Tổng thống Palestine Mahmud Abbas, ngày 6-1, đã ra sắc lệnh chính thức đổi tên Chính quyền Palestine thành “Nhà nước Palestine”. Đây là hành động cụ thể đầu tiên của lãnh đạo Palestine sau khi LHQ quyết định nâng quy chế đối với Palestine từ thực thể quan sát viên lên “nhà nước quan sát phi thành viên” hồi tháng 11 năm ngoái, bất chấp sự phản đối của Israel và Mỹ.
Sớm có hiến pháp mới
Hãng thông tấn chính thức WAFA của Palestine dẫn sắc lệnh của Tổng thống Abbas nêu rõ mọi văn kiện chính thức, hộ chiếu, thẻ căn cước, giấy phép lái xe cấp mới và tem thư của Palestine sẽ được đóng dấu “Nhà nước Palestine”. Từ tuần trước, ông Abbas đã chỉ thị Bộ Ngoại giao và đại sứ quán Palestine ở các nước bắt đầu sử dụng tên “Nhà nước Palestine” trong các công văn chính thức. Tổng thống Abbas nhấn mạnh động thái này nhằm đề cao chủ quyền của Palestine, giúp thúc đẩy việc xây dựng nước Palestine trên thực tế, xây dựng các tổ chức của nước này cũng như chủ quyền của nước này trên vùng đất của mình. Theo DailyBest, ngày 17-12-2012, trong các văn bản của mình, văn phòng LHQ cũng đã thừa nhận tên “Nhà nước Palestine”.
Trước đó, Văn phòng Trưởng đoàn đàm phán Palestine Saeb Erekat cho biết, Chính quyền dân tộc Palestine (PNA) dự kiến thông qua bản hiến pháp mới trong năm 2013. Theo một nghiên cứu của văn phòng trên, PNA cũng sẽ nỗ lực tham gia một số thỏa ước quốc tế và các tổ chức của LHQ; đặt mục tiêu thống nhất dân tộc Palestine là ưu tiên chính, đồng thời kêu gọi tổ chức cuộc bầu cử minh bạch để bầu Hội đồng dân tộc Palestine và quốc hội mới. Bên cạnh đó, việc đạt được ngừng bắn giữa Israel và các nhóm du kích ở dải Gaza cũng là mục tiêu quan trọng của nhân dân Palestine. Nghiên cứu trên cũng kêu gọi phác thảo một kế hoạch làm việc để nối lại các cuộc hòa đàm với Israel dựa trên các cam kết hòa bình giữa hai bên, yêu cầu Israel ngừng các hoạt động tái định cư ở Bờ Tây, Đông Jerusalem và trả tự do cho các tù nhân Palestine.
Còn nhiều rào cản
Mặc dù đã có sự chuẩn bị kỹ nhưng phía trước vẫn còn nhiều thách thức đối với người Palestine. Tuy LHQ đã bỏ phiếu nâng cấp quy chế cho Palestine với sự ủng hộ rộng rãi của quốc tế, song hiện Israel vẫn chiếm đóng khu Bờ Tây và nắm quyền kiểm soát việc trao đổi hàng hóa cũng như sự tự do của người dân qua lại dải Gaza và đã sáp nhập Đông Jerusalem vào lãnh thổ của nhà nước Do Thái. Bên cạnh việc Israel xây thêm khoảng 3.000 ngôi nhà ở Đông Jerusalem và ở Bờ Tây, Palestine còn đang hứng chịu những khó khăn về kinh tế do cuộc phong tỏa tài chính của chính quyền Israel với dự báo sẽ rất khắc nghiệt.
Trong khi phía Israel chưa đưa ra bình luận nào về động thái “đổi tên” của Palestine thì theo giới quan sát, động thái này nhằm mục đích tăng cường chủ quyền “trên mặt đất” của Palestine và là một bước tiến trên con đường tới độc lập thực sự. Sự kiện này cho thấy vị thế của Palestine đã được nâng tầm, họ sẽ có địa vị ngang hàng với Israel trong các cuộc đàm phán hòa bình tương lai, và như thế, một bản nghị quyết 2 nhà nước cùng tồn tại song song sẽ có cơ hội tái sinh.
Tuy nhiên, Israel vốn chỉ trích mạnh mẽ việc Palestine được nâng cấp quy chế tại LHQ, nhiều lần xác định rằng nhà nước Palestine chỉ có thể được thành lập thông qua các cuộc đàm phán song phương với nhà nước Do Thái. Do vậy, các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Palestine và Israel được nối lại vào tháng 9-2010, bị gián đoạn chỉ vài tuần sau đó và cho đến nay vẫn chưa được khởi động lại. Những nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm đưa hai bên quay trở lại bàn đàm phán từ đó cũng không đạt được bước tiến đáng kể nào.
HẠNH CHI (tổng hợp)