Nhân đạo và nhân văn

Đỉnh lũ năm nay tại ĐBSCL có mức nước cao không thua gì so với mùa lũ lịch sử năm 2000. Ngoài việc bảo vệ các đê kè nhằm giữ hàng ngàn hécta lúa thu đông, vấn đề đảm bảo an toàn tính mạng cho trẻ em vùng lũ cũng được người dân và chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm.

Từ đầu mùa lũ đến nay, ĐBSCL đã có 18 người chết, trong đó có 15 trẻ em. Thương tâm nhất là trường hợp hai chị em Mai Thị Kiều Oanh (4 tuổi) và Mai Thị Thanh Kiều (2 tuổi) ngụ tổ 5, ấp Phước Thái, xã Mỹ Phước (Hòn Đất) bị nước lũ cuốn trôi. Cũng có trường hợp các em chết do mưu sinh như cùng gia đình đi giăng lưới, bắt cá bị lật xuồng trên đồng nước. Đau lòng hơn là tình trạng trẻ chết do bất cẩn, lơ là của người lớn.

Lâu nay, mùa lũ ở ĐBSCL còn được gọi là mùa nước nổi bởi tính chất khác xa với lũ ở miền Bắc, miền Trung. Nước về tràn đồng, mênh mông và ngập sâu, kéo dài hàng tháng trời. Do vậy, sinh hoạt trong mùa nước (sống chung với lũ) ngoài việc mưu sinh, làm ăn còn là việc bảo vệ tính mạng con người, nhất là trẻ em.

Những mùa lũ trước, tình trạng trẻ ngủ mê rơi xuống nước, rơi từ sàn nhà xuống nước, đi chơi té xuống nước… xảy ra không ít. Người trông coi chỉ lơ là trong ít phút là đã nguy hiểm đến tính mạng trẻ. Vì thế, bảo vệ an toàn tính mạng cho người dân, nhất là trẻ em trong vùng bị ảnh hưởng lũ lụt hàng năm, là việc làm thể hiện tính chất nhân đạo, nhân văn của xã hội ta, hợp đạo lý tôn trọng con người, vì thế hệ tương lai. Việc làm này cần được nhân rộng, thực hiện một cách căn cơ để hạn chế đến mức thấp nhất những mất mát không đáng có khi cả vùng ĐBSCL hàng năm phải đối mặt với lũ.

Mặc khác, từng gia đình phải có trách nhiệm bảo vệ mạng sống cho con em mình, phải rào chắn các cửa lớn không cho các cháu nhỏ bò ra ngoài, không để các em đi lại một mình bằng ghe xuồng trên sông nước và tuyệt đối không để các em tắm sông mà không có người trông giữ. Các cấp chính quyền có trách nhiệm tuyên truyền cảnh báo trong nhân dân và có biện pháp cụ thể để giảm thiểu những thiệt hại về nhân mạng, nhất là trẻ em trong mùa lũ lụt.

Dư luận đã nhiều lần lên tiếng cách phổ cập bơi cho trẻ từ 7 đến 15 tuổi nhằm hạn chế tình trạng trẻ em đuối nước. Đến nay, nhiều địa phương vùng lũ đã tập trung triển khai phổ cập bơi cho trẻ em.

Tại Đồng Tháp, từ đầu năm đến nay, Trung tâm VH-TT và Phòng GD-ĐT huyện Tân Hồng đã tổ chức 20 lớp phổ cập bơi cho 1.500 học sinh ở các trường tiểu học và THCS trên địa bàn. Tương tự, việc triển khai dạy bơi cho trẻ em cũng được 11/12 huyện, thị còn lại thực hiện tại địa phương mình. Nhiều nơi gặp không ít khó khăn do vấn đề kinh phí, trang thiết bị dạy bơi. Tuy nhiên đây là việc phải làm, triển khai xuyên suốt ở các trường học vùng thị trấn, cũng như tại vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa mới mong giảm thiểu những cái chết thương tâm vùng lũ.

Bên cạnh việc phổ cập bơi cho trẻ, nhiều tỉnh, thành cũng đã cấp kinh phí cho các địa phương thuê mướn giáo viên, thuê nhà dân... tổ chức điểm giữ trẻ. Việc này giúp các gia đình sống trong vùng lũ an tâm hơn trong lao động, sản xuất. Thêm nữa, việc xây dựng cụm, tuyến dân cư ở ĐBSCL đã mang lại hiệu quả rõ rệt: Người dân có nơi ở ổn định, an toàn trong lũ, nhờ vậy, trẻ em cũng được bảo vệ, Tuy nhiên, đồng nước vẫn còn ngập sâu và kéo dài hàng tháng.

Hơn lúc nào hết, chính người lớn, những gia đình có trẻ em ở vùng lũ phải hết sức cảnh giác, không chủ quan, lơ là để giảm thiểu những nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng trẻ em do lũ lụt gây ra.


TRẦN MINH TRƯỜNG

Tin cùng chuyên mục