Thảm họa kép động đất, sóng thần xảy ra vào tháng 3-2011 đã tàn phá, làm hư hỏng nhiều nhà máy sản xuất lớn ở các tỉnh vùng Đông Bắc, Nhật Bản. Sau thảm họa, người Nhật đang tái thiết lại cuộc sống, hoạt động sản xuất kinh doanh. Người Nhật sẽ xây dựng, hồi phục lại các nhà máy từ đống đổ nát hay lựa chọn giải pháp đầu tư ra nước ngoài? 94 dự án đầu tư mới của Nhật vào Việt Nam trong 7 tháng năm 2011 là dấu hiệu tích cực cho làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam.
Việt Nam được quan tâm
Sau chuyến công tác tại Nhật Bản mới đây, một anh bạn đồng nghiệp chia sẻ, người Nhật bày tỏ rất nhiều cảm tình của họ đối với đất nước và con người Việt Nam. Trong lúc khó khăn nhất của thảm họa, phần lớn du học sinh, những người Việt đang lao động và nghiên cứu tại Nhật không bỏ về nước mà vẫn ở lại Nhật Bản, cùng chia sẻ khó khăn với người dân Nhật. Rồi những món quà gởi từ Việt Nam cho đất nước có nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới trong lúc khó khăn này cũng mang một ý nghĩa tinh thần rất lớn! Tình cảm này không đơn thuần như những lời “có cánh” trong đối thoại ngoại giao mà minh chứng cho việc nhích lại gần hơn trong am hiểu, đồng cảm về văn hóa. Và chính từ đây đã mang đến nhiều yếu tố tích cực trong hợp tác kinh tế, văn hóa, xã hội giữa 2 nước.
Liên tục trong tháng 7 và 8-2011, nhiều đoàn xúc tiến thương mại của Nhật Bản đã đến tìm hiểu cơ hội hợp tác tại nhiều tỉnh, thành của Việt Nam. “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” đang dẫn đường cho một làn sóng đầu tư mới của Nhật Bản vào Việt Nam. Đáng chú ý, liên tục trong vài tháng nay, Tập đoàn Marubeni, tập đoàn kinh tế đa ngành lớn của Nhật Bản, nằm trong tốp 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới, hoạt động trên phạm vi toàn cầu và có văn phòng tại 69 quốc gia, đã mở rộng nhiều hoạt động hợp tác, đầu tư với các doanh nghiệp Việt Nam. Tháng 5-2011, Marubeni ký kết hợp tác chiến lược với Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex).
Ông Katsuhisa Yabe – Giám đốc điều hành, trưởng bộ phận dệt may của Marubeni, cho biết, thông qua kênh liên kết, hợp tác với một số công ty thành viên, chi nhánh của Vinatex sẽ thúc đẩy hoạt động xuất khẩu sản phẩm dệt may của Việt Nam sang Nhật Bản hiệu quả hơn. Điều này cũng mở ra cơ hội “thay thế” của hàng dệt may Việt Nam vào Nhật, khi 90% sản phẩm dệt may của Marubeni sản xuất ở Trung Quốc. Nhật Bản hiện là thị trường xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ 3 của Việt Nam. Nhờ tận dụng tốt Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA), tăng trưởng xuất khẩu dệt may vào thị trường Nhật đã tăng lên trên 20%, đạt 1,2 tỷ USD trong năm 2010.
Cuối tháng 7-2011 vừa qua, Marubeni và Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico) đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược trong lĩnh vực sản xuất, phân phối nông sản, thực phẩm và thức ăn gia súc. Marubeni đặt kỳ vọng, sự hợp tác này sẽ đưa họ chiếm giữ vị trí số 1 về ngành này tại thị trường Việt Nam.
Cơ hội mới
Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho biết, tính đến tháng 8-2011, Nhật Bản là quốc gia đứng thứ 4/92 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam, với 1.560 dự án còn hiệu lực, vốn đăng ký gần 22 tỷ USD. Trong 7 tháng đầu năm 2011, có 94 dự án mới của Nhật đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn 720 triệu USD. Phần lớn những dự án này đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao. Đây cũng là những ngành sản xuất trong nước đang thiếu, kêu gọi đầu tư.
Đối mặt với việc thiếu điện sản xuất trong nước và những thách thức sau thảm họa, Nhật Bản đang thay đổi chính sách đầu tư và Đông Nam Á trở thành vùng đất ưu tiên cho sự dịch chuyển đầu tư này. Theo số liệu của Thời báo Kinh tế Nikkei (Nhật Bản), ở thời điểm năm 2005, 2006 có khoảng 200 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam. Nhưng chỉ 5 năm sau, đến năm 2010 con số này đã tăng lên đến 1.000 doanh nghiệp. Trung Quốc đã từng là điểm đến, thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư Nhật. Nhưng Trung Quốc cũng đang có sự điều chỉnh trong chính sách, lao động ở Trung Quốc đã không còn rẻ và các nhà đầu tư Nhật quyết định chuyển dịch ra nước ngoài. Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn nhất trong khu vực ASEAN để thu hút đầu tư từ Nhật.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế Nhật Bản, điều hấp dẫn, thu hút các doanh nghiệp Nhật đầu tư vào Việt Nam là chính trị ổn định, giá nhân công rẻ, cần cù, khéo léo. Với số dân đông thứ 2 trong ASEAN, chỉ sau Indonesia, Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng để phát triển tại thị trường nội địa. Điều này, phù hợp cho cả liên kết đầu tư tiêu thụ tại thị trường nội địa và xuất khẩu. Không còn minh chứng nào rõ hơn khi chỉ trong 7 tháng, có đến 94 dự án của Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam. Và chắc chắn, Việt Nam sẽ trở thành một nơi còn hấp dẫn nhà đầu tư trong thời gian tới.
Trong lúc kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, nhiều dự án FDI, liên doanh, liên kết tại Việt Nam rút vốn, chậm tiến độ đầu tư thì những dự án đầu tư của Nhật vào Việt Nam hiện nay đã xua tan không khí ảm đạm, mở ra nhiều hy vọng mới trong thu hút đầu tư tại Việt Nam.
HÀ NHAI