(SGGP).- Chính phủ Nhật Bản vừa đồng ý viện trợ không hoàn lại tổng trị giá 853.211 USD cho 8 dự án của Việt Nam.
Dự án đầu tiên có số tiền 115.412 USD được trao cho UBND huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận để xây dựng Trường Tiểu học Đức Tín 1. Ở dự án thứ hai, 104.051 USD để xây dựng Trường Tiểu học Bảo Thuận, huyện Di Linh, Lâm Đồng. Các dự án còn lại là xây dựng trường mầm non - tiểu học ở xã Hòa Minh, Bình Thuận (121.259 USD), Trường Tiểu học Tân Hòa B, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh (113.535 USD), trang bị trang thiết bị y tế cho Bệnh viện Đa khoa huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang (121.910 USD), Bệnh viện Đa khoa huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp (120.759 USD), Bệnh viện Đa khoa huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước (110.382 USD). Số tiền 45.903 USD còn lại dành cho Ban quản lý xây dựng huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An để xây dựng hệ thống cấp nước cho ấp 4, xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng.
THANH HẰNG
- Năm 2020, 30 triệu người Việt Nam có thu nhập trung bình và cao
(SGGP).- Ngày 18-12, Tập đoàn The Boston Consulting Group (BCG), một trong những tập đoàn tư vấn quản lý hàng đầu thế giới, đã công bố nghiên cứu báo cáo mới nhất về “Việt Nam thị trường tăng trưởng mới tại Đông Nam Á”. Báo cáo nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy, đến năm 2020, Việt Nam sẽ có hơn 30 triệu người tiêu dùng có thu nhập trung bình và thu nhập cao, tăng gấp đôi so với hiện nay chỉ dừng ở mức 15%. Theo đánh giá của BCG, số người có thu nhập trung bình là từ 5 - 7 triệu đồng; khá và cao từ 15 - 30 triệu đồng/hộ gia đình.
Để đưa ra những con số này và phỏng đoán mức tăng trưởng về chi tiêu của người tiêu dùng, Trung tâm Nghiên cứu về người tiêu dùng và khách hàng của BCG đã tiến hành phân tích cơ cấu dân số và xu hướng thu nhập của người dân tại 1.400 quận, huyện tại Việt Nam, đồng thời khảo sát đối với 2.000 người tiêu dùng Việt Nam về cách thức họ mua sắm 20 danh mục sản phẩm tiêu dùng. Ngoài ra, Việt Nam cũng đứng đầu trong xu hướng tăng chi tiêu và thích săn hàng giá rẻ.
HẢI HÀ
- Kiến nghị điều chỉnh quy định phân luồng tờ khai hải quan
(SGGP).- UBND TPHCM vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ GTVT về các giải pháp chống hành vi lợi dụng thủ tục hải quan điện tử để buôn lậu, gian lận thương mại.
UBND TPHCM kiến nghị Chính phủ điều chỉnh lại quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định số 87/2012/NĐ-CP về tự động phân luồng tờ khai. Đối với tờ khai xuất khẩu đề nghị phải tập kết hàng đầy đủ tại địa điểm kiểm tra của cơ quan hải quan, sau đó nhân viên hải quan mới thực hiện việc phân luồng tờ khai và thông báo cho doanh nghiệp. Ngoài ra, Chính phủ chỉ đạo cơ quan hải quan, công an, bộ đội biên phòng, cơ quan quản lý cảng biển, hàng không, an ninh hàng không… phối hợp chặt chẽ trong công tác kiểm soát chống buôn lậu qua cửa khẩu; đồng thời xây dựng hệ thống thông tin quản lý và kết nối mạng giữa các đơn vị này và coi đây là trách nhiệm chung phải thực hiện nhằm tăng cường quản lý, chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống thất thu và tăng cường hiệu quả quản lý. Bên cạnh đó, UBND cũng kiến nghị Bộ Tài chính hoàn thiện hệ thống tiêu chí quản lý rủi ro để phục vụ hệ thống tự động kiểm tra, tiếp nhận, đăng ký tờ khai và phân luồng; đồng thời ưu tiên cung cấp trang thiết bị đáp ứng được yêu cầu quản lý cho ngành hải quan (sử dụng camera giám sát, máy quét mã vạch, áp dụng chữ ký số, seal định vị…); nâng cấp hệ thống thông tin giám sát để hải quan tại các cửa khẩu kết nối được hệ thống xử lý dữ liệu của các chi cục hải quan nhằm kiểm tra, đối chiếu tờ khai hải quan điện tử.
ĐÌNH LÝ