Rất nhiều dự án xanh có thể đầu tư được tại TPHCM, đó là khẳng định của ông Kotaro Kawamata, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Môi trường Nhật Bản. Vì thế, từ năm 2014 Chính phủ Nhật Bản đã thành lập một cơ quan đặc biệt với sự tham gia của đầy đủ các ban ngành chức năng liên quan để xúc tiến các hoạt động đầu tư dự án xanh tại Việt Nam.
Tiềm năng phát triển xanh
Ông Kotaro Kawamata cho biết, những lĩnh vực mà Nhật Bản đã và đang tập trung đầu tư tại Việt Nam là cải thiện sử dụng năng lượng tại doanh nghiệp sản xuất; xây dựng nhà máy điện than, thiết lập hệ thống điều hòa và biến áp hiệu quả cao; lọc nước và giảm lượng phát thải bùn; cải thiện tình trạng tiêu hao năng lượng cho các phương tiện giao thông; tiết kiệm năng lượng cho các tòa nhà và phát điện sinh khối quy mô nhỏ… Để có thể triển khai đẩy mạnh hoạt động đầu tư dự án xanh tại Việt Nam, ngoài việc thành lập cơ quan đặc biệt, Nhật Bản đã xây dựng quỹ tín dụng xanh khoảng 13 triệu USD để hỗ trợ cho những doanh nghiệp có nhu cầu chuyển đổi công nghệ sản xuất nhằm giảm tiêu hao năng lượng, giảm phát thải lượng khí gây hiệu ứng nhà kính.
Không dừng lại đó, Nhật Bản cũng đã thành lập mô hình kinh doanh ESCO. Điểm đặc biệt của mô hình này là các công ty chuyên đầu tư tiết kiệm năng lượng của Nhật Bản tìm kiếm những đơn vị có nhu cầu thực hiện tiết kiệm năng lượng. Sau đó, đầu tư hỗ trợ vốn cho các đơn vị có nhu cầu cải thiện hệ thống sử dụng năng lượng của mình. Chi phí đầu tư hỗ trợ sẽ được thu lại từ chính chi phí tiết kiệm được do sử dụng năng lượng giảm. Hiện Nhật Bản đang rất thành công với mô hình này khi đầu tư 9 tỷ USD tại Trung Quốc, 400 triệu USD tại Nhật Bản, 70 triệu USD tại Thái Lan và năm 2014 sẽ chính thức phát triển mạnh tại Việt Nam.
Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thùy Linh, Phó chánh văn phòng Biến đổi khí hậu, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết thêm, TPHCM hiện đang là thành phố đông dân nhất, đồng thời cũng là thành phố có đóng góp ngân sách 30%, mức cao nhất Việt Nam. Tuy nhiên, nhược điểm của thành phố là xuất phát điểm của kinh tế và công nghiệp thấp nên mức tiêu thị tính trên một đơn vị sản phẩm thường gấp 3 – 5 lần so với các nước khác. Chưa kể, cơ sở hạ tầng thiếu và chất lượng thấp, bộ máy quản lý cồng kềnh và thiếu hiệu quả; tiêu dùng lãng phí. Điều này đã khiến cho nền kinh tế bị giảm tính cạnh tranh, chất lượng và tính bền vững. Do vậy, việc đầu tư mạnh mẽ cho phát triển kinh tế xanh để từng bước khắc phục những nhược điểm trên là hết sức cần thiết và cấp bách.
Ưu tiên đầu tư xanh vào 4 lĩnh vực
Đồng thuận với quan điểm của ông Kotaro Kawamata, bà Nguyễn Thùy Linh cũng khẳng định, tiềm năng phát triển xanh của Việt Nam nói chung và TPHCM rất lớn và trải rộng trên nhiều lĩnh vực. Cụ thể như quy hoạch đô thị, giao thông vận tải, năng lượng, quản lý nguồn nước, quản lý chất thải, nông nghiệp, y tế - sức khỏe cộng đồng… Đơn cử như trong lĩnh vực xử lý chất thải, thành phố phải chi khoảng 2,2 ngàn tỷ đồng để xử lý rác. Trong đó, nếu chuyển từ công nghệ chôn lấp sang tái sinh, tái chế thì khả năng thu lại từ 1,5 - 2,7 ngàn tỷ đồng. Tương tự, trong lĩnh vực cung cấp nước sạch, năm 2013, tỷ lệ thất thoát là 35%. Nếu giảm được 16% tỷ lệ thất thoát cũng có thể tiết kiệm cho thành phố 300.000m³ nước/ngày... Chính vì tiềm năng to lớn thế, thành phố cũng đã ban hành kế hoạch tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2013 – 2015, xác định ưu tiên tập trung phát triển những lĩnh vực này. Vấn đề còn lại sẽ bắt đầu như thế nào.
Ông Kazuhiro Oishi, Giám đốc Trung tâm môi trường toàn cầu Nhật Bản cho biết, trong năm 2014, Nhật Bản sẽ tập trung đầu tư cho các dự án xanh vào 4 lĩnh vực là năng lượng, quy hoạch, chất thải rắn và giao thông. Cụ thể, đối với lĩnh vực chất thải rắn, sẽ đầu tư xây dựng những dự án như hệ thống đốt rác phát điện, trung tâm xử lý bùn phát thải cácbon thấp tại Đa Phước, hệ thống tự cung cấp năng lượng theo mô hình thị trấn sinh khối ứng dụng cho hoạt động sản xuất nông nghiệp và công nghiệp. Còn đối với lĩnh vực giao thông thì nghiên cứu khả năng cải thiện mức tiêu thụ nhiên liệu và hiệu suất giao nhận của hệ thống xe chở hàng; nâng cao dịch vụ chuyên chở của xe buýt và tạo môi trường sử dụng xe máy điện, xe đạp cộng đồng. Riêng lĩnh vực quy hoạch sẽ đi sâu vào những vấn đề nhức nhối của thành phố như mô hình chống sạt lở bờ đê sông Sài Gòn, quy hoạch đô thị mới theo hướng giảm phát thải cácbon và giảm ngập…
Những động thái đầu tư hết sức tích cực từ phía Nhật Bản cho thấy rõ tiềm năng to lớn phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng. Những giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế xanh cũng đã được định hình rất rõ ràng, cụ thể. Trở ngại còn lại là những doanh nghiệp nước ta sẽ chủ động đón nguồn đầu tư Nhật Bản như thế nào để từng bước nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế của chính mình theo hướng bền vững.
MINH XUÂN