Trung cung của nhà

Nhà phố và căn hộ

Nhà phố và căn hộ

Quan niệm Trung Cung có từ thời xưa và các cách xếp đặt - bố trí nội thất thường lấy theo mặt bằng ngôi nhà biệt lập hay nhà vườn truyền thống vốn tương đối vuông vức. Nhưng khi vào nhà ống đô thị hay căn hộ chung cư, việc phân cung điểm hướng xoay quanh Trung Cung phải linh hoạt điều chỉnh cho phù hợp.

  • Nhà phố: liên thông các tầng
Nhà phố và căn hộ ảnh 1

Hình 1

Trung Cung và các không gian Cát Hung đã được xác định sơ bộ (ví dụ, giếng trời nằm giữa, bếp phía sau, phòng khách phía trước…). Nhưng gia chủ cần xếp chồng các tầng nhà lên nhau (dĩ nhiên nếu nhà có nhiều lầu) để xem thử các phần cát Hung của từng lầu như thế nào. Ví dụ ở tầng trệt là bếp và bàn ăn nhưng phía trên lại là khu vệ sinh lầu là không ổn. Ít ra khu vệ sinh trên lầu phải nằm lệch về một bên với hộp kỹ thuật đi xuống không vào vị trí Cát của phòng ăn (Hình 1).

Việc xếp chồng các phòng chức năng giống nhau (như phòng ngủ, phòng vệ sinh) có lợi về yếu tố Cát Hung và xử lý kỹ thuật, nhưng đồng thời cũng phải lưu tâm đến khả năng linh hoạt của không gian, nhất là các tầng có sinh hoạt chung như tầng trệt hoặc tầng lửng. Một số ngôi nhà phố gặp phải trường hợp đặt bàn thờ dưới phòng khách ngay bên cạnh hộp gen của phòng vệ sinh trên lầu. Khi có sự cố kỹ thuật ảnh hưởng nhiều đến không gian tâm linh.

Nhà phố và căn hộ ảnh 2

Hình 2

Trường hợp khác là có sinh hoạt trên gác lửng và bên dưới là salon tiếp khách tại khoảng thông tầng, khi trẻ em chơi đùa trên lửng dễ ảnh hưởng xuống không gian phòng khách (ví dụ tiếng ồn, leo trèo hay làm rơi đồ vật xuống). Vì thế những không gian thông tầng chỉ nên bố trí sảnh, khoảng đi lại (Hình 2), cây cối tiểu cảnh, hoặc nếu có bố trí vật dụng sinh hoạt cố định thì nên tránh đặt gần dầm đà khoảng thông tầng hoặc trên lửng nên làm khung che chắn (kính hay gỗ, lan can cao). Một mô hình phổ biến hiện nay là làm nhà lệch tầng có lửng để phòng khách đặt trên lửng, dưới trệt chỉ là chỗ để xe và lối vào (Hình 3) xem ra khá hiệu quả về sử dụng và Phong Thủy.

Nhà phố và căn hộ ảnh 3

Hình 3

Việc liên thông các tầng về Trường Khí trong nhà phố còn biểu hiện ở sự dẫn đắt không gian từ dưới - trên, chung - riêng, tránh các thay đổi đột ngột hoặc che chắn kín mít dẫn đến sự đứt đoạn về Nội Khí. Muốn kiểm tra sự dẫn dắt này, ta có thể đi lên cầu thang và quan sát sự thay đổi về điểm nhìn, ánh sáng. Nếu bậc thang đều đặn thoải mái, không gian liên tục, không có những khoảng tối đột ngột hay cua quẹo chướng ngại vật bất thường, thậm chí có thể… nhắm mắt vẫn đi được, từ tầng này có thể quan sát các tầng khác thì có nghĩa là Nội Khí liên thông tốt.

  • Căn hộ: tránh ảnh hưởng lẫn nhau
Nhà phố và căn hộ ảnh 4

Hình 4

Mặt bằng các căn hộ chung cư thường giống nhau và thẳng hàng tại các khu vệ sinh, bếp. Tuy nhiên cũng có một số vị trí căn hộ trên – dưới không trùng nhau (như khi thay đổi diện tích căn hộ). Do đó, gia chủ cần quan sát, bố trí sao cho phần Trung Cung và các khu vực Cát Hung khác trong căn hộ của mình ít chịu ảnh hưởng của căn hộ bên trên và cũng không gây ảnh hưởng xuống căn hộ lầu dưới. Cụ thể là phần Trung Cung của căn hộ thông thường hay rơi vào vị trí giao thông, nhằm kết nối các phòng chung quanh nên tránh ngăn chia hay bố trí sinh hoạt (ăn, ngủ) tại vị trí này (Hình 4).

Nhà phố và căn hộ ảnh 5

Hình 5

Khi Phân Cung điểm hướng thì cách bố trí thông thường của các chung cư là khu bếp và vệ sinh gần nhau và về một phía, cho nên những không gian còn lại hay quây quần chung quanh Trung Cung. Tuy nhiên Trung Cung của căn hộ không như Trung Cung của nhà vườn hay nhà phố, khả năng thông thoáng và chiếu sáng ít hơn nhiều, do đó cần để trống vùng Trung Cung và nên dành một phòng giáp biên không có vách ngăn để đưa Dương Quang vào đến Trung Cung (Hình 5). Do xứ ta là vùng nhiệt đới nóng ẩm, tập quán nấu nướng có nhiều khói mùi nên trong bố trí bếp cần tạo vách ngăn hoặc ống hút để tránh đưa mùi lan tràn phòng khách và các không gian sinh hoạt.

Một số căn hộ chung cư theo kiểu không gian mở, chỉ làm cố định khu vệ sinh và bàn bếp, các phòng còn lại để trống. Nhưng thực ra trong mỗi gia đình vẫn phải có những không gian riêng tư như phòng ngủ, thay đồ, góc làm việc yên tĩnh (mang tính Âm) nếu “mở” quá sẽ gây ảnh hưởng lẫn nhau. Về mặt phong thủy, việc phân cung điểm hướng cũng dựa trên yếu tố Âm Dương cân bằng, tránh biến căn hộ trở nên thuần Âm quá (ngăn chia nhiều, bật đèn vào ban ngày) đồng thời cũng không thể làm theo kiểu thuần Dương quá (để trống hoàn toàn). Những căn hộ nằm về hướng bất lợi (nắng gắt, tầm nhìn xấu), gia chủ phải tự cân bằng thông qua hệ thống rèm, bình phong, dùng màu sắc và vật dụng để giảm bớt Xung Sát ngoại cảnh .

HOÀI AN

Tin cùng chuyên mục