Hơn 30 năm qua, đôi chân của người thương binh hạng 4/4 Trần Thanh Bình (65 tuổi, thôn Cẩm Toại Trung, xã Hòa Phong, Hòa Vang, Đà Nẵng) được ví như đôi hài vạn dặm. Ông Bình hết ngược lên biên giới lại xuống đồng bằng chỉ với mong mỏi tìm thấy và đưa được hài cốt các đồng đội, đồng chí về với gia đình, người thân.
Thương binh Trần Thanh Bình với hơn 30 năm đi tìm hài cốt đồng đội
Thực hiện di nguyện với đồng đội
Tháng 3-1965, cậu học sinh trường Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) Trần Thanh Bình sớm giác ngộ cách mạng, tham gia vào Tiểu đoàn Biệt động Lê Độ, theo phong trào học sinh - sinh viên xuống đường biểu tình phản đối lính Mỹ đổ bộ vào Việt Nam. Sau khi bị lộ, ông Bình thoát ly về phòng 12 thuộc Biệt động tỉnh Quảng Đà. Từ đây, ông kinh qua nhiều vị trí như Trưởng ban Trinh sát Trung đoàn 31, Trung đoàn 141, Đại đội trưởng Đại đội 2 Hòa Vang, Đại đội Đặc công ở cánh trung mặt trận Khu 4... Đơn vị ông tham gia nhiều trận đánh gây tiếng vang lớn lúc bấy giờ, như trận đánh 3 ngày, 2 đêm chiếm đình Bồ Bản (Hòa Phong, huyện Hòa Vang); tiêu diệt hơn 400 lính Mỹ; diệt gọn Tiểu đội biệt kích ngụy trên hồ Đồng Nghệ (Hòa Khương, Hòa Vang)...
Cũng chính những trận đánh này, rất nhiều lần ông lặng lẽ tiễn biệt các đồng chí, đồng đội của mình. “Tôi đã thoát hiểm qua nhiều trận đánh như thế, nên tự hứa với lòng, nếu còn sống, mình phải có trách nhiệm tìm ra các anh để đưa về quê hương cho ấm lòng. Khi tham gia chiến trận, rất nhiều đồng đội của tôi còn rất trẻ, tuổi đời mới mười tám đôi mươi. Hiện tại, các anh vẫn còn nằm lại đâu đó trên dãy Trường Sơn bạt ngàn...” - ông Bình trầm ngâm.
Sau khi hòa bình lập lại, ông về công tác trong Ban dân vận huyện Hòa Vang và lấy vợ sinh con. Lúc đầu, do cuộc sống mưu sinh còn khó khăn và vết thương do bom đạn gây ra khiến sức khỏe yếu, không thể thực hiện di nguyện với đồng đội, đồng chí. Thế nhưng, hình ảnh các đồng đội luôn hiện về trong ký ức khiến ông nhiều đêm mất ngủ. Rồi một ngày giữa năm 1983, ông nói với vợ (bà Nguyễn Thị Minh Ngọc, 58 tuổi, thương binh) rằng: “Tôi phải thực hiện tâm nguyện của mình với các đồng chí, đồng đội đã ngã xuống. Mình còn sống đến ngày hôm nay cũng là nhờ anh em đã anh dũng hy sinh. Không thể để các anh nằm lạnh lẽo ở bìa rừng, góc núi được”. Thế rồi ông vác ba lô lên đường, để lại gánh nặng gia đình với 5 đứa con thơ cho vợ.
Với khả năng sử dụng thành thạo máy định vị, “đọc” được bản đồ quân sự (UMT) và biết rõ vị trí mà anh em đã ngã xuống khi tham gia các trận đánh do đơn vị mình thực hiện, ông tìm về chiến trường xưa để tìm đồng đội.
Ông kể, ngày xưa sống chết trong gang tấc, nên mỗi khi ra trận, các anh luôn giắt theo những chiếc lọ đựng thuốc bằng thủy tinh đã qua sử dụng bên người. Nếu không may hy sinh, “vật bất ly thân” trên được các đồng đội bỏ mảnh giấy ghi thông tin về tên tuổi, quê quán, đơn vị rồi chôn cùng. Thế nhưng, do bom đạn và thời gian, nhiều khi tìm lại thì “vật đổi sao dời”, mọi dấu tích đều bị vùi lấp. “Những ngày đầu khó khăn vất vả vô cùng, nhưng với quyết tâm và lời hứa với đồng đội, tôi đã lần mò và tìm được các anh” - ông Bình nhớ lại.
