Hàng loạt vụ việc xô xát dẫn tới thương tật hoặc thiệt hại nhân mạng đã được báo chí đăng tải trong thời gian qua. Chiếm phần lớn trong các vụ việc đó, là xuất phát từ sự manh động, bộc phát của các đương sự. Từ một mâu thuẫn nhỏ, dẫn đến cãi cọ, và ngay sau đó là đến sử dụng hung khí. Điều đáng lo hơn, dù chưa có thống kê chính thức nhưng dư luận cảm nhận rõ rằng xu hướng “tự xử” như vậy đang gia tăng. Không chỉ ở vùng sâu vùng xa, mà ngay ở các đô thị lớn, tưởng chừng như văn minh hơn, vấn nạn “tự xử” vẫn phổ biến.
Vài sự việc điển hình sẽ minh chứng điều vừa nói. Va quẹt trên đường, cãi vài câu, lấy nón bảo hiểm phang nhau, và rồi rút dao thủ sẵn đâm người. Thiếu nợ vài chục ngàn đồng không trả, xích mích cũng ngay lập tức dẫn tới vỏ chai bia, gậy gộc. Có chút hơi men, khích bác qua lại, rồi mất mạng người... Kết luận sự việc trên dễ dàng được đưa ra: Ý thức tuân thủ pháp luật kém. Nếu mở rộng hơn, thường có đánh giá rằng, đó là do ảnh hưởng của phim ảnh bạo lực.
Thậm chí có những trường hợp gây thương tích, giết người xong, can phạm tự thú tội. Ra tòa, dù với động cơ gây án nào, việc xét xử cũng đơn giản, vì hành vi quá rõ. Ở nhiều phiên tòa hình sự lưu động, bị cáo lại khá đa dạng: lao động chân tay, người buôn bán, và cả một số người có học thức, trình độ học vấn cao.
Đồng nghĩa giữa học vấn và tuân thủ pháp luật là chuyện có phần khiên cưỡng. Nhưng hẳn rằng, khi quyết định “tự xử”, người ta phải tin rằng mình có “quyền năng” để làm điều đó. Đó là cái quyền bộc phát, phi lý, vượt ra ngoài khuôn khổ pháp luật. Đằng sau những hành vi đó, lại là một mối nguy lớn hơn. Ý thức thượng tôn pháp luật được hình thành khi từ cá nhân đến cộng đồng tin rằng pháp luật sẽ đại diện nhà nước để bảo vệ họ bằng các điều luật, thông qua hoạt động của cơ quan tư pháp. Đúng hay sai, tòa án sẽ phân định. Đúng thì được bảo vệ, đền bù; vi phạm pháp luật thì bị trừng trị, chịu tội. Lòng tin làm nền cho hành vi, hành vi lập lại thì thành thói quen. Thói quen lặp đi lặp lại trở thành phản xạ. Không có ý thức tuân thủ pháp luật, là do cái “nền” lòng tin bị sứt mẻ, hụt hẫng.
Ở nhiều phương diện, đã có nhiều hành vi vi phạm pháp luật không được nghiêm trị kịp thời. Vi phạm nhỏ không bị xử lý, sẽ dẫn đến vi phạm nghiêm trọng. Hoặc có vi phạm mà đại diện của pháp luật xử lý sai luật do vụ lợi cũng sẽ dẫn đến sai tiếp, hoặc góp phần thúc đẩy “tự xử”. Thực trạng đó cũng làm hỗn loạn đời sống xã hội, khiến người dân bất an.
Mối nguy “tự xử” không phải mới diễn ra một ngày một bữa. Nó đã có sự tích lũy qua thời gian. Điều đó cũng nghĩa là sự mất lòng tin và ý thức không thượng tôn pháp luật của một số cá nhân, một phần của cộng đồng đã tích tụ và có chiều hướng tăng. Muốn xây cao thì nền móng phải vững. Tái lập nền móng niềm tin vào pháp luật cho cộng đồng xã hội, hẳn đó là chuyện đại sự, một thực tế nhức nhối cần sớm giải quyết.
Vũ Thượng