Nhiều giải pháp phát triển bền vững ngành nghề yến sào Việt Nam

Vừa qua,  tại TP Nha Trang, ông Nguyễn Duy Bắc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì hội thảo khoa học “Phát triển bền vững ngành nghề yến sào Việt Nam” do Yến sào Khánh Hòa phối hợp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức.
Lãnh đạo bộ ngành và UBND tỉnh Khánh Hòa tham gia chủ tọa hội thảo
Lãnh đạo bộ ngành và UBND tỉnh Khánh Hòa tham gia chủ tọa hội thảo
TS. Nguyễn Văn Liễu, Vụ trưởng Vụ Khoa học & Công nghệ địa phương - Bộ Khoa học & Công nghệ; ông Nguyễn Đức Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng hàng trăm nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành về nghề nuôi chim yến trong cả nước tham dự.
Nhiều giải pháp phát triển bền vững ngành nghề yến sào Việt Nam ảnh 1 Thạc sĩ Lê Hữu Hoàng - Chủ tịch HĐTV Công ty Yến sào 
Khánh Hòa phát biểu tại hội thảo
Với 14 tham luận, đại biểu tham dự hội thảo đã trao đổi sôi nổi xung quanh các vấn đề như: Hiệu quả kinh tế, xã hội, khoa học tự nhiên của nghề nuôi chim yến tại Việt Nam; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới sự phát triển quần thể chim yến hàng; thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu sản phẩm yến sào; công nghệ chế biến tạo sản phẩm cao cấp từ yến; các phương án phát triển vùng nuôi chim yến gắn với việc bảo vệ an ninh quốc phòng… để từ đó thấy rõ hơn về giá trị và tiềm năng phát triển nghề nuôi chim yến tại Việt Nam.
Tiềm năng lớn nghề nuôi chim yến Theo số liệu điều tra của đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học và đề xuất các giải pháp phát triển bền vững nghề nuôi chim yến tại Việt Nam”, tính đến tháng 3/2017 cả nước có 36 tỉnh, thành nuôi chim yến với tổng số 5.069 nhà yến, phân bố chủ yếu ở các tỉnh duyên hải miền Trung và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Nhiều giải pháp phát triển bền vững ngành nghề yến sào Việt Nam ảnh 2 Đông đảo nhà khoa chuyên ngành yến sào tham dự hội thảo
Trong đó, số lượng tại tỉnh Tiền Giang nhiều nhất với 697 nhà yến, TPHCM có 612 nhà, Kiên Giang 548 nhà. Đặc biệt trong vài năm gần đây, một số tỉnh phía Bắc và Tây Nguyên như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Gia Lai, Kon Tum… cũng bắt đầu xuất hiện các nhà nuôi yến.
Thạc sĩ Lê Hữu Hoàng - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Yến sào Khánh Hòa chia sẻ: Nghiên cứu, khảo sát thực tế cho thấy tiềm năng và triển vọng phát triển nghề nuôi chim yến ở nước ta rất lớn.
Nhiều giải pháp phát triển bền vững ngành nghề yến sào Việt Nam ảnh 3 Hội thảo nhận được nhiều ý kiến trao đổi, tham luận
Để phát triển nghề nuôi chim yến cần có quy hoạch, đồng thời có những giải pháp đồng bộ về quản lý cũng như sự phối hợp thống nhất để có thể phát triển bền vững nghề nuôi chim yến tại Việt Nam. Nhiều tỉnh có lợi thế về tự nhiên để phát triển nghề nuôi chim yến, tuy nhiên hiện nay trong cả nước mới chỉ có 4 địa phương đã thực hiện vùng nuôi chim yến gồm: Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận và Tiền Giang.

Nuôi chim yến trong nhà lấy tổ là một nghề mới đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo ra công ăn việc làm và đồng thời góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn và phát triển đàn chim yến là động vật hoang dã quý hiếm có lợi cho đời sống con người.

Thạc sĩ Lê Hữu Hoàng mong muốn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành thông tư chính thức về quản lý ngành nuôi chim yến tại Việt Nam; đồng thời kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố sớm quy hoạch và xây dựng chiến lược phát triển yến sào đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 nhằm phát triển đồng bộ, bền vững và hiệu quả nghề nuôi yến.

Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Văn Liễu, Vụ trưởng Vụ Khoa học & Công nghệ địa phương đánh giá: “Công tác nghiên cứu khoa học về chim yến cũng như việc phát triển nghề nuôi yến và chế biến các sản phẩm từ yến thời gian qua chưa nhiều. Song, có thể nói Công ty Yến sào Khánh Hòa là đơn vị đi đầu cả nước trong việc nghiên cứu, phát triển yến sào.
Yến sào Khánh Hòa thúc đẩy phát triển ngành nghề yến
Các nghiên cứu, điều tra, quy hoạch phát triển, xây dựng các quy trình kỹ thuật ấp nở nhân tạo, sản xuất thức ăn cho chim yến non của các cán bộ khoa học công nghệ của Công ty Yến sào Khánh Hòa đã có những đóng góp rất đáng kể thúc đẩy phát triển nhanh ngành nghề nuôi chim yến ở Việt Nam”.
Tuy nhiên, các sản phẩm từ yến sào hiện nay vẫn chưa đa dạng, chủ yếu ở dạng thô hoặc qua chế biến đơn giản, chưa tận dụng hết nguồn thảo dược quý để phối hợp với yến sào tạo nên sản phẩm chất lượng cao.
Vì vậy cần nghiên cứu, chế biến, phối hợp yến sào với dược liệu quý tự nhiên để tạo nên các sản phẩm chống lão hóa, hoạt tính kháng vi rút và kháng viêm… nhằm tăng cường hơn nữa giá trị thương phẩm của yến sào, Tiến sĩ Nguyễn Thế Hân (Khoa Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Nha Trang) đề xuất.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã dành thời gian nêu ý kiến về việc thành lập Hiệp hội Yến sào Việt Nam nhằm mục đích hợp tác liên kết, hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau trong việc phát triển bền vững ngành nghề yến.

Tin cùng chuyên mục