Nhập khẩu tàu biển về phá dỡ: lợi ít hại nhiều!

Chiều 30-5, sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này.
Nhập khẩu tàu biển về phá dỡ: lợi ít hại nhiều!

(SGGPO).- Chiều 30-5, sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này.

Có tới gần 30 đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu tại hội trường, cho thấy sự quan tâm đặc biệt của các vị ĐBQH đối với vấn đề này.

Cho rằng khái niệm “quy hoạch bảo vệ môi trường trong dự thảo Luật thực tế là quy hoạch hạ tầng kỹ thuật để bảo vệ môi trường, ĐB Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) cho rằng quy định này đã được lồng ghép trong quy hoạch tổng thể và nhiều quy hoạch chuyên ngành khác, do đó không cần thiết đưa vào luật này.

Về nhập khẩu phế liệu, ĐB Thụy đề nghị quy định rõ trong Luật về những nhóm phế liệu được phép nhập khẩu làm căn cứ để Chính phủ ban hành danh mục phế liệu được phép nhập khẩu; bổ sung quy định trách nhiệm phối hợp thông tin của hải quan cửa khẩu với cảnh sát môi trường và cơ quan quản lý nhà nước về môi trường để thực hiện việc giám sát, kiểm tra... ĐB Thụy đồng ý với Ban soạn thảo về việc cho phép nhập tàu biển đã qua sử dụng về phá dỡ, song yêu cầu có những quy định rõ ràng, cụ thể hơn về vấn đề này.

Đại biểu Nguyễn Thanh Thụy. Ảnh: Lã Anh

Đại biểu Nguyễn Thanh Thụy.  Ảnh: Lã Anh

Tuy nhiên, phát biểu sau đó, ĐB Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu), Đặng Đình Luyến (Khánh Hòa)… và nhiều đại biểu khác vẫn giữ quan điểm không nên cho phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng về phá dỡ. Ông Luyến phân tích: “Việc này cũng có thể giúp tận thu nguyên liệu và tạo ra một số công ăn việc làm, lợi ít, hại nhiều”. ĐB Huỳnh Minh Hoàng thì cho rằng cần cảnh giác với xu hướng “di chuyển ô nhiễm” từ nước phát triển sang các nước kém phát triển thông qua những con tàu biển đã qua sử dụng vốn mang theo rất nhiều chất thải nguy hại cho môi trường.

Cũng cho rằng việc lập quy hoạch bảo vệ môi trường riêng là không cần thiết, ĐB Huỳnh Minh Hoàng đề nghị thay vào đó là lồng ghép các yêu cầu về bảo vệ môi trường vào các quy hoạch chuyên ngành đã được quy định.

Từ thực tế địa phương, ĐB Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) lưu ý: hoạt động sản xuất muối có tác động rất lớn đến môi trường, nhưng dạng ô nhiễm này chưa được đề cập đến trong dự thảo Luật. Ông Việt nêu vấn đề: “Các mức độ đánh giá môi trường cần được cụ thể hóa trong Luật: thế nào là suy giảm, suy giảm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng”? 

Một kiến nghị khác đáng lưu ý của ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) là đưa vào Luật này quy định về “Tết trồng cây”. “Sẽ có lợi về rất nhiều mặt, trong khi không làm phát sinh thêm chi phí”, ĐB Khánh khẳng định.

Trao đổi với phóng viên về Điều 172 dự thảo Luật quy định “thiệt hại về môi trường”, ĐB Trương Trọng Nghĩa nhận xét: “Định nghĩa thiệt hại về môi trường vừa thiếu, vừa có thể gây khó khăn cho những người bị thiệt hại khi yêu cầu được giải quyết quyền lợi chính đáng của mình”.

Ông Trương Trọng Nghĩa phân tích, định nghĩa như dự luật có thể dẫn đến cách hiểu là “thiệt hại về môi trường” chỉ được xác nhận khi người bị thiệt hại phải chứng minh được thiệt hại của họ là do “sự suy giảm tính hữu ích của môi trường” dây ra. Đây là một quy định kiểu “đánh đố”.

* Trước đó, đầu phiên họp chiều, với tỷ lệ 85,14% trên tổng số đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của Quốc hội.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục