Nước Pháp trước ngày bầu cử tổng thống

Nhân tài khăn gói ra đi

Nhân tài khăn gói ra đi

Tuần báo Time, ấn bản châu Âu 16-4-2007 (tuần báo Mỹ luôn đề ngày trước một tuần) vừa cho biết 2,2 triệu người Pháp (4% dân số) đã bỏ ra nước ngoài và số người Pháp đăng ký tại các lãnh sự quán Pháp hải ngoại đã tăng 40% kể từ năm 1995. Theo báo cáo gần đây của Thượng viện Pháp, trung bình mỗi ngày có hai người Pháp khăn gói ra đi chỉ bởi lý do…  thuế!

  • Paris ơi, ta chào mi!
Nhân tài khăn gói ra đi ảnh 1

Ernest Hemingway: “Paris là thành phố của lễ hội. Sống ở đó nhiều vui thú nhưng để kiếm tiền và vươn lên trong sự nghiệp thì đừng hòng”

Hồi còn ở Pháp, Hamid Senni và Edouard Jozan như sống ở hai hành tinh khác nhau. Senni, gốc Morocco, trưởng thành tại khu quy hoạch “vô hồn” gần Valence và chật vật lắm mới có thể đến trường.

Không chỉ một lần, Senni đối mặt câu trả lời chua chát rằng anh không thể tìm được việc. Trong khi đó, Jozan từng học tại một trong những trường trung học tốt nhất Paris.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Jozan làm trong lĩnh vực tài chính quốc tế. Tuy nhiên, cả hai đều có điểm chung: mang quốc tịch Pháp, ở độ tuổi chớm 30 và nhiều tham vọng. Và cả hai cũng đều rời nước Pháp trong tâm trạng chẳng biết bao giờ hồi hương.

Bị “uất ức” bởi tình trạng phân biệt đối xử tại Pháp, Senni thoạt đầu sang Thụy Sĩ và hiện sống ở London, nơi anh lập hãng tư vấn chuyên giúp các công ty đa quốc gia của Pháp. Phần mình, Jozan ở Đức 5 năm sau khi tốt nghiệp rồi trở về Pháp trong sự ngỡ ngàng rằng nơi mình từng làm việc bây giờ hoang tàn u ám. Lập tức rời Pháp lần thứ hai, Jozan sang Anh học thạc sĩ tại Trường Kinh thương London, nơi tình cờ cách không xa văn phòng Senni… Như văn hào Ernest Hemingway từng viết, Paris đúng là thành phố của lễ hội. Sống ở đó hẳn nhiên nhiều vui thú nhưng để kiếm tiền và vươn lên trong sự nghiệp thì đừng hòng.

Cuộc thăm dò năm 2005 của TNS Sofres (mạng truyền thông tiếp thị toàn cầu lớn thứ hai thế giới) cho biết khoảng 1/2 người ra đi đều thuộc thành phần dưới 35 tuổi và ít ai trong số họ bày tỏ nguyện vọng trở về nước. 93% đối tượng (hiện sống hải ngoại) cho biết họ hài lòng với cuộc sống mới và chỉ 45% nói rằng họ chỉ trở về Pháp khi đến tuổi dưỡng già!

Tại sao giới trẻ Pháp đành lòng bỏ quê hương? Lý do thật đơn giản. Pháp ngày càng hiếm những “chùm khế ngọt” và hiện là một trong những quốc gia khó tìm việc nhất thế giới. Khả năng tìm được việc thường nhờ vào quan hệ hơn là tài năng. Hơn nữa, bộ máy hành chính sự nghiệp Pháp là một trong những bộ máy công quyền nặng nề và cổ lỗ sĩ nhất thế giới. Đó là chưa kể tình trạng phân biệt chủng tộc (từng trở thành nguyên nhân khiến nước Pháp sống trong bạo loạn kinh hoàng vào năm 2005).

Với nhiều người Pháp, trong đó có nhà văn nổi tiếng Nicolas Baverez, hiện tượng chảy máu chất xám là bản tuyên ngôn mới nhất về sự xuống dốc không phanh của nước Pháp. Trong khi đó, vài ý kiến, trong đó có nhật báo cánh hữu Le Figaro, lại diễn dịch rằng người Pháp đang “chinh phục thế giới”, “một tín hiệu đáng mừng cho thấy thanh niên Pháp háo hức mở rộng tầm nhìn và thu thập sàng khôn”.

  • Vấn đề mang tính sống còn của thế hệ

Thực tế vẫn là một gam màu u ám. Lời hiệu triệu thiết tha kêu gọi kiều bào hồi hương của Chính phủ Pháp đã thất bại. Phần nào đó, thành phần bỏ xứ ra đi đã phản ánh thực trạng xã hội mất phương hướng của nước Pháp, thể hiện ở nội dung tranh cử tổng thống của ba ứng cử viên chủ lực.

Nicolas Sarkozy (cánh hữu), François Bayrou (ôn hòa) và Ségolène Royal (cánh tả) đều nhấn mạnh đến tình trạng nước Pháp bị “cản trở” và “bất động”. Cả ba đều đưa ra giải pháp cho những vấn đề xã hội khiến thanh niên phải lên đường “lưu vong”. Ségolène Royal đưa ra chính sách cho vay 13.000 USD không lãi nhằm vào đối tượng doanh nghiệp trẻ đồng thời tạo ra 500.000 việc làm được nhà nước tài trợ; Sarkozy tung ra chính sách liên quan đạo đức nghề nghiệp với lời hứa thưởng nhiều hơn cho ai làm việc hơn 35giờ/tuần; và Bayrou cam kết chấm dứt tình trạng hai đảng tả - hữu nện nhau bầm mình bầm mẩy, mà ông tin rằng đó mới là nguyên nhân làm nước Pháp thảm hại trong 1/4 thế kỷ qua.

Trong buổi nói chuyện với cử tri tại Paris vào tháng 3-2007, Bayrou phát biểu: “Pháp – quốc gia đang đau đớn dù được gây tê – đang cần lấy lại hình thù để có thể một lần nữa đứng lên kiêu hãnh nhìn đời”.
 
Sự trì trệ của Pháp đã chẳng còn là chuyện mới mẻ. Con số 22% thanh niên thất nghiệp là một trong những tỷ lệ cao nhất châu Âu. Chẳng phải thành phần bỏ học mới ra “giang hồ” mà cả đối tượng trí thức cũng nhanh chóng gia nhập lực lượng “đi bụi”. Hơn 7% sinh viên tốt nghiệp ở độ tuổi cuối 20 hiện không có việc làm – một trong những kỷ lục tệ nhất Liên minh châu Âu. Thậm chí người có tay nghề cao cũng không tìm được chỗ đứng tốt.

Trở về nước năm 2006 sau khi hoàn thành luận án tiến sĩ tại Viện Y khoa quốc gia Hoa Kỳ (NIH), nhà nghiên cứu hóa sinh Keren Bismuth đối mặt loạt thủ tục rườm rà và bất tiện với chính sách hợp đồng mỗi ba tháng hơn là một vị trí ổn định và mức lương xứng đáng. Trong khi đó, tìm việc ở những nơi khác dễ hơn nhiều. Vladimir Cordier, sinh viên tốt nghiệp thất nghiệp kinh niên tại Pháp, đã tìm được việc chỉ 5 ngày sau khi đến nhà ga Waterloo tại London bằng vé tàu một chiều Eurostar. Còn vô số trường hợp tương tự.

Tựu trung, sự bỏ nước ra đi của thành phần thanh niên Pháp thể hiện sự mất kiên nhẫn trong thay đổi chính sách của chính phủ. Nếu nước Pháp tiếp tục tự bó chân bó tay trong cải cách và không phản hồi tích cực trước đòi hỏi của thời cuộc, sẽ có nhiều thanh niên Pháp “háo hức mở rộng tầm nhìn” ở hải ngoại hơn và nhìn về đất nước héo mòn với sự thờ ơ, như một sự đổi lại cho thái độ thờ ơ mà họ đã nhận một cách chua chát!.

Mạnh Kim

Tin cùng chuyên mục