Tiếp tục hành trình
Sau ngày về hưu (năm 1986), ông Bình có thêm thời gian thực hiện công việc tìm hài cốt đồng đội của mình. Tuy còn nghèo, căn nhà cha mẹ để lại đang xuống cấp trầm trọng nhưng hàng tháng, ông Bình vẫn quyết dành số lương hưu cộng với chế độ thương binh để thực hiện 2 đến 3 chuyến “về nguồn”. Nhiều khi ông còn phải ứng thêm tiền chợ của vợ để quyết tìm cho được các anh. Đơn cử như trong chuyến hành trình lên huyện Tây Giang (Quảng Nam) mới đây. “Lận lưng” được 5 triệu đồng, ông cùng vài người bạn phải cắt rừng lên sát biên giới Việt - Lào, nơi Bệnh viện Quân y 79 (Quân khu 5) đóng chân ngày xưa. Tại đây, để tiết kiệm chi phí, ông không dám thuê người địa phương mà tự khoanh vùng, phát dọn cây cối, lần tìm từng dấu vết dù nhỏ nhất để phát hiện vị trí nơi đồng đội ngã xuống. Qua gần 7 ngày đêm ăn ngủ trong rừng, ông đã tập hợp được 18 hài cốt liệt sĩ đưa về.
Kỷ niệm mà ông nhớ nhất là trường hợp đi tìm hài cốt của người đồng đội chí thân Đỗ Xuân Tiền (quê Hưng Yên). Ông Bình nhớ lại: Khi đánh tiểu đội biệt kích ngụy tại hồ Đồng Nghệ vào tháng 5-1969, đồng đội Đỗ Xuân Tiền bị thương nặng và hy sinh. Dù trực tiếp chôn cất nhưng khi ông lên tìm lại chỉ thấy toàn nước và đá. Nhớ lời trăn trối cuối cùng của bạn là mong được đưa về quê cho gần vợ, gần con nên trong nhiều năm liền, hễ có tiền, ông Bình lại lặng lẽ lên đây lật từng hòn đá, rẽ từng bụi cây để tìm hài cốt. Nhưng sau mỗi chuyến đi ông lại về trong thất vọng.
Rồi vào một ngày mùa hè nóng rát năm 1999, như có điều gì mách bảo, ông Bình lại vác ba lô lên đường. Trong lúc vào nghỉ tại một khe suối, ông nhận ra vị trí này “quen quen”. Thế là một mình đào bới cả khu vực, ông tìm thấy hài cốt đồng chí Đỗ Xuân Tiền đang nằm yên nghỉ bên trong hốc đá, rồi tức tốc liên hệ vợ con của bạn vào rước chồng, cha về quê. Ngày làm lễ truy điệu, ông Bình vui mừng đến rơi nước mắt.
Cho đến nay, ông Bình đã tìm được 156 bộ hài cốt liệt sĩ, trong đó có 154 đồng chí được đích thân ông đưa về quê an táng.
Việc tìm hài cốt đã vất vả, gian nan; việc liên hệ tìm thân nhân liệt sĩ cũng khó khăn trăm bề. “Tôi tra danh sách lưu tại Sở LĐTB-XH TP Đà Nẵng. Sau đó, gọi điện báo cho tỉnh, huyện, xã có địa chỉ trên, nếu không liên lạc được, tôi đến tận nơi để tìm. Thế nhưng, sau chiến tranh, tên xóm, tên làng đều đổi thay, có người còn, kẻ mất hay thậm chí bỏ xứ đi mấy mươi năm chưa một lần hồi hương. Nhiều phen, tôi phải qua tới mấy tỉnh mới tìm được một địa chỉ chính xác” - ông Bình chia sẻ.
Không có năng lực siêu nhiên, không bằng con đường ngoại cảm, mà vì lời hứa với đồng đội, với tâm nguyện của người lính từng vào sinh ra tử, ông Bình tâm niệm: “Chừng nào còn sức, tôi còn tiếp tục hành trình tìm đến các anh. Bởi trong tôi lúc nào cũng trăn trở một điều, trên dãy Trường Sơn trùng điệp, qua những trận đánh ác liệt năm xưa, hàng trăm thân thể của đồng đội nằm lại giữa hoang vu, lạnh lẽo. Tôi phải đưa các anh về với gia đình, với người thân để góp một phần nhỏ nhằm an ủi vong linh các anh đã quên mình vì Tổ quốc, vì dân tộc”.
NGUYỄN HÙNG