Trong khi đó, việc kiểm tra, xử lý vi phạm của ngành chức năng còn nhiều hạn chế, bất cập.
Kiểm tra là ra vi phạm
Sáng 24-5, đi thực tế cùng tổ kiểm tra của Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy (PC68) Công an TPHCM trên một số tuyến sông như Soài Rạp, Lòng Tàu, Sài Gòn, Tắc Sông Trà, chỉ trong 1 giờ, chúng tôi ghi nhận có hơn 5 trường hợp sà lan, tàu thuyền chở hàng hóa (cát, đá, trái cây…) vi phạm các quy định: chở hàng vượt mớn nước cho phép, lưu thông ngang qua cầu khi độ tĩnh không trong mức nguy hiểm… Tổ cảnh sát đã chốt chặn, xử lý tất cả các phương tiện vi phạm. Đáng lưu ý hơn, trong số các phương tiện bị xử phạt, có nhiều trường hợp tái phạm lỗi cũ bị xử phạt trước đó chỉ vài ngày. Thậm chí, có trường hợp trong 1 năm vi phạm đến gần chục lần. Lý giải điều này, ông H., lái tàu kéo sà lan chở cát xây dựng (tuyến Cái Bè - Cát Lái), nói: “Biết là nguy hiểm nhưng không chở như vậy chủ tàu không thuê làm. Với lại, chủ tàu họ bảo cứ chạy, bị phạt họ lo. Mình là người làm công nên phải làm theo”.
Cảnh sát giao thông đường thủy TPHCM tuần tra, xử lý vi phạm trên các tuyến giao thông đường thủy
Một cán bộ kiểm tra của PC68 cho biết, thực tế cứ có kiểm tra là có vi phạm, phổ biến nhất là các lỗi: Người điều khiển sà lan chở hàng hóa vượt quá mớn nước quy định, người điều khiển phương tiện không có bằng lái, lưu thông ngang cầu khi độ tĩnh không trong mức nguy hiểm; không đăng kiểm, kiểm định phương tiện định kỳ… “Các lỗi này nếu không phát hiện, xử lý kịp thời, rất dễ dẫn đến tai nạn, nhất là thời điểm TP đang trong mùa mưa, thường xuyên có gió lớn, nước chảy xiết”, vị này nói.
Không chỉ có tàu vận tải hàng hóa, các phà chở khách, tàu du lịch cũng bất chấp nguy hiểm, ngang nhiên vi phạm nhiều quy định về an toàn giao thông đường thủy. Tại một số bến phà, đò ngang nằm trên địa bàn các huyện Nhà Bè, quận 8, 12…, không khó để bắt gặp các lỗi vi phạm như: khách đi đò - phà không mặc áo phao; phương tiện không ngừng hoạt động khi thời tiết dông gió; chủ tàu, đò không trang bị thiết bị chữa cháy; chở quá số người quy định… Cũng theo PC68, từ đầu năm đến nay, qua tuần tra, đơn vị này đã phát hiện, xử lý 30.000 phương tiện vi phạm với tổng số tiền phạt gần 5 tỷ đồng. Trên thực tế, số phương tiện vi phạm còn nhiều hơn.
Tiềm ẩn nguy cơ
Nói về các giải pháp đã làm trong thời gian qua để kéo giảm TNGT đường thủy, ông Nguyễn Bật Hận, Phó Chánh Thanh tra Giao thông TPHCM, cho biết đơn vị đã triển khai nhiều cách làm, trong đó tập trung các giải pháp chính là thanh kiểm tra, xử lý vi phạm và tuyên truyền. Tuy nhiên, ông Hận vẫn thừa nhận lỗi vi phạm liên quan đến các quy định đảm bảo an toàn giao thông đường thủy tại TPHCM vẫn còn phổ biến. Nguyên nhân do công tác thanh kiểm tra, xử lý vi phạm còn tồn tại nhiều bất cập, trong đó có yếu tố nhân sự ít, phương tiện thiếu. “Hiện số tuyến đường thủy ở TPHCM thuộc thẩm quyền quản lý của TP là hơn 90 tuyến, có tổng chiều dài khoảng 1.000km, nhưng Thanh tra Giao thông chỉ có 1 đội quản lý trực tiếp (nhân sự hơn 20 người) nên khó có thể giám sát, ngăn chặn kịp thời hết các trường hợp vi phạm”, ông Hận cho hay.
Trên các sông rạch tại TPHCM còn tồn tại nguy cơ TNGT từ các bến bãi, nhà ở trái phép lấn chiếm ra sông, các công trình thi công trên sông nhưng không có biển cảnh báo nguy hiểm… Theo Thanh tra Giao thông TPHCM, các vi phạm này ngày càng phổ biến, trong 5 tháng đầu năm 2017, lực lượng thanh tra đã phát hiện xử lý hơn 200 trường hợp vi phạm các lỗi trên.
Một cán bộ Thanh tra giao thông TP (chuyên trách xử lý vi phạm giao thông đường thủy) cho biết thêm, ngoài hạn chế là nhân sự ít, hiện phương tiện và kinh phí để thanh tra giao thông thực hiện các đợt kiểm tra chuyên đề, vây bắt phương tiện vi phạm cũng rất thiếu. Vị này chia sẻ: “Nhiều khi phương tiện vi phạm nhiều, thanh tra phải triển khai vây bắt cùng lúc, những lúc này ca nô làm nhiệm vụ bị thiếu, anh em phải chạy mô tô trên bờ để đến khu vực gần hiện trường, rồi thuê phương tiện thủy tiếp cận đối tượng vi phạm. Do mất nhiều thời gian nên khi thanh tra đến nơi thì hành vi vi phạm đã bị chủ tàu tẩu tán, hoặc phương tiện bỏ chạy, hiệu quả trong xử lý không cao”.
Theo Trung tá Phan Văn Mẫn, Đội trưởng Đội Điều tra giải quyết tai nạn, xử lý vi phạm và tuyên truyền Luật Giao thông đường thủy (PC68) Công an TPHCM, số vụ TNGT đường thủy tuy ít xảy ra hơn đường bộ nhưng khi xảy ra thì hậu quả để lại về người thường nghiêm trọng hơn. Do đó, ngoài việc chủ động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, hàng năm PC68 còn phối hợp với Thanh tra Giao thông, Cảng vụ đường thủy nội địa, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy… tổ chức các đợt diễn tập cứu nạn để nâng cao khả năng ứng phó khi có sự cố, tai nạn xảy ra.