Ngày 25-3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ ba tổ chức tại La Hay, Hà Lan, với sự tham dự của 53 quốc gia và 5 tổ chức quốc tế.
Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân (NSS) lần thứ ba diễn ra ở thủ đô La Hay của Hà Lan, 35 nước đã thông qua tuyên bố chung với cam kết sẽ tăng cường an ninh hạt nhân và ủng hộ sáng kiến toàn cầu của Tổng thống Mỹ Barack Obama về việc ngăn chặn nhiên liệu hạt nhân rơi vào tay các phần tử khủng bố.
Các nước trên cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ hơn và trao đổi định kỳ về các cơ chế an toàn hạt nhân nhạy cảm của mình. Ngoài ra, các nước cũng sẽ thể chế hóa các đường lối chỉ đạo quốc tế về an ninh hạt nhân thành luật pháp quốc gia. Một số nước như Israel, Kazakhstan, Morocco và Thổ Nhĩ Kỳ còn khẳng định sẽ hiện thực hóa và đẩy mạnh các tiêu chuẩn của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) để bảo vệ các nguyên liệu hạt nhân.
Đánh giá cao vai trò của IAEA
Trong bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Việt Nam đã từng bước hoàn thiện hệ thống luật pháp về an ninh hạt nhân, bảo đảm kiểm soát an ninh hầu hết các nguồn phóng xạ cường độ cao; bắt đầu triển khai các biện pháp kiểm soát xuất nhập khẩu nguồn phóng xạ tại một số sân bay và cảng biển. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đào tạo đội ngũ cán bộ và xây dựng văn hóa an ninh cho các cơ quan có liên quan; tích cực tham gia các công cụ pháp lý và các sáng kiến quốc tế có liên quan đến an ninh hạt nhân.
Thủ tướng cho biết Việt Nam đã đóng góp tích cực vào các hoạt động của IAEA cũng như đã sử dụng hiệu quả các trợ giúp của IAEA về an ninh hạt nhân. Trên cương vị thành viên và là Chủ tịch Hội đồng Thống đốc IAEA nhiệm kỳ 2013 - 2014, Việt Nam sẽ nỗ lực hết sức mình để cùng các đối tác đóng góp tích cực cho việc bảo đảm an ninh hạt nhân trên toàn cầu.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, không phổ biến và giải trừ vũ khí hạt nhân là mục tiêu chung của nhân loại đang hướng tới. Cùng với việc khuyến khích các quốc gia thực hiện các biện pháp tự nguyện phù hợp với khả năng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, các nước cần có chương trình, giải pháp cụ thể và phù hợp để hỗ trợ các nước đang phát triển trong lĩnh vực này và tiếp tục tăng cường vai trò của các thể chế đa phương, đặc biệt là IAEA, Liên hiệp quốc.
Các cuộc tiếp xúc bên lề
Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ ba tại Hà Lan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có một loạt các cuộc gặp, hội kiến với nguyên thủ và người đứng đầu Chính phủ các nước tham dự Hội nghị: Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình; Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama; Tổng thống CH Pháp Hollande; Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe; Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye; Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon; Hoàng hậu Hà Lan Maxima; Thủ tướng Đức; Thủ tướng Na Uy; Thủ tướng New Zealand; Thủ tướng Pakistan; Bộ trưởng Ngoại giao Nga; Phó Thủ tướng CH Czech…
Trong trao đổi giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Chủ tịch Tập Cận Bình đã chuyển lời chào đến các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Việt Nam. Hai bên bày tỏ vui mừng trước những tiến triển to lớn trong quan hệ hai nước thời gian qua. Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh Thủ tướng Lý Khắc Cường trong chuyến thăm gần đây đã cùng phía Việt Nam đề ra các kế hoạch cụ thể thúc đẩy hợp tác hai nước, mong muốn Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương sớm họp bàn các biện pháp để tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết đã chỉ đạo Phân ban Việt Nam của Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương chuẩn bị tốt để sớm họp và đạt được kết quả tốt nhất. Chủ tịch Tập Cận Bình mời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sớm thăm Trung Quốc. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã vui vẻ nhận lời mời.
Trong cuộc gặp Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, Tổng thống Hoa Kỳ bày tỏ vui mừng gặp lại Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và hoan nghênh những đóng góp quan trọng của Việt Nam tại các hội nghị thượng đỉnh hạt nhân. Liên quan đến Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Tổng thống Obama nhấn mạnh về những tiến triển quan trọng đã đạt được và cam kết sẽ có sự linh hoạt và đối xử khác biệt phù hợp với điều kiện Việt Nam; cam kết mở cửa thị trường cho hàng dệt may, da giày, nông thủy sản…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định quyết tâm cùng Hoa Kỳ và các thành viên sớm kết thúc đàm phán TPP theo tinh thần quan tâm thỏa đáng đến lợi ích và sự chênh lệch về trình độ phát triển. Thủ tướng đề nghị Hoa Kỳ quan tâm thỏa đáng tới các lợi ích của Việt Nam và hỗ trợ Việt Nam trong đàm phán, đề nghị Hoa Kỳ sớm công nhận quy chế thị trường với Việt Nam.
THỤY VŨ (tổng hợp)