Nhân rộng mô hình phân loại rác tại nguồn

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, mỗi ngày thành phố phát sinh 7.000 - 7.500 tấn chất thải rắn sinh hoạt thải ra môi trường. Để giảm áp lực trong xử lý môi trường, thay đổi thói quen trong sinh hoạt của người dân và để tận dụng giá trị kinh tế của chất thải hữu cơ, từ năm 2011, TPHCM đã triển khai thí điểm chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn.

Đến nay, chương trình đã được thực hiện tại 21 siêu thị thuộc hệ thống Co.opmart, Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7); Khu công nghệ cao (quận 9); phường Bến Nghé (quận 1); phường 6 (quận 3); phường 1 (quận 5); phường Tân Thới Hiệp (quận 12); phường 25 (Bình Thạnh) và mới đây thành phố đã triển khai chương trình phân loại rác tại nguồn ở phường 12 (quận 6)… Tại đây, các gia đình sẽ phân loại chất thải rắn thành 2 loại: chất thải rắn thực phẩm gồm thức ăn dư thừa, rau củ quả, hạt, bã trà, bã cà phê,… và chất thải rắn còn lại gồm các loại giấy, túi ni lông, các loại nhựa, lon chai nước. Trong thời gian thí điểm thành phố hỗ trợ cho mỗi gia đình 2 thùng đựng chất thải rắn. Thùng đựng chất thải rắn thực phẩm có màu xanh lá cây, thùng đựng chất thải còn lại có màu xám. Cả 2 loại chất thải này đều được thu gom riêng cùng lúc mỗi ngày. Sau đó được vận chuyển về các khu xử lý chất thải rắn tập trung của thành phố. Ông Nguyễn Văn Phước, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, cho biết, để có thể nhân rộng mô hình phân loại rác tại nguồn trên khắp địa bàn thành phố chúng ta cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân. Song song với đó, chúng ta cần phải kiên trì, bám sát địa bàn để tìm hiểu nguyện vọng, yêu cầu của người dân từ đó có những chính sách hỗ trợ kịp thời để người dân đồng thuận tham gia.

HÀ VĂN

Tin cùng chuyên mục