điện chiếu sáng công cộng (CSCC) bên đường bị mất nắp cửa trụ, do nhiễm nước mưa nên rờ le bên trong trụ xẹt lửa kêu rè…rè…
Không chỉ trên đại lộ Nguyễn Văn Linh, ghi nhận của chúng tôi những ngày qua, trên tuyến quốc lộ 1A qua các quận Thủ Đức, 12, Bình Tân và huyện Bình Chánh (TPHCM) tồn tại hàng chục trụ điện CSCC “há miệng” (bị trộm lấy cắp nắp đậy cửa trụ). Không chỉ tồn tại trên hệ thống điện CSCC, hiện nay nguy cơ về tai nạn điện còn xuất hiện tràn lan trên mạng lưới điện sinh hoạt tại các ngõ hẻm khu dân cư. Tại các chung cư cũ như: Ấn Quang (phường 3, quận 10), Trần Nhân Tôn (phường 2, quận 10), Phạm Thế Hiển (phường 4, quận 8)… hệ thống dây điện thắp sáng, cáp quang, internet, điện thoại được bó cuộn, giăng mắc chồng chéo nhau, khi mưa gió rất dễ bị đứt, chập điện, cháy nổ. Càng nguy hiểm hơn, nhiều hộ dân sống ở các chung cư này còn tự ý đấu nối dây điện, bao bọc sơ sài, rất dễ rò rỉ, nhiễu điện, gây tai nạn chết người mỗi khi mưa xuống. Thực tế này cũng tồn tại ở hàng trăm tuyến hẻm lớn nhỏ khác trên địa bàn TPHCM, nhất là ở khu vực nội thành, trung tâm TP. Ngoài ra, bên trong các trụ điện cao thế, người dân ngang nhiên đặt để vật dụng, sử dụng làm mặt bằng mua bán sinh hoạt bất kể trời mưa nắng.
Tập trung kiểm tra, khắc phục sự cố
Ông Dương Chí Nam, Phó Giám đốc, Công ty TNHH MTV CSCC TPHCM, cho biết, hiện nay tình trạng lấy cắp nắp đậy cửa trụ điện diễn ra phổ biến. Đây là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến các sự cố rò rỉ điện, chạm - chập điện, nếu không phát hiện, khắc phục kịp thời sẽ rất dễ gây ra những tai nạn điện nghiêm trọng. Để đảm bảo an toàn điện, thời gian qua, công ty đã nghiên cứu, bắt ốc bản lề cho nắp cửa trụ điện theo hình ngũ giác, thay vì hình lục giác có khóa mở phổ biến, nhằm hạn chế bị trộm mở ốc bản lề lấy nắp. Bên cạnh đó, việc kiểm tra, khắc phục các sự cố hư hỏng và lắp mới nắp cửa trụ bị mất cũng được đơn vị này thực hiện thường xuyên.
Hệ thống đường điện chiếu sáng dân lập trong hẻm tại khu phố 1, phường Bình Trị Đông B (quận Bình Tân) không đảm bảo an toàn.
Theo ông Dương Chí Nam, từ đầu năm 2013 đến nay, Công ty CSCC đã sửa chữa, lắp mới gần 2.000 nắp cửa trụ bị hư hỏng và mất cắp. Ngoài ra, công ty cũng lắp thiết bị phát hiện dòng rò (RCCB) cho gần 7.000 tủ điện điều khiển trên địa bàn TP để ngăn ngừa sự cố. Theo ông Nam, đáng lo ngại nhất hiện nay là hệ thống điện CSCC dân lập trong các khu dân cư. Hệ thống này do địa phương quản lý nhưng hiện nay bị bỏ ngỏ, người dân tự ý câu mắc, rất nguy hiểm. “Việc này phía công ty và điện lực TP cũng đã có kiến nghị cơ quan chức năng giao cho hai đơn vị này quản lý, khai thác nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin chính thức. Có thể vướng vấp đang nằm chỗ kính phí…”, ông Nam nói.
Trong khi đó, Tổng Công ty Điện lực TPHCM cho biết, để đảm bảo an toàn điện trong mùa mưa, đơn vị này đang tiến hành rà soát, củng cố hệ thống đường dây, trạm biến áp, để kịp thời khắc phục các hư hỏng. Tăng cường kiểm tra, xử lý ngay các điểm nguy cơ không an toàn (sụt lở móng trụ, trụ điện bị nghiêng…) của đường dây; phối hợp với Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP xử lý các cây xanh có nguy cơ ngã đổ vào đường dây, trạm biến áp; phối hợp với các đơn vị quản lý đô thị xử lý các bảng quảng cáo có nguy cơ ảnh hưởng đến đường dây và trạm biến áp…
|
PHẠM MINH