(SGGP).- Chiều 29-9, đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM có buổi tiếp xúc cử tri quận 5 trước kỳ họp lần thứ 10, Quốc hội khóa XIII.
Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải tiếp xúc cử tri quận 5 Ảnh: VIỆT DŨNG
Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri đã góp ý một số nội dung của các dự án luật, dự thảo Nghị quyết sẽ được Quốc hội khóa XIII xem xét, thông qua trong kỳ họp lần thứ 10, như: Bộ luật Hình sự (sửa đổi); Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân… Một số ý kiến cho rằng, Bộ luật Hình sự (sửa đổi) không nên bỏ hình thức tử hình với các loại tội phạm gây nguy hiểm cho xã hội như tội cướp tài sản; trong tình hình tội phạm có diễn biến phức tạp như hiện nay cần đảm bảo tính răn đe để duy trì sự trật tự xã hội. Góp ý bộ luật này, cử tri Minh Hạnh (phường 9) cho rằng, với đối tượng chưa đủ tuổi thành niên có hành vi phạm tội nghiêm trọng cần áp dụng hình phạt cải tạo tập trung thay vì giáo dục tại cộng đồng để tránh sự rối ren cho xã hội.
Liên quan đến việc triển khai các luật, bộ luật, cử tri Võ Thị Kim Liên (phường 10) bức xúc, nhiều luật, bộ luật từ khi được Quốc hội thông qua đến ngày có hiệu lực thi hành có thời gian rất dài, nhưng sau nhiều tháng luật đã có hiệu lực vẫn không có văn bản, thông tư hướng dẫn thực hiện. Cử tri này đề nghị cần nâng cao vai trò giám sát của Quốc hội sau khi đã thông qua luật, bộ luật; đặc biệt trong kỳ họp tới, Quốc hội sẽ thông qua Luật Giám sát của Quốc hội và HĐND.
Một số ý kiến băn khoăn về hoạt động của ngành giáo dục hiện nay. Trong khi môi trường giáo dục chưa được quan tâm đúng mức thì ở bậc tiểu học, ngành giáo dục lại đưa ra mô hình mới áp dụng chức danh chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản lớp thay cho lớp trưởng, lớp phó trước đây. Điều này khiến học sinh sớm có tư tưởng ham chức tước. Về quy trình thi cử, cử tri Nguyễn Vĩnh Xuyên, phường 3 cho rằng không nên gộp kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và kỳ thi tuyển sinh đại học làm một vì hai kỳ thi có tính chất khác nhau. Bộ Giáo dục - Đào tạo nên giao cho các địa phương tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, các trường đại học tổ chức kỳ thi tuyển sinh đại học và bộ là đơn vị đưa ra ngân hàng đề thi.
Nhiều cử tri cho rằng, hiện nay việc thu các loại phí, lệ phí vẫn chưa hợp lý. Cụ thể, ngành nông nghiệp có đến hơn 1.000 loại phí và lệ phí gây bức xúc cho người dân. Tới đây, khi xem xét Luật Phí và lệ phí, Quốc hội cần xét kỹ, cụ thể các nội dung của luật. Liên quan đến vấn đề thu phí và lệ phí, cử tri Nguyễn Vĩnh Xuyên (phường 3) kiến nghị, ở thời điểm hiện tại chưa nên thu lệ phí xe gắn máy vì hệ thống giao thông đường bộ chưa thật sự tốt và người dân còn khó khăn về kinh tế. Còn nếu bắt buộc phải thu thì nên cộng vào giá xăng để đảm bảo công bằng, ai dùng xe nhiều đóng nhiều, ai dùng xe ít đóng ít.
Sau khi nghe ý kiến của các cử tri, thay mặt tổ đại biểu Quốc hội đơn vị 4 - Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, đại biểu Quốc hội Nguyễn Phước Lộc, Vụ trưởng Vụ Đoàn thể nhân dân, Ban Dân vận Trung ương cho biết, các ý kiến đóng ý về giáo dục - đào tạo sẽ được Đoàn đại biểu Quốc hội TP phản ánh đến Bộ Giáo dục - Đào tạo. Đối với việc chậm ban hành các thông tư, văn bản hướng dẫn thi hành các luật, bộ luật được Quốc hội thông qua, đại biểu Nguyễn Phước Lộc thẳng thắn nhìn nhận, dù đã được cải thiện trong thời gian qua nhưng vẫn chưa đáp ứng được sự mong muốn của người dân. Trong kỳ họp sắp tới, Quốc hội sẽ xem xét nhiều luật, dự thảo luật quan trọng, Đoàn đại biểu Quốc hội TP sẽ phản ánh những ý kiến, nguyện vọng chính đáng của cử tri trong các hoạt động của kỳ họp.
VÂN ANH