Nhà nông trong cơn bão giá: Đuối!

Nhà nông trong cơn bão giá: Đuối!

Những đợt biến động giá cả trước đây thường chỉ diễn ra thời gian ngắn với một số mặt hàng như: vàng, xe máy, ti vi, ô tô… là những thứ khá xa vời với người nông dân. Trận bão giá  lần này không dừng lại ở đó mà có thêm xăng, dầu, phân bón, thuốc trừ sâu, giống cây trồng, vật nuôi,…

Đầu vào sản xuất giá ngày một leo thang, đầu ra bấp bênh “được mùa, rớt giá” tạo ra tâm lý âu lo cho nhà nông.Trồng cây gì, nuôi con gì, bán ở đâu đang là câu hỏi lớn của nhà nông ĐBSCL trong thời kinh tế hội nhập.

Lao đao trong cơn bão giá!

Cộng hưởng với cơn sốt giá xăng, dầu, giá phân bón các loại tại ĐBSCL đang ở mức cao nhất từ trước tới nay, làm cho nông dân âu lo vì đang vào đợt chăm sóc lúa đông-xuân, hoa màu, cây ăn trái trong dịp Tết.

Nhà nông trong cơn bão giá: Đuối! ảnh 1

Thu hoạch đậu phộng vụ đông xuân 2007-2008

So với tháng trước, hiện giá phân urê và NPK tăng khoảng 30.000 – 40.000đ/bao, phân kali và phân DAP tăng khoảng 60.000 – 70.000đ/bao. Nếu so với đầu năm 2007, giá phân urê và nhiều loại phân NPK đã tăng 60.000 – 100.000đ/bao, DAP tăng trên 200.000đ/bao…

Mua tiền mặt thì theo giá thị trường, còn  mua “nợ” vào cuối vụ trả nông dân chịu giá cao hơn: từ 20.000-40.000đ/bao. Giá các loại thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng và chi phí nhân công cũng tăng vùn vụt. Giá lúa giống nguyên chủng và giống xác nhận cho vụ đông-xuân (xuống giống đợt 3) tại ĐBSCL cũng đang tăng cao. Giá các loại lúa giống đang ở mức 5.500-7.000đ/kg, tăng từ 300-700đ/kg so với cuối tháng 11.

Nhiều cơ sở cung ứng lúa giống tại An Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh,… cho biết, các giống lúa được nông dân ưa chuộng như OM 2517, OM 2514, OM 4498, ST5,OM 1490… đã hết. Vụ đông-xuân 2007 - 2008, ĐBSCL gieo sạ hơn 1,65 triệu ha, nhu cầu lượng giống xác nhận khoảng 247.500 tấn nhưng hầu hết mạng lưới nhân giống tại các địa phương không đáp ứng đủ nhu cầu.

Không khác gì lúa giống, đậu phộng giống vụ đông xuân ở Trà Vinh, An Giang cũng “sốt” giá. Vụ đậu này Trà Vinh xuống giống hơn 2.500ha (đây là vụ trồng chính) nhưng nguồn giống  khan hiếm, phần lớn phải mua tận các tỉnh Tây Ninh, Long Khánh.

Ông Huỳnh Trung Tràng, chủ trang trại 1,5ha lúa, màu xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) thở dài ngao ngán: “Xăng tăng, phân bón sốt giá, tất cả  đầu vào sản xuất đều tăng, nông dân chúng tôi lo lắm. Chỉ giá đậu giống tăng gấp đôi, nhà nông đã mất đi một nửa lợi nhuận, ở đây còn chưa tính độ rủi ro nếu đến thu hoạch rộ rớt giá thì xem như lỗ chắc. Bỏ đất hoang thì không đành, còn sản xuất thì phập phồng lắm”.

Chương trình “ 3 giảm, 3 tăng” thăng hoa

“ Cái khó ló cái khôn”. Còn nhớ đầu vụ lúa đông xuân 2006-2007, trước hiểm họa của dịch rầy nâu truyền bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá (VL-LXL), với mong muốn chia sẻ khó khăn với bà con nông dân, chương trình “Cùng nông dân ra đồng” (CNDRĐ) theo mô hình 4 nhà phối hợp với viện, trường (Viện BVTV, Viện KHKTNN miền Nam) đã được triển khai trên diện rộng ở 9 tỉnh: An Giang, Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, Tây Ninh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Cần Thơ và Bến Tre.

Sang vụ hè thu 2007, chương trình đã phát triển thành 509 điểm và 10 mô hình, mở rộng thêm các  tỉnh:  Trà Vinh, Hậu Giang, Kiên Giang và Bạc Liêu. Đặc biệt, tại mô hình 110ha của ấp Cầu Tre, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần, Trà Vinh năng suất bình quân đạt trên 6 tấn/ha, trong khi trước đây cao nhất là 3-4 tấn/ha.

Chương trình đã góp phần thay đổi tập quán canh tác của bà con nông dân theo chiều hướng tốt: Giảm giống, bón phân cân đối, sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả... Cuối vụ chỉ với 110ha, nông dân nghèo Cầu Tre, Phú Cần, Tiểu Cần, Trà Vinh thu nhập tăng thêm hàng tỷ đồng.

Trước tình hình “đầu vào” sản xuất  tăng cao, các nhà khoa học và ngành nông nghiệp các địa phương hợp lực cùng nhà nông áp dụng tốt chương trình khuyến nông: “3 giảm, 3 tăng” để tiết kiệm tối đa lúa giống, phân bón, thuốc trừ sâu… nhằm giảm chi phí sản xuất lúa đông xuân…

Hiện nay, vụ đông xuân 2007-2008, chương trình CNDRĐ được tiếp tục mở rộng thành 1.000 điểm và 13 mô hình trên 13 tỉnh ĐBSCL với diện tích 1.800ha và có hơn 1.800 nông dân tham gia. Đặc biệt, trong đợt ra quân lần này sự hợp tác giữa Công ty BVTV AG với Viện BVTV, Viện Lúa ĐBSCL, Đại học Cần Thơ trong việc phối hợp áp dụng các tiến bộ KHKT phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tế của từng địa phương.

Qua 1 năm gia nhập WTO, kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao, đó là tín hiệu vui. Song, giá trị sản xuất nông nghiệp vẫn còn thấp. Lũ lụt, dịch bệnh, giá tiêu dùng và vật tư nông nghiệp tăng và có dấu hiệu khó kềm chế, đầu ra nông sản bấp bênh đã ảnh hưởng nặng nề đến 80% dân số  là nông dân. “Nông dân  được gì sau một năm gia nhập WTO? Xuất khẩu thì chẳng được là bao (chủ yếu xuất thô), lại còn thua ở ngay sân nhà vì chất lượng hàng nông sản kém hơn”.

Nỗi trăn trở trên của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng và nhiều đại biểu Quốc hội tại diễn đàn kỳ họp lần thứ 2, Quốc hội khóa 12  rất đáng quan tâm và suy ngẫm trong chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân ở nước ta hiện nay.

ĐÌNH CẢNH  

Tin cùng chuyên mục