Ở Việt Nam, sưu tầm nghệ thuật có thị trường đâu mà bảo bị ảnh hưởng bởi thị trường với lại khủng hoảng kinh tế. Thế nên vẫn có người bỏ cả trăm ngàn USD bay ra nước ngoài mua tranh. Tình yêu nghệ thuật đã vượt lên tất cả.
Lòng tự tôn dân tộc là vô giá
Lại thêm hai bức tranh của họa sĩ Lê Phổ - họa sĩ lừng lẫy thời Mỹ thuật Đông Dương, tìm được đường về quê hương sau bao năm bôn ba nơi đất lạ xứ người. Ngày 22-2, khi ủy viên đấu giá của nhà đấu giá Briggs Aution gõ búa bức Floral Still Life (80x60cm, sơn dầu trên toan) với mức giá 25.400 USD, một người Việt Nam nở nụ cười mãn nguyện. Cũng ngày đó, ở nhà đấu giá Lesliehinman Auctoneers, bức Marché aux pleurs (90x120cm, sơn dầu trên lụa) về tay người Việt Nam với giá 68.000 USD. Người đấu thành công hai bức tranh đó là anh Nguyễn Minh, nhà sưu tầm nghệ thuật - Giám đốc Công ty TNHH Minh Kim. Anh Minh cho biết, ngoài giá tranh, người mua còn phải trả tiền thuế cho chính quyền sở tại, nơi diễn ra đấu giá; trả thêm 15% - 30% giá bức tranh cho nhà đấu giá, 15% - 20% giá trị bức tranh phí bảo hiểm vận chuyển...
Khoảng 20 ngày nữa, hai bức tranh nói trên sẽ ngự trên tường phòng tranh và đồ mỹ nghệ ở số 23A, phố Phan Đình Phùng, phường Hàng Gai, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội, để những người yêu mỹ thuật được thỏa thuê thưởng lãm. Giữa thời buổi kinh tế suy thoái này mà ở Việt Nam vẫn có người bỏ ra gần 2 tỷ đồng để mua hai bức tranh. Tin ấy làm nức lòng nhiều người lắm!
Trước đó, ngày 3-7-2013, anh thốt lên: “Sau bao gắng gượng, trông ngóng, cuối cùng, tranh cụ Đàm đã về đất mẹ thật rồi!”. Đó là sự kiện 4 bức tranh của Vũ Cao Đàm: Gossip, Spring, Two Lovers, Lovers in a landscape về đến Hà Nội sau những phiên đấu giá căng thẳng tại các nhà đấu giá lớn ở Hong Kong và Mỹ. Cả bốn bức đều được họa sĩ Vũ Cao Đàm vẽ năm 1964, thời điểm ông đã định cư ở Pháp. Tuy được vẽ trên đất khách song nội dung tranh, hồn cốt tranh đều là phong cảnh, con người Việt Nam.
Nguyễn Minh là cái tên quen thuộc trong giới sưu tầm nghệ thuật ở Việt Nam và liên quan đến Việt Nam từ lâu. Năm 1990, cơ duyên đã đưa chàng trai Nguyễn Minh, ngoài 30 tuổi, từ một nhân viên của Công ty Xe điện Thống Nhất đến với nghiệp sưu tầm tranh khi anh mua được hàng chục bức tranh quý trong bộ sưu tập của ông Đức Minh, người được xem là nhà sưu tầm tranh lớn nhất Việt Nam. Từ đó đến nay, anh Nguyễn Minh cứ âm thầm tích lũy gia tài nghệ thuật của mình và liên tục làm dậy sóng giới trong nghề. Căn nhà ba tầng của anh nơi con phố đẹp nhất Hà Nội chứa đầy tranh, đồ cổ. Thời kinh tế suy thoái thế này, nhiều người sống dở chết dở thế mà anh vẫn phơi phới bỏ tiền mua tác phẩm nghệ thuật. Nghe tôi thắc mắc vậy, anh Minh cười bảo: “Tích lũy được một ít, không mua nhà, sắm xe như người ta nên tôi đầu tư cho nghệ thuật mà không tính thiệt hơn”.
Lòng tự tôn dân tộc là vô giá, tâm niệm thế nên anh Minh luôn bận bịu với những chuyến đi đông đi tây để đấu giá tranh của các danh họa Việt Nam, nhất là những họa sĩ lứa đầu của Trường Mỹ thuật Đông Dương. Trước mắt, tháng 4, tháng 5 tới, anh sẽ sang Hong Kong (Trung Quốc) tham dự phiên đấu của nhà Christies và Sotheby để bổ sung cho bộ sưu tập của mình. Dự tính vào tháng 11-2015, anh Minh sẽ tổ chức triển lãm bộ sưu tập quý giá của mình ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Tay trái nuôi tay phải
Không thể thống kê, nhưng ước tính những người sưu tầm nghệ thuật ở Việt Nam cũng phải đến hàng vạn. Nhưng những người kiếm sống bằng nghề này chắc không quá vài ngàn. Nói đâu xa, TPHCM, nơi có phố đồ cổ Lê Công Kiều (phường Nguyễn Thái Bình, quận 1) nức tiếng, nơi được đánh giá là số lượng các nhà sưu tập tư nhân rất đông đảo với nhiều nhánh sưu tầm phong phú, đa dạng về niên đại, chất liệu, xuất xứ. Nhưng Hội Cổ vật TPHCM cũng chỉ có gần 100 thành viên, Chi hội Di sản văn hóa gốm Nam bộ với gần 70 hội viên và chừng gấp đôi số ấy là những người chơi tự do. Nhưng mưu sinh bằng nghề chắc không quá trăm người.
Thế nên khi hỏi có sống được bằng nghề không, đa số nhà sưu tầm cười và thú thật là phải lấy tay trái nuôi tay phải. Anh Nguyễn Minh tâm sự: “Tôi mua tranh để chơi cho thỏa đam mê thôi. Người sưu tầm ở Việt Nam không nhiều, chúng ta không có sàn đấu giá nên không có thị trường. Tôi sống bằng cửa hàng bán đồ mỹ nghệ”.
Ở TPHCM, anh Nguyễn Văn Sĩ nổi tiếng với không gian trưng bày cổ ngoạn City Star rộng 25x45m tại số 13 đường Bùi Thị Xuân, phường Bến Thành, quận 1. Đây là địa điểm thú vị của giới sưu tầm cổ vật với những chợ phiên cuối tuần, với những buổi trưng bày tranh và cổ vật song hành; những buổi thưởng thức trà, rượu vang ngắm tranh, cổ vật v.v... Hoạt động rôm rả thế nhưng anh bảo phải lấy lợi nhuận từ kinh doanh khách sạn để nuôi dưỡng đam mê.
Nhà sưu tầm Nguyễn Anh Tuấn mở Công ty Tân Di Sản Việt ở đường Nguyễn Trãi, quận 1, nhưng sống bằng nghề thiết kế phòng trưng bày cho các bảo tàng chứ không phải từ lợi nhuận của việc bán hay tư vấn đồ cổ. Ở con đường cổ ngoạn Lê Công Kiều , đa phần các nhà sưu tầm sống bằng nghề buôn bán đồ thủ công mỹ nghệ giả cổ hoặc non tuổi là chính. Một ông khách người Mỹ sẵn sàng rút ví 400 USD mua một bức tượng nhà mồ của người Bahna chứ không mua một bức ký họa của họa sĩ Việt Nam thời chống Mỹ.
“Tượng nhà mồ tôi chất cả kho sau nhà, bán được lắm”, chủ cửa hàng nói vậy rồi nhiệt tình dẫn tôi vào kho xem. Tôi thấy ngoài những bức đúng hồn cốt Bahna còn có cả tượng anh bộ đội cầm súng, chị dân công chải tóc… “Nhưng vẫn dễ bán hơn tranh và đồ cổ; tiền đầu tư lại ít, chỉ vài trăm ngàn đồng một bức”, ông chủ cửa hàng đúc kết. Trong khi đó, tôi biết một nhà sưu tầm nước ngoài bỏ gần 40.000 USD để mua bộ ký họa của một họa sĩ Việt Nam thời chống Pháp, rồi in sách, tổ chức triển lãm… đầu tư suốt hai năm trời nay mà chưa có dấu hiệu gì thu lại.
Từ Paris, chị Loan de Fontbrune, nhà sưu tầm nghệ thuật người Pháp gốc Việt, người kiếm sống được bằng nghề, cho rằng nếu đến với nghề bằng niềm say mê, luôn nỗ lực học hỏi và nhất là có cảm quan nghệ thuật để đi trước thiên hạ thì nhà sưu tầm luôn sống khỏe. Chị lấy ví dụ như cách đây chục năm chị đã sưu tầm gốm Biên Hòa xưa. Khi đó rất ít người chơi để ý nên đồ này rất rẻ. Nay dòng đồ này vừa đắt đỏ vừa hiếm. Trước đây khi người ta chỉ để ý đến tác phẩm của các họa sĩ học Trường Mỹ thuật Đông Dương thì chị đã sưu tầm tác phẩm của các họa sĩ Trường Mỹ thuật Gia Định. Chứ không thì bây giờ đã không có mà mua. Và hiện tại, chị đang dồn tâm huyết và tài chính cho đồ bạc, đồ cẩn xà cừ, đồ thêu… “Tự tin để đi trước thì vừa có nhiều đồ để chọn vừa mất ít tiền để mua”, chị tư vấn
Theo khảo sát năm 2013 của các chuyên gia tư vấn tài chính của Hãng tư vấn Knight Frank, thị trường đầu tư say mê, thuật ngữ tiếng Anh là passion investment, đã tăng trưởng 7% trong năm 2012. Ông Rachel Pownall, phó giáo sư ở Đại học Tilburg - tác giả của khảo sát, cho biết, lý do đầu tư say mê tăng trưởng là vì nó tương đối bền vững.
Trong đầu tư say mê, đồ cổ, tác phẩm mỹ thuật được yêu thích hơn cả. Theo ông Daniel Komala, Tổng giám đốc Hãng đấu giá Larasati Auctioneers, những tác phẩm mỹ thuật tốt sẽ vượt qua thử thách của thời gian so với các loại hình tài sản khác. Ngoài ra, ta có thể vận chuyển chúng khắp thế giới để bán cho thị trường nào đạt hiệu ứng đầu tư tốt nhất. Rủi ro liên quan đến đầu tư tác phẩm mỹ thuật cũng tương đối thấp, với điều kiện các bức tranh được bảo quản cẩn thận. Tuy nhiên, nhà đầu tư phải nắm giữ tác phẩm mỹ thuật ít nhất năm năm mới được bán
ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG