Bà Panpimon Suwannapongse, Tổng Lãnh sự Thái Lan tại TPHCM, tự nhận mình rất yêu văn hóa Việt Nam và thể hiện điều ấy bằng cách học và sáng tác tranh sơn mài.
Làm tranh là niềm vui
Yêu nghệ thuật và bắt đầu vẽ từ khi còn rất trẻ nên tháng 4-2006, khi sang Hà Nội nhận nhiệm vụ Tham tán công sứ tại Đại sứ quán Thái Lan ở Việt Nam, bà lập tức đi học làm tranh sơn mài. Theo bà: “Sơn mài ở Nhật Bản được làm thủ công, chủ yếu phục vụ làm đồ dùng sinh hoạt chứ để vẽ thành tranh thì không bao nhiêu. Ở Myanmar thì họ làm sơn mài cho đồ thờ cúng, chỉ có ở Việt Nam mới được dùng để sáng tác nghệ thuật, rất độc đáo. Tôi yêu văn hóa Việt Nam, học và làm tranh sơn mài cũng là cách làm ngoại giao tốt nhất”. Bà đã tìm đến họa sĩ Cường và Quân để miệt mài học tập. Cả tháng sau bà mới hiểu đặc tính của 2 loại sơn có ở Việt Nam là sơn ta (sơn truyền thống) và sơn công nghiệp. Sơn công nghiệp khi mới vẽ thì tranh bóng, đẹp nhưng để lâu lại bị bay màu, thậm chí có thể bóc sơn ra thành từng mảng. Còn sơn ta màu không sặc sỡ nhưng có độ sâu, đậm hơn, sau khi vẽ không bị dính, đặc biệt là càng để lâu lớp sơn càng chắc hơn, trong và sáng lên. Dần dà, bà lại khám phá thêm nhiều điều thú vị. Thứ nhất, làm tranh sơn mài rất tiện. Đang làm dở bức tranh, có thể bỏ đó đi làm việc khác rồi sau trở lại làm tiếp… mà các chất liệu không bị hỏng. Thứ hai, sơn mài bảo quản dễ dàng và càng để lâu càng quý.
Ngày thường bận rộn với công việc của một nhà ngoại giao nhưng cuối tuần bà Oon (tên thân mật của Panpimon Suwannapongse) lại dành cả ngày cặm cụi trong xưởng để pha sơn, thếp, mài... Khi chuyển công tác sang Singapore, bà tranh thủ thời gian làm tranh vào buổi tối. Từ tháng 7-2012, được bổ nhiệm làm Tổng Lãnh sự Thái Lan tại TPHCM, bà Oon vui vẻ nói: “Được trở lại Việt Nam, sống luôn ở Tổng lãnh sự quán, không mất thời gian di chuyển giữa nơi ở và nơi làm việc nên tôi có nhiều thời gian hơn. Những lúc rảnh rỗi là tôi tranh thủ làm tranh”.
Chất liệu Việt, phong vị Thái
Có dịp được thưởng lãm tranh sơn mài của bà, tôi thấy có rất nhiều bức bà dùng đồng tiền baht lấy mặt có chân dung đức vua Bhumibol Adulyadej để gắn lên tranh rồi lấy vàng lá, bạc lá thếp lên. Hỏi thì bà bảo làm như vậy để tôn vinh đức vua. “Ở Thái Lan và Myanmar, người ta dùng rất nhiều vàng lá, bạc lá thếp lên các tượng Phật, tranh Phật... để dâng vào chùa, để thờ cúng trong nhà. Tôi cũng lấy tượng Phật nhỏ, rồi dùng đồng baht có ảnh chân dung đức vua gắn lên mặt sơn ta rồi thếp vàng, thếp bạc. Mỗi lần làm thế, tôi thấy rất thiêng liêng, như là mình đang thờ cúng Phật, kính cẩn trước đức vua, trước tổ tiên”, bà xúc động.
Dự kiến, ngày 8-6-2013, bà Oon mang 23 bức sơn mài của mình cùng với 15 bức của ông Hứa Thanh Bình, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, sẽ làm nên triển lãm Mưa vàng tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM. Ông Bình cho biết: “Trước đây, tôi đã gặp bà Panpimon Suwannapongse khi bà đến tham dự một cuộc triển lãm tranh ở Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM. Chúng tôi có dịp trao đổi công việc cùng xem tranh của bà. Tôi rất ngạc nhiên vì vẽ tranh là nghề tay trái nhưng bà đầu tư rất nghiêm túc. Và tranh của bà đều đạt chất lượng cao”. Còn ông Nguyễn Xuân Việt, họa sĩ từng hướng dẫn về kỹ thuật làm sơn mài cho bà Oon, đánh giá: “Tranh của bà rất có không khí Thái Lan, nhất là những bức gắn tượng Phật, gắn đồng baht. Một người Thái Lan mà yêu quý sơn mài Việt Nam, dùng sơn ta để làm tranh là rất quý. Điều này cũng chứng tỏ sơn mài là chất liệu quốc tế. Làm sơn mài khó nhất là công phu. Lại có thêm phần sang tạo bay bổng nữa thì tuyệt vời”!
| |
ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG