Nhiều hoạt động chăm lo tết người nghèo

(SGGP).- Chiều 7-2, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm và trao tặng 100 suất quà tết cho các hộ dân khó khăn tại hai xã Lộc An và Lộc Điền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Mỗi suất quà trị giá 1 triệu đồng do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam vận động quyên góp.
Nhiều hoạt động chăm lo tết người nghèo

(SGGP).- Chiều 7-2, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm và trao tặng 100 suất quà tết cho các hộ dân khó khăn tại hai xã Lộc An và Lộc Điền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Mỗi suất quà trị giá 1 triệu đồng do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam vận động quyên góp.

Dịp này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đi thăm và tặng quà các gia đình chính sách tại thôn KaLu, xã Đăkrông, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị; đồng thời trao 50 suất quà tết cho người nghèo và nạn nhân chất độc da cam là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở hai xã Ba Nang và Đăkrông của huyện Đakrông.

° Trước đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ đến thăm hỏi, động viên và tặng quà các hộ nghèo, nạn nhân chất độc da cam tại xã Sơn Thành, huyện Sơn Hà (tỉnh Quảng Ngãi). Phó Thủ tướng đã tặng 22 con bò giống cho các hộ nghèo, mỗi con trị giá 12 triệu đồng, trong đó 2 triệu đồng là vốn đối ứng của huyện Sơn Hà và 10 triệu đồng do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam quyên góp. Đoàn công tác cũng đã trao tặng 100 suất quà, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng cho các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nạn nhân chất độc da cam của xã Sơn Thành.

Chiều cùng ngày, đoàn tiếp tục đến thăm hỏi, động viên và tặng 1.080 suất quà cho các hộ dân nghèo xã Bình Thuận, Bình Hải, Bình Thạnh Đông và Bình Thạnh Tây của huyện Bình Sơn.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tặng quà tết người nghèo tại tỉnh Quảng Ngãi.

° Ngày 7-2, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận dẫn đầu đoàn đại biểu đã đến thăm hỏi, tặng quà tết các gia đình chính sách, người cao tuổi và người lao động nghèo của quận 11. Đoàn đã đến thăm hỏi, tặng quà tết gia đình chiến sĩ Nguyễn Bá Duy, công tác tại đảo Sinh Tồn Đông, nhà ở đường Bình Thới, phường 14, quận 11; thăm gia đình ông Nguyễn Đức Minh, hộ dân lao động nghèo và thăm gia đình ông Phùng Đình Hữu, người dân tộc Hoa ở phường 14, quận 11; thăm hỏi chúc mừng cụ Nguyễn Thị Lợi, thọ 100 tuổi, ngụ tại phường 9, quận 11. 

Cùng ngày, Phó Chủ tịch HĐND TP Trương Thị Ánh đã đến thăm hỏi và tặng quà tết tại Trung tâm Bảo trợ dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật tại quận 3; thăm gia đình chiến sĩ Lê Ngọc Châu, công tác tại đảo Đá Lớn C, nhà ở đường Cách Mạng Tháng Tám, phường 10, quận 3; thăm gia đình chiến sĩ Lê Kim Hòa, công tác đảo Tây Tam B, ngụ tại phường 10, quận 3 và thăm cụ Tạ Đình Trân, 100 tuổi, người cao tuổi ngụ tại phường 4 quận 3.

° Theo Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, thực hiện phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” Xuân Ất Mùi 2015, Trung ương hội đã quyết định phân bổ hàng hóa trị giá hơn 5,3 tỷ đồng cho các tỉnh, thành hội để triển khai các hoạt động trao tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó tiếp tục triển khai Chương trình “Ngân hàng bò - Chung sức cùng đồng bào các huyện nghèo, xã biên giới xây dựng nông thôn mới”, Trung ương hội đã quyết định phân bổ 545 con bò, trị giá 4,36 tỷ đồng trong dịp Tết Nguyên đán cho 8 tỉnh: Tây Ninh, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Trị, Long An, Lâm Đồng, Bắc Kạn, Đồng Tháp hoàn thành mục tiêu của chương trình.

Nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, Bộ Y tế và Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư “Ngày mai tươi sáng” tổ chức các đợt tặng quà tết (mỗi suất quà trị giá 1,1 triệu đồng) cho 450 bệnh nhi và bệnh nhân ung thư đang điều trị tại các bệnh viện ung bướu, trung tâm và khoa điều trị ung bướu.

Nhóm PV

Vơi đi những nỗi đau

Những ngày giáp tết này, Trung tâm Điều dưỡng thương binh nặng ở Thuận Thành (Bắc Ninh) lại tấp nập người vào ra để chúc tết những thương binh đang ngày đêm chống chọi với bệnh tật.

Trung tâm Điều dưỡng thương binh nặng Thuận Thành được thành lập năm 1965. Từ khi thành lập đến nay, trung tâm đã tiếp nhận, điều trị trên 1.000 thương bệnh binh về từ mọi chiến trường. Sau khi phục hồi tốt hơn, nhiều thương binh được chuyển về gia đình chăm sóc. Còn nhiều người nữa thì ra đi mãi mãi.

Hiện nay đơn vị đang quản lý 100 thương bệnh binh (tỷ lệ thương tật từ 81% - 100%), trong đó có 7 thương binh nữ. Theo ông Nguyễn Khắc Dư, Giám đốc trung tâm, đa số thương binh ở đây bị tổn thương về cột sống (chiếm 90%), gây liệt 1/2 người phải di chuyển bằng xe lăn, xe lắc, rất đau đớn khi trái gió trở trời. “Bệnh cột sống gây nhiều biến chứng, nhất là 70 thương binh thời kỳ chống Mỹ, 10 người bị vết thương tổng hợp như cụt 2 tay, cụt chân, hỏng mắt... Đau đớn, trở bệnh thường xuyên nên dù chiến tranh đã qua 40 năm nhưng họ vẫn không thể về được với gia đình. Ở lại trung tâm thì các bác có điều kiện được chăm sóc tốt hơn vì đa số các bác bị nhiều bệnh tật tổng hợp”, ông Dư cho biết.

Những thương binh nặng ở trung tâm, cao tuổi nhất đã 82, trẻ nhất cũng đã 48 tuổi, nhưng trong số họ nhiều người không dám lấy vợ lấy chồng (khoảng 20 thương bệnh binh sống độc thân). Nhiều người lập gia đình nhưng không thể có con, hoặc sinh con ra bị dị tật do nhiễm chất độc hóa học. Nhiều người trong số họ vẫn còn mảnh đạn, viên bi nằm trong cột sống, trong đầu, thời tiết chuyển mùa là đau đớn, nhức nhối, không ăn ngủ được. Một số trường hợp phải sống đời thực vật nhiều năm qua.

Tuy đau đớn, khó khăn nhưng đa số thương bệnh binh ở đây lạc quan vào cuộc sống, khắc phục mọi khó khăn, đau đớn của thương tật. Họ sẵn sàng làm mọi việc như quấn lại mô tơ điện, sửa chữa tivi, quạt điện, đồ điện dân dụng để có thêm thu nhập phụ giúp gia đình. Nhiều người viết báo, làm thơ gửi đăng báo; chơi cờ tướng; cố gắng sống vui, sống có ích.

Chúng tôi tìm gặp cô Nguyễn Thị Kim Phương, sinh năm 1960, là y tá của trung tâm từ năm 1982. Qua 33 năm chăm sóc các bác thương binh là 33 năm chia sớt nỗi đau với họ. Cũng chính ở đây, cô Phương đã yêu thương, xây dựng gia đình với một thương binh nặng đến từ Thái Bình. Chồng là thương binh nặng, cuộc sống có nhiều vất vả nhưng luôn ấm áp tình thương.

“Cứ mỗi dịp tết đến, chúng tôi lại dành mọi sự quan tâm đặc biệt cho các bác thương binh, để các bác cảm nhận được xuân đến thì lòng mình cũng ấm áp hơn. Chúng tôi tổ chức nấu bánh chưng, gói giò. Hàng ngày đều mang thức ăn tết đến tận phòng cho các bác bị nặng không thể đi lại được. Anh em ở trung tâm đều cố gắng cùng với người nhà các bác mang đến một cái tết thật đoàn viên, ấm lòng, làm dịu đi những vết thương nhức nhối...”, cô Phương tâm sự.

Khi đến tặng quà Tết Ất Mùi tại Trung tâm thương binh Thuận Thành, Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, 40 năm sau chiến tranh, đất nước có nhiều thay đổi, những chiến trường xưa giờ đã không thể nhận ra. Năm 1975, mức sống mỗi người chỉ khoảng 50USD, bây giờ là 2.000USD. Sức mạnh nền kinh tế đã lớn gấp 40 lần. Đằng sau kỳ tích đó là công sức của các bác thương bệnh binh trong 2 cuộc kháng chiến của đất nước. Vì vậy, những gì có thể làm cho họ, nhất là trong việc thực hiện chính sách người có công, phải thật khẩn trương, có thể đặc cách xem xét, vì họ đã là thương binh nặng, tuổi đã cao, thời gian không thể chờ thêm nữa. Có lẽ, đó cũng là điều mà bất cứ ai cũng trăn trở, nhất là mỗi khi tết đến xuân về.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục