Theo ông Nguyễn Đức Chung, thành phố rất chú trọng trong công tác quản lý đối với các nhà máy cấp nước sạch trên địa bàn, trong đó có Nhà máy nước mặt sông Đuống và Nhà máy nước sạch sông Đà. Trong năm qua, Hà Nội đã giảm tỷ lệ thất thoát nước sạch từ 28% xuống còn 15%, nhờ đó giảm giá thành nước sạch.
Hà Nội cũng lựa chọn những đơn vị có năng lực để triển khai dự án nước sạch vào thành phố để đảm bảo chất lượng nước. Hiện nay cùng với 2 nhà máy nước sông Đà và sông Đuống còn có Nhà máy nước Hà Nam cung cấp nước sạch cho khu vực Phú Xuyên, Thường Tín; Nhà máy nước An Bình từ Thái Nguyên cung cấp nước sạch cho khu vực Sóc Sơn. Thành phố phấn đấu đến năm 2030 phải đạt 2,1 triệu m³/ngày đêm và đến hết năm 2020 sẽ đóng toàn bộ các giếng khoan chuyển sang dùng nước mặt.
Đối với việc đầu tư xây dựng Nhà máy nước mặt sông Đuống, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết có 4 nhà đầu tư, gồm: Quỹ đầu tư Oman, Aqua, Nhà máy nước số 2 của Hà Nội và 1 đơn vị nữa đầu tư vào Nhà máy nước mặt sông Đuống. Các nhà đầu tư vào Nhà máy nước mặt sông Đuống đều được thành phố lựa chọn là những đơn vị có năng lực và không có nhóm lợi ích ở đây.
Vừa qua, Quỹ đầu tư Oman đã bán lại cổ phần cho nhà đầu tư Thái Lan và việc mua bán này bình thường đối với các nhà đầu tư. Đối với giá nước của Nhà máy nước mặt sông Đuống cao hơn nhiều so với các nhà máy khác, ông Nguyễn Đức Chung cho biết đây là giá nước mới tạm tính để nhà đầu tư lập dự án đầu tư. Đến nay, thành phố chưa mất một đồng nào bù giá.
Trước thông tin doanh nghiệp vay vốn tới 80% tổng mức đầu tư khiến giá thành nước đội lên, Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định: “100% các dự án trên thế giới đều phải đi vay. Kể cả họ có phải vay 100% thì cũng không vấn đề gì. Đấy là bài toán của họ và họ phải chịu kể cả có rủi ro”.