
Từ ngày 4 đến 7-4-2006, tại Trung tâm Triển lãm và Hội chợ quốc tế TPHCM, Tổng Công ty Dệt may Việt Nam (Vinatex) phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Công ty CP HongKong Exhibition (CP Exhibition), tổ chức triển lãm quốc tế về thiết bị và nguyên phụ liệu dệt may năm 2006. Đây là triển lãm quốc tế chuyên ngành được tổ chức hàng năm tại Việt Nam.
Triển lãm lần này đã tạo điều kiện cho các công ty dệt may Việt Nam thuộc nhiều thành phần kinh tế khác nhau có cơ hội tham quan, tìm hiểu để lựa chọn các chủng loại thiết bị và phụ tùng với những công nghệ tiên tiến nhất. Ông W.Moens, đại diện tập đoàn chế tạo máy dệt Picanol cho biết, lần này Picanol trình diễn thế hệ máy dệt khí OMNI 800 tốc độ cao, tiết kiệm điện năng, đưa tổng số màu sợi ngang lên 8 sợi (trước đây chỉ có 6 sợi).

Dây chuyền kéo sợi hiện đại do Nhật sản xuất mới được Công ty Dệt Đông Nam đầu tư trang bị. Ảnh: T.L.
Công ty TNHH Trường Nghiệp - Tân Toàn Mỹ là nhà phân phối máy cắt laser hiệu Golden Laser đưa ra hai thế hệ máy cắt khổ lớn và cắt hai đầu phục vụ các doanh nghiệp may xuất khẩu. Nhiều công nghệ mới cũng được giới thiệu trong lần này như công nghệ sản xuất nút, bộ căng sợi cảm ứng, nối sợi bằng khí, xơ có độ giãn nở cao…
Đặc biệt, có nhiều nhà cung cấp cũng giới thiệu các loại vải và nguyên phụ liệu dệt may mới, hiện đại do các nước công nghiệp tiên tiến thiết kế sản xuất, nhằm phục vụ cho chiến lược đầu tư tăng tốc và phát triển ngành dệt may của Việt Nam, giúp các doanh nghiệp dệt may có thêm các nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, chủ động đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của khách hàng.
Điểm đáng chú ý là Hiệp hội các nhà chế tạo thiết bị dệt của Hàn Quốc, Trung Quốc đã dự triển lãm, giới thiệu nhiều thế hệ thiết bị mới hiện đại. Có nhiều loại thiết bị phục vụ nhóm ngành hàng sợi, dệt nhuộm và hoàn tất cũng như các thiết bị về ngành may. Riêng về nguyên phụ liệu thì các gian hàng của Thái Lan, dưới sự bảo trợ của Cục Xúc tiến xuất khẩu Thái Lan sẽ giới thiệu đến doanh nghiệp dệt may Việt Nam những sản phẩm mới, góp phần đa dạng hóa nguồn cung ứng nguyên phụ liệu cho các doanh nghiệp trong nước.
Cũng tại triển lãm, Tổng Công ty Dệt may Việt Nam sẽ tổ chức giới thiệu Trung tâm Kinh doanh nguyên phụ liệu dệt may tại TPHCM, hội thảo được tổ chức vào ngày 4-4-2006. Đây sẽ là nơi hội tụ các nhà đầu tư, sản xuất và kinh doanh nguyên phụ liệu ngành dệt may Việt Nam, đồng thời tiến hành khảo sát một số nhà máy dệt ở TPHCM nhằm tìm hiểu, làm quen, tạo cơ hội hợp tác giữa ngành dệt may Việt Nam với các nước.
Qua 15 năm tổ chức, với quy mô ngày một phát triển, triển lãm lần thứ 16 này đã thu hút 303 nhà triển lãm, tập đoàn, công ty của 25 quốc gia và khu vực khác nhau, tham dự. Bà Bùi Thục Anh, đại diện VCCI nhận xét, tính quốc tế và tính chuyên nghiệp của cuộc triển lãm chuyên ngành ngành dệt may ngày càng rõ nét. Đó là tỷ lệ các nhà chế tạo thiết bị quốc tế tham gia ngày một nhiều, với việc trình diễn nhiều loại thiết bị có trình độ công nghệ cao và mới nhất.
Trong đó có các công ty chế tạo thiết bị dệt may hàng đầu của thế giới như: Đức, Ý, Hà Lan, Thụy Sĩ, Mỹ và cùng nhiều nhà chế tạo thiết bị khu vực châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc… Được biết, trong năm nay có 40 doanh nghiệp Việt Nam và liên doanh nước ngoài tại Việt Nam cũng tham dự nhằm giới thiệu các loại máy móc, thiết bị, các mẫu mã, nguyên phụ liệu mới của ngành dệt may, góp phần vào việc phát triển ngành dệt may Việt Nam, từng bước hội nhập khu vực và quốc tế.
VĂN THIÊN LỘC