Nhà có em

Cảm giác mình bị “bỏ rơi” là tâm lý thường thấy ở những đứa trẻ khi em chúng vừa chào đời. Thực sự mà nói thì trẻ con rất thích có bạn bè thân thiết để chơi chung với mình, đặc biệt là anh chị em trong nhà. Tuy nhiên, do tác động từ phía cha mẹ một phần nên trẻ bỗng thấy mình “lạc lõng” trong ngôi nhà ấm cúng. Sự ganh tỵ, ghen ghét càng bộc lộ rõ rệt khi đứa em được ba mẹ quan tâm đặc biệt, còn mình thì chẳng ai đoái hoài.
Nhà có em

Cảm giác mình bị “bỏ rơi” là tâm lý thường thấy ở những đứa trẻ khi em chúng vừa chào đời. Thực sự mà nói thì trẻ con rất thích có bạn bè thân thiết để chơi chung với mình, đặc biệt là anh chị em trong nhà. Tuy nhiên, do tác động từ phía cha mẹ một phần nên trẻ bỗng thấy mình “lạc lõng” trong ngôi nhà ấm cúng. Sự ganh tỵ, ghen ghét càng bộc lộ rõ rệt khi đứa em được ba mẹ quan tâm đặc biệt, còn mình thì chẳng ai đoái hoài.

Con “lượm”

Chị Mai Quyên (Long Xuyên - An Giang) chia sẻ: “Từ khi còn rất nhỏ, tôi đã cảm nhận được sự yêu thương của cha mẹ, nhưng mọi chuyện rắc rối từ khi em trai tôi ra đời. Đau khổ nhất là những lời nói tưởng như đùa nhưng rất vô tình của người lớn, nào là: “Từ nay con gái ra rìa rồi, con trai mới là quý tử...”; “Con nhỏ này không thấy giống cha cũng không giống mẹ, chắc nó là con lượm quá”. Rồi họ còn miêu tả toàn bộ câu chuyện tôi được lượm ra sao, từ khi tôi khóc oa oa ở trước cửa, cha mẹ tôi lượm tôi vào nhà nuôi tôi khôn lớn. Tôi đã khóc hết nước mắt vì những lời nói đùa ấy, cho dù mẹ tôi hết lòng vỗ về.

Từ đó tôi bắt đầu so sánh tình yêu thương chăm sóc của cha mẹ dành cho tôi và cho em trai mình. Tôi phân bì từ lời nói yêu thương cho đến áo quần, sách vở… cho đến bây giờ khi đã làm mẹ, tôi luôn ý thức về những lời nói của mình với con trẻ bởi lẽ tôi biết rất rõ, tất cả sẽ được lưu giữ trong ký ức tuổi thơ khó phai mờ”.

Ảnh minh họa: Khắc Văn.

Còn chị Ngọc ở TPHCM đã có một bé trai 4 tuổi, trước khi sinh bé gái chị đã chuẩn bị rất kỹ tâm lý cho con trai và luôn cẩn trọng trong ứng xử, nhưng rồi cháu vẫn nghe được những lới nói đùa của mọi người xung quanh và bị ám ảnh sẽ bị bỏ rơi. Chị kể: “Có lần, tôi bận việc nên đến đón cháu ở nhà trẻ hơi trễ, thấy mẹ nhưng cháu có vẻ buồn lắm, cháu còn nói sẽ về nhà cô giáo ở. Tôi phải trò chuyện với cháu mãi và phải rất thận trọng trong ứng xử giữa anh và em mới giúp cháu qua được giai đoạn khủng hoảng này”.

Đừng quá vô tình

Do kinh tế gia đình chưa ổn định nên vợ chồng anh Phước (quận 10, TPHCM) chỉ sinh bé Cà Rốt. Thằng bé cũng có nhiều bạn bè trong xóm nhưng cu cậu rất muốn có em để chơi chung. Từ lúc mẹ mang thai, Cà Rốt thường hay sờ tay và áp tay vào bụng mẹ để nghe em bé trò chuyện. Cà Rốt thích thú lắm, mong mẹ mau mau sinh em bé và vẽ ra viễn cảnh sẽ mua nhiều đồ chơi đẹp cho em, cho em ăn, ẵm em suốt ngày…

Khi mẹ sinh em bé, Cà Rốt vui mừng khôn xiết, cứ líu lo như chim sáo. Suốt ngày cậu đứng bên chiếc nôi để nhìn em ngủ, mong em sớm nói chuyện. Bao nhiêu đồ chơi được ba mẹ mua cho, Cà Rốt bỏ ngay ngắn vào thùng giấy để dành khi nào em biết đi rồi chơi cùng. Cậu còn hạn chế đi chơi với mấy bạn trong hẻm để ở nhà giữ em cho mẹ giặt giũ, nấu ăn.

Tuy nhiên, do không hiểu tâm lý của trẻ thơ nên vợ chồng anh Phước có những thái độ vô tình làm cho cậu bé hiểu sai. Do Cà Rốt suốt ngày cứ quấn quýt bên em khiến mẹ không ru em ngủ được, lại làm mẹ vướng víu chân tay nên đôi khi vợ anh Phước la rầy con. Một lần, hai lần không sao, nhưng nhiều lần gộp lại khiến cho Cà Rốt nghĩ rằng mình đang bị ba mẹ “bỏ rơi”. Cộng thêm chuyện mỗi lần cứ về đến nhà là bố mẹ lại chạy ùa vào nôi nựng nịu em bé, không thèm hỏi thăm Cà Rốt tiếng nào, khiến cậu bé nảy sinh lòng ghen tị với em, “nghỉ chơi” với em luôn.

Từ lúc sinh được cô công chúa, cả nhà anh Quang (quận Bình Tân, TPHCM) mừng không tả xiết. Mặc dù đã có con trai đầu lòng, nhưng ước nguyện của cả nhà là sinh được con gái. Có em, bé Minh chợt thấy mình bị thừa thãi. Bất cứ thứ gì tốt đẹp, lạ mắt ba mẹ cũng đều mua cho em, còn Minh thì chẳng có thứ gì. Thậm chí những ngày cuối tuần, thay vì cả nhà cùng dẫn nhau đi công viên chơi thì vợ chồng anh Quang lại gửi Minh cho bà nội giữ. Trên bàn ăn, lúc nào Minh giành ngồi gần em là ba mẹ không cho vì sợ Minh đút thức ăn không hợp vệ sinh cho em, làm em đau. Em Minh chỉ thua Minh có 2 tuổi, nhưng cô bé ăn uống rơi vãi thì được cha mẹ mắng yêu, ngược lại Minh mà làm đổ thức ăn là coi như có chuyện lớn.

Anh Quang thường hay mang Minh ra so sánh với em: “Con nhìn xem, em ngoan, giỏi, ai cũng thích. Còn con lì lợm khó ưa quá đi”. Phòng của em Minh tràn ngập quần áo, đồ chơi, trong khi phòng Minh chỉ có vài món đồ được cậu, chú mua tặng trong những trường hợp đặc biệt.

Từ sự tổn thương tâm lý, dần dần Minh nhận ra ba mẹ không ưa mình chỉ vì cô em gái. Minh bắt đầu ghét em, không còn yêu thương như lúc em mới sinh nữa.

...Con cái là món quà vô giá của cha mẹ và chính họ hãy có cách ứng xử công bằng với các con. Muốn tâm hồn non nớt của trẻ không bị tổn thương, các bậc cha mẹ nên khôn khéo trong cách yêu thương và dạy dỗ. Những đứa trẻ trưởng thành nên người đều bắt nguồn từ sự giáo dục đúng đắn của các bậc phụ huynh.

Đặng Thanh - Mai Quyên

Tin cùng chuyên mục