Nguyên tắc nạp gas vào bình được thực hiện như thế nào. Vì sao người dân không được phép tự chiết nạp gas? (Nguyễn Hoàng Quân - Nguyễn Thái Sơn, quận Gò Vấp, TPHCM)
Theo Trung tâm Kiểm định Kỹ thuật An toàn Khu vực 2, chỉ nạp khí gas vào bình đạt các yêu cầu an toàn. Không được nạp khí vào các bình gas có biểu hiện sau: bình gas bị hỏng hóc cơ học (phồng rộp, móp méo, vết xước, vết đục…); bình gas có hiện tượng bị ăn mòn; tình trạng tay xách, chân đế của bình gas không đảm bảo; tình trạng van không tốt; chữ hoặc số seri trên bình gas đã bị bào mòn hoặc không rõ nguồn gốc; bình gas đã quá hạn kiểm định; bình gas có biểu hiện bị ảnh hưởng do hỏa hoạn (cháy sém).
Khi nạp gas, phải nạp theo đúng trọng lượng quy định; ngừng ngay quá trình nạp nếu phát hiện các hiện tượng bất thường hay các hư hỏng gây ra rò rỉ khí trong hệ thống chiết nạp. Ngoài ra, bình gas sau khi nạp phải được kiểm tra trọng lượng nạp, độ kín. Khi xử lý các bình gas nạp quá đầy hoặc không đủ độ kín, người vận hành không được xả trực tiếp ra ngoài trời mà phải có hệ thống thu hồi khí.
Sang chiết gas là thao tác đưa gas lỏng từ bình gas này sang bình gas khác. Do áp lực cao, nếu không có thiết bị chuyên dùng và được thực hiện bởi những nhân viên đã qua huấn luyện sẽ làm gas thoát ra ngoài và rất nguy hiểm. Khi gas ở dạng lỏng thoát ra ngoài, sẽ lan tỏa trong không khí với một thể tích bằng 250 lần một đơn vị thể tích ở trạng thái lỏng, tạo một khu vực cháy nổ trong phạm vi lớn nếu gặp nguồn lửa hở. Vì vậy, theo quy định việc sang chiết gas chỉ được phép thực hiện tại các trạm chiết nạp bằng các thiết bị chuyên dùng và được vận hành bởi các nhân viên đã qua huấn luyện .
HƯƠNG GIANG (ghi)