Nhặt “sạn” mùa lễ hội

Mỗi mùa xuân đến, công tác quản lý lễ hội lại được xếp vào danh sách những nhiệm vụ “nóng”, đòi hỏi các ngành chức năng phải dồn sức, tập trung nhiều nguồn lực cùng phối hợp tích cực với quyết tâm giảm thiểu, hạn chế tối đa những mặt trái trong lễ hội. Nhưng năm nào cũng vậy, câu chuyện về quản lý lễ hội vẫn nói mãi chẳng hết, và làm thế nào để có được một mùa lễ hội thật sự trong sạch luôn là điều trăn trở.

Mỗi mùa xuân đến, công tác quản lý lễ hội lại được xếp vào danh sách những nhiệm vụ “nóng”, đòi hỏi các ngành chức năng phải dồn sức, tập trung nhiều nguồn lực cùng phối hợp tích cực với quyết tâm giảm thiểu, hạn chế tối đa những mặt trái trong lễ hội. Nhưng năm nào cũng vậy, câu chuyện về quản lý lễ hội vẫn nói mãi chẳng hết, và làm thế nào để có được một mùa lễ hội thật sự trong sạch luôn là điều trăn trở.

Lễ hội có ý nghĩa tích cực trong việc làm phong phú đời sống tinh thần của cộng đồng cũng như góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Hoạt động lễ chùa, du xuân, trẩy hội không chỉ là thói quen bình thường mà đã trở thành nét đẹp văn hóa ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân đất Việt. Nhưng, tính thương mại hóa cùng các yếu tố lai căng đang ngày càng xâm nhập, lấn át làm biến dạng lễ hội; nhiều cá nhân, đơn vị vẫn coi lễ hội là “mảnh đất màu mỡ” để kiếm tiền, trục lợi. Người chen người, khói hương nghi ngút, hòm công đức bày la liệt khắp nơi. Tiền lẻ giắt vào tay, xoa vào chân, vào mặt tượng, sẵn tiền trong tay vung cả xuống giếng dù có biển cấm và cả lưới mắt cáo.

Hễ cái gì dính dáng đến “lộc” là cướp: cướp lễ, cướp lương, cướp cả ấn… Hiện tượng đốt đồ mã tràn lan, ném tiền giọt dầu, sự xuất hiện tràn lan của các loại bia ghi danh công đức mà vấn nạn khấn thuê, bói toán… vẫn tiếp tục bủa vây du khách trong mùa lễ hội xuân ở đền Đồng Bằng, đền Tiên La (Thái Bình), đền Mẫu (Hưng Yên), đền Cuông, đền Cờn (Nghệ An), bia Bà (Hà Nội), đền Mẫu, đền Bắc Lệ (Lạng Sơn)… Rồi rác thải bừa bãi khắp nơi, giá vé gửi xe đắt, hòm công đức, giọt dầu vẫn đặt quá nhiều tại di tích. Đó là hình ảnh vẫn thường diễn ra, năm này qua năm khác, mùa lễ hội này sang mùa lễ hội khác.

Nhiều nhà khoa học đã lên tiếng, rằng hãy trả lễ hội về cho nhân dân, nghĩa là hội của làng nào thì trả về cho làng ấy lo. Xưa tổ chức thế nào, giờ cứ thế mà áp dụng. Ý kiến như vậy cũng chẳng nhầm bởi có một thực tế, thời gian qua, một số địa phương đã tự đứng ra tổ chức lễ hội. Nhiều tỉnh, huyện đã cố tìm cho ra ở địa phương mình một lễ hội đặc sắc rồi từ đó nâng cấp lên, vừa là để quảng bá hình ảnh tỉnh nhà, vừa thu hút du lịch và rõ ràng, khách về dự hội càng đông, nguồn thu của tỉnh càng lớn. Đương nhiên, cái nguồn thu kia đã choán hết mục đích phát huy giá trị văn hóa cho đến bảo tồn di sản phi vật thể. Ngoài việc quá đông du khách tại một thời điểm khiến ban tổ chức các lễ hội khó kiểm soát nạn xả rác thì việc nhắc nhở, nâng cao ý thức người dân khi tham gia lễ hội cũng cần được các ban tổ chức lễ hội thực hiện. Vì thế mà nhiều năm qua, cứ đến mùa hội thì điệp khúc “đừng sân khấu hóa, đừng nâng tầm, đừng quốc gia hóa lễ hội” lại được nhắc đi nhắc lại nhiều lần.

Phải thừa nhận, thời gian gần đây, công tác quản lý và tổ chức lễ hội bước đầu cũng có chuyển biến. Điển hình là tình trạng chen lấn, phản cảm ở một số lễ hội đã giảm, hiện tượng hàng quán lộn xộn, chèo kéo du khách cũng đã hạn chế ở nhiều lễ hội. Bắt đầu mùa lễ hội xuân 2014, Bộ VH-TT-DL đã tăng cường chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, phối hợp với các địa phương để đảm bảo mùa lễ hội an toàn, góp phần gìn giữ và phát huy những phong tục, tập quán tốt đẹp của cha ông. Bộ cũng phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện văn bản của Ngân hàng Nhà nước đề nghị các cơ quan chức năng phối hợp kiểm tra, xử lý các cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch nhằm trục lợi cá nhân. Các đoàn kiểm tra lễ hội của Bộ VH-TT-DL cũng đã yêu cầu các ban tổ chức lễ hội nghiêm túc thực hiện, nghiêm cấm việc đổi tiền lẻ trong khu vực di tích.

 Có thể thấy rằng, việc tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý sau mỗi mùa lễ hội đều có kết quả với nhiều chuyển biến tích cực, góp phần đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh lành mạnh, nâng cao mức hưởng thụ và sáng tạo văn hóa, giao lưu cộng đồng, thúc đẩy kinh tế phát triển. Nhưng “sạn” trong lễ hội vẫn còn không ít và để khắc phục triệt để những tồn tại đó không phải dễ, bởi những gì thuộc về văn hóa thì không thể dùng biện pháp xử phạt hành chính đơn thuần được. Vì thế, muốn làm trong sạch lễ hội, bên cạnh việc hoàn thiện các văn bản pháp luật, nâng cao trình độ quản lý, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý sai phạm thì quan trọng hơn nhất vẫn là tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ ý nghĩa của lễ hội, từ đó nêu cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng và của mỗi người dân khi hòa mình vào không khí lễ hội.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục