Nhà ở cho công nhân - Chưa có giải pháp căn cơ

Nhà ở cho công nhân - Chưa có giải pháp căn cơ

Công nhân thu nhập thấp phải thuê nhà trọ giá cao, một số khu công nghiệp có khu lưu trú cho công nhân nhưng lại vắng người ở, đó là những thông tin đáng chú ý tại Hội thảo “Nhà ở công nhân thực trạng và giải pháp” do Bộ Xây dựng tổ chức tại tỉnh Bình Dương ngày 17-10.

  • Chỗ ở không theo kịp việc làm

Ông Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, cả nước có 260 khu công nghiệp rộng 72.000 ha với 174 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động. Hiện có đến 80% công nhân phải thuê nhà trọ không đạt tiêu chuẩn với giá cao từ 1,5 - 2 triệu đồng/tháng. Tính đến năm 2015, nhu cầu về chỗ ở cho công nhân khu công nghiệp lên đến 2,65 triệu người, cần 21,2 triệu m² sàn.

Nhà ở dành cho công nhân của một công ty may mặc ở tỉnh Bình Dương

Nhà ở dành cho công nhân của một công ty may mặc ở tỉnh Bình Dương

Vấn đề nhà ở cho công nhân cũng chính là bài toán cam go của các địa phương. Theo ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, lượng lao động là công nhân tại các khu công nghiệp có nhu cầu về nhà ở trên địa bàn tỉnh là 250.000 người. Tỉnh phấn đấu đến năm 2015 giải quyết khoảng 50% nhu cầu. Việc quy hoạch xây dựng nhà ở cho công nhân viên chức, người lao động còn hạn chế là do trước đây địa phương chưa lường hết nhu cầu nhà ở của người lao động.

Các khu công nghiệp hình thành sớm đã không dành một tỷ lệ đất và không có phương án xây dựng nhà ở dịch vụ, các hoạt động khác cho người lao động. Việc xây dựng gặp rất khó khăn, đặc biệt kể từ cuối năm 2008, do các diễn biến không thuận lợi cho việc đầu tư phát triển thị trường bất động sản nên việc đầu tư các dự án nhà ở trên địa bàn tỉnh bị chậm lại. Trong khi đó, nhà trọ do người dân tự xây dựng để cho thuê nên còn nhiều hạn chế: chất lượng, quy cách chưa đạt yêu cầu, cơ sở vật chất kỹ thuật không đảm bảo, thiếu ánh sáng, không thông thoáng, thiếu diện tích vui chơi...

Tỉnh Đồng Nai là địa phương có nhiều khu công nghiệp, thu hút đông đảo công nhân của phía Nam: 30 khu công nghiệp, tính đến tháng 9 này có khoảng 420.000 người tại các khu công nghiệp. Lao động nhập cư khoảng 252.000 người, chiếm 60% trên tổng số lao động trên địa bàn tỉnh. Lương bình quân của công nhân là 1,8 - 2,4 triệu đồng mỗi tháng, chưa tính suất ăn giữa ca.

Theo Sở LĐTB-XH tỉnh Đồng Nai, nhu cầu thuê nhà ở của công nhân năm 2011 là 35.000 người còn nhu cầu mua nhà ở khoảng 3.000 - 5.000 người. Xuất phát từ nhu cầu chỗ ở lớn của công nhân, tỉnh Đồng Nai đã tiến hành quy hoạch, xây dựng hàng loạt dự án nhà lưu trú. Tính đến nay có 61 dự án đăng ký xây nhà ở cho công nhân, trong đó có 17 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng, nhưng số còn lại chỉ dừng lại ở thủ tục đăng ký, giới thiệu địa điểm, giải phóng mặt bằng...

Tình trạng các doanh nghiệp kinh doanh nhà ở đăng ký đầu tư loại hình này, sau khi được thuận địa điểm thì không tiếp tục triển khai dự án xảy ra còn nhiều. Cũng có trường hợp doanh nghiệp đăng ký đầu tư nhà ở thương mại kết hợp nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, thu nhập thấp nhưng chủ yếu chỉ tập trung xây dựng nhà ở thương mại.

  • Thiếu cơ chế

Một trong những vấn đề bị các đại biểu các tỉnh kêu chính là “cơ chế”. Theo Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai, một trong những nguyên nhân khiến cho các dự án nhà ở cho công nhân không thu hút nhà đầu tư và doanh nghiệp tham gia vì họ chưa tiếp cận được nguồn vốn và các chính sách ưu đãi. Mặt khác, Chính phủ sớm ban hành hướng dẫn thành lập quỹ tiết kiệm nhà ở để giải quyết cho các đối tượng công nhân, người thu nhập thấp vay vốn mua nhà; hướng dẫn chế độ miễn giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp theo Nghị định 71 của Chính phủ để thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các dự án nhà công nhân.

Tại TPHCM, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Nguyễn Văn Danh nhận xét: “Nhu cầu nhà ở công nhân trên địa bàn thành phố hiện nay rất lớn nhưng việc triển khai xây dựng chưa đáp ứng được nhu cầu”. Các khu chế xuất, công nghiệp thu hút hàng trăm ngàn công nhân vào làm việc, nâng tổng số công nhân trên địa bàn lên đến 1,9 triệu người. Trong đó có khoảng 1,33 triệu công nhân đến từ các tỉnh khác và 50% trong số họ có nhu cầu thuê nhà ở tại TPHCM. Nhưng trên thực tế, chất lượng của 40% số lượng nhà trọ chưa đảm bảo theo quy định: diện tích nhỏ, không thông thoáng, xây bằng vật liệu tạm, chưa đảm bảo phòng cháy chữa cháy. Các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân xây dựng nhà trọ công nhân ngoài khu công nghiệp chưa được hưởng các ưu đãi về thuế, vay vốn, hạ tầng như quy định của Chính phủ. Đây cũng là lý do tại sao hình thức đầu tư này hiệu quả không cao, thu hồi vốn chậm.

Nhằm đáp ứng được nhu cầu nhà trọ cho công nhân, ông Nguyễn Văn Danh kiến nghị: Hỗ trợ hộ gia đình, cá nhân vay vốn hoặc xây dựng mới nhà trọ cho công nhân thuê với mức vay tối đa 70% giá trị hợp đồng thời hạn từ 5 đến 7 năm, tổng số vốn vay không vượt quá 2,5 tỷ đồng. Mức lãi suất cho vay được tính bằng lãi suất huy động tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng bình quân của 4 ngân hàng lớn và cộng phí quản lý 2,4%/năm.

Trước các kiến nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhận định, áp lực về nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp vô cùng lớn. Một nghịch lý đang diễn ra hiện nay là có nhiều khu công nghiệp chưa lấp đầy trong khi nhà ở công nhân đang thiếu. Nhà nước sẽ chủ động hỗ trợ các dự án xây dựng nhà ở cho công nhân thông qua các chính sách ưu đãi đồng thời khuyến khích các công ty nhà nước tham gia vào những dự án nhà ở cho công nhân. Đối với doanh nghiệp sử dụng lao động, phải có trách nhiệm tạo chỗ ở cho người lao động. Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục nhận các ý kiến đóng góp và đề xuất của doanh nghiệp để tham mưu xây dựng đề án chương trình nhà ở xã hội, trong đó có chương trình nhà ở cho công nhân.


LƯƠNG THIỆN – LÊ LONG

Tin cùng chuyên mục