TPHCM là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện quy trình trả quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), phát thẻ BHYT và thẻ ATM cùng lúc và tại một đầu mối. Việc cải tiến này đã làm giảm rất nhiều thời gian cho người lao động (NLĐ) hưởng trợ cấp thất nghiệp.
9 tháng đầu năm 2011, TPHCM có gần 90.000 người đăng ký thất nghiệp (tăng 188,75% so với cùng kỳ năm ngoái), số người chuyển hưởng BHTN là 3.690, số người nộp hồ sơ hưởng BHTN là 70.839 người, số người có quyết định hưởng BHTN là 68.443 người, có 287 người hưởng một lần. Tổng số tiền chi trả BHTN là 316 tỉ đồng. Để được hưởng BHTN, trước đây NLĐ chốt sổ tại cơ quan BHXH rồi chuyển sang làm thủ tục nhận trợ cấp BHTN tại TTGTVL TPHCM, rồi lại phải quay về cơ quan BHXH để nhận thẻ BHYT và thẻ ATM. Sau đó, việc nhận BHTN bằng tiền mặt đã được chuyển sang nhận tiền bằng thẻ ATM. Đặc biệt, từ ngày 28-9, TTGTVL TPHCM đã triển khai “Quy trình phát thẻ BHYT và thẻ ATM cùng lúc với trả quyết định trợ cấp thất nghiệp”. Sau 1 tháng thực hiện việc cải tiến này NLĐ đỡ vất vả đi tới đi lui và trung tâm cũng không còn tình trạng bị áp lực do quá tải. Đồng thời, khi TTGTVL phát thẻ ATM cho NLĐ nếu phát hiện có sai sót sẽ đề nghị ngân hàng chỉnh sửa và nếu thẻ BHYT bị sai sót sẽ hẹn ngày để cấp lại thẻ khác.
Theo đại diện BHXH TPHCM, hiện nay số chi của quỹ BHTN chưa nhiều, chỉ mới chiếm khoảng 40% số thu. Tuy nhiên, để quỹ bền vững cần khắc phục một số “lỗ hổng”, cần có định nghĩa về “thất nghiệp” chính xác và hợp lý. Bởi lẽ, không phải cứ chấm dứt hợp đồng lao động là thất nghiệp, vì người lao động có thể nhảy việc, nghỉ ở chỗ này để chuyển sang một công việc khác tốt hơn cũng được hưởng BHTN. Việc xác định rõ ràng đâu là mất việc thật và đâu là “mất việc ảo” nhằm hỗ trợ đúng đối tượng gặp khó khăn.
Ông Nguyễn Cao Thắng- Phó Giám đốc TTGTVL TP.HCM cho rằng: “Việc trục lợi BHTN chủ yếu rơi vào những trường hợp có mức lương cao. LĐPT lương thấp nên hưởng BHTN mỗi tháng chỉ khoảng 600.000 - 1 triệu đồng nên ít ai muốn nhảy việc để hưởng khoản trợ cấp ít ỏi. Tuy nhiên, đối với những người có mức đóng BHXH cao thì hiện tại có người nhận trợ cấp BHTN 3 tháng lên đến gần 30 triệu đồng. Hầu hết những người hưởng mức lương cao có đủ bằng cấp, năng lực để chuyển sang công việc tốt hơn. Không loại trừ trường hợp một số người “bắt tay” với doanh nghiệp, chẳng hạn xin nghỉ phép và đề nghị nghỉ thêm một thời gian để đi du lịch nước ngoài rồi tạm thời chấm dứt quan hệ lao động để được hưởng BHTN hàng chục triệu đồng. Đây là kẽ hở của luật, tôi đề nghị phải khống chế mức hưởng của những người có mức lương cao, họ chỉ nên nhận 30% - 40% so với mức lương để có sự chia sẻ và hạn chế việc trục lợi”.
HIẾU NGHĨA