Trong những ngày qua, thông tin về hành vi cứu xe khách của tài xế xe tải Phan Văn Bắc tuy có khác nhau nhưng tất cả đều chung một đánh giá: anh Bắc đã cứu mạng của hơn 30 con người - là điều cốt lõi đọng lại trong câu chuyện kết thúc có hậu này.
Tương tự, hành động “thương người như thể thương thân” ấy, cách đây không lâu là việc ông Huỳnh Ngọc Hoàng kịp thời cấp báo để cứu đoàn tàu lửa không lao xuống sông Đồng Nai khi cầu Ghềnh bất ngờ bị sà lan đâm sập. Một hành động nhỏ khác gây xúc động trong cộng đồng mạng là một cô gái dừng xe máy giữa lúc trời đang dông để khoác tấm áo mưa cho bà cụ xa lạ trên đường…
Trong cuộc sống đời thường, khi mà lòng nhân ái, lòng tốt tưởng như khan hiếm, như một thứ xa xỉ thì mỗi sớm mai thức dậy, nghe được một câu chuyện tử tế đầy lòng nhân ái như thế, ai cũng cảm thấy lòng mình ấm áp, ngập tràn niềm vui, thắp sáng niềm tin và hy vọng về một thế giới mà ta đang sống. Lòng nhân ái quả có sức mạnh lớn lao, làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn, để có thêm nhiều người tử tế làm những việc tử tế.
Hàng ngày, tin tức tiêu cực về những mặt trái của xã hội, hay những chuyện giật gân về “cướp, hiếp, giết” ngập tràn trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội làm cho người đọc hoang mang, có khi mất phương hướng. Cảm giác như “cái ác” đang lấn át, ngự trị “cái thiện”. Nhiều người bi quan cho rằng lòng tốt đang suy giảm trong đời sống cộng đồng. Lối sống ích kỷ, hẹp hòi, phi nhân tính đang có chiều hướng lấn át tính nhân văn, vị tha, nghĩa tình… Thực ra, lòng nhân ái, sự tử tế không hề thiếu trong đời sống. Lòng tốt vẫn luôn tồn tại, nó không mất đi, có chăng chỉ lẩn khuất đâu đó trong cuộc sống, và một khi được khơi dậy, điều tốt đẹp luôn lan tỏa, bởi đó là bản chất của con người, được hình thành từ quan hệ gia đình đến cộng đồng, xã hội.
Từ lâu, TPHCM nổi tiếng với truyền thống “thành phố nghĩa tình, nhân ái” - một nét đặc trưng trong tính cách người Sài Gòn. Đó không chỉ là sự kế thừa lịch sử 300 năm hình thành thành phố Sài Gòn mà còn thừa hưởng di sản hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc Việt Nam. Các nhà nghiên cứu lịch sử đã đúc kết, người Sài Gòn xưa - nay là TPHCM, cũng như của người dân Nam bộ nói chung “luôn có phong cách khoan dung, nhân ái, nghĩa hiệp và nặng nghĩa tình”…
Theo TS Nguyễn Thị Hậu (Phó Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam), ở người Sài Gòn, cái “tình” luôn đi cùng với “nghĩa”, là “làm việc nghĩa”. Người Sài Gòn làm việc nghĩa như một “thao tác” bình thường, thấy việc nên làm thì làm, không tính toán thiệt hơn, giúp người trong khả năng của mình, dù ít cũng không ngại và nhiều cũng không đòi hỏi đền đáp. Người Sài Gòn thực tế và giàu lòng tử tế, giúp người một cách cụ thể, “ngay và luôn”, mặc dù có thể ít nói lời văn chương. Tử tế là mạch sống tình người, thể hiện thường ngày, không gò ép khuôn sáo. Vì thế, xã hội sẽ trở nên tồi tệ, không phải bởi quá đông kẻ xấu, vì người tử tế không thể hiện thái độ của mình.
Thành công 40 năm xây dựng và phát triển của TPHCM, trong đó dấu ấn lớn nhất 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng chính là khởi đầu từ niềm tin - một niềm tin mãnh liệt vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sự nghiệp cách mạng của quần chúng và sự năng động trong vận dụng sáng tạo đường lối, mang tính đột phá của Đảng bộ TPHCM. Việc Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X đề ra mục tiêu trong nhiệm kỳ 2016-2020 xây dựng TPHCM “có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình” là thể hiện nguyện vọng, tình cảm của nhân dân, muốn thành phố trở thành điểm hội tụ của “ý Đảng, lòng dân” trong việc xây dựng thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu ngày càng ấm no, hạnh phúc.
TUẤN SƠN