Nhiều sự lựa chọn vào đời

Khát vọng lớn lao của tuổi trẻ là có cơ hội để học tập và phát triển, có cơ hội để lập thân lập nghiệp, chính vì vậy mà việc được ngồi trên giảng đường đại học là ước mơ chính đáng, tha thiết và cao đẹp của rất nhiều bạn trẻ. Và đó cũng là điều mà các bậc phụ huynh kỳ vọng con em mình. Nhưng vào đại học chưa hẳn là cánh cửa ưu việt để lập thân lập nghiệp trong giai đoạn hiện nay, khi con số cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp đang ngày một gia tăng hàng năm.

Theo Tổng cục Thống kê, cả nước có 192.500 người có trình độ đại học trở lên đang thất nghiệp, chiếm 1/5 tổng số người thất nghiệp. Đây thực sự là con số đáng báo động trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp thiếu lao động, nhu cầu việc làm mỗi năm vẫn tăng cao. Tỷ lệ thất nghiệp cho thấy tình trạng lãng phí rất lớn về tài chính, thời gian và tâm sức của gia đình, xã hội và bản thân người học. Câu hỏi đặt ra, tại sao ngày càng có nhiều người có trình độ cao không tìm được việc làm?

Nhiều năm qua, do công tác tuyên truyền tư vấn nghề nghiệp, định hướng vào đời chưa đạt yêu cầu, cộng với nếp suy nghĩ lối mòn của xã hội, nên một bộ phận thanh niên không có khả năng vào đại học vẫn quyết tâm vào đại học bằng mọi giá.

Bên cạnh đó, chất lượng đào tạo của một số trường đại học chưa tốt, số tiết thực hành của sinh viên không cao, thiếu các kỹ năng mềm như ngoại ngữ, làm việc nhóm, giao tiếp… Hệ quả là sau khi tốt nghiệp, sinh viên tiếp cận với môi trường làm việc rất khó khăn, trong khi yêu cầu của thị trường lao động đang biến đổi từng ngày.

Chỉ tiêu đào tạo, các ngành học, quá trình dạy và học chưa gắn với thực tiễn nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, dẫn đến đào tạo thừa sinh viên các ngành học mà xã hội cần ít và ngược lại. Một nguyên nhân nữa là xuất phát từ chính các bạn trẻ, đa phần chưa đánh giá đúng kỹ năng, sở trường của bản thân, nên lúng túng trong việc lựa chọn hệ học, ngành học. Việc chọn trường, chọn nghề thường theo mong muốn của cha mẹ, a dua theo bạn bè mà không căn cứ vào khả năng bản thân và nhu cầu của xã hội, dẫn đến sai lầm ngay trong bước đi đầu tiên của quá trình lựa chọn nghề nghiệp.

Một mùa tuyển sinh mới lại đến, ai dám chắc trong đó sẽ không có những cử nhân lại tiếp tục gia nhập đội ngũ thất nghiệp. Hãy cho mình nhiều sự lựa chọn. Quan niệm học chữ quan trọng hơn, danh giá hơn học nghề đã dần trở nên lỗi thời, hãy xem việc thi đỗ hay không đỗ vào đại học là điều hết sức bình thường, bởi tùy thuộc vào năng lực, khả năng cũng như nguyện vọng, nhu cầu của bản thân học sinh và gia đình. Thực ra, nếu bình tĩnh ngẫm lại, ta thấy vấn đề học hay không học đại học không đến mức nghiêm trọng như vậy. Vẫn biết, chương trình đào tạo đại học sẽ trang bị cho sinh viên thế giới quan, phương pháp luận khoa học, giúp họ vững bước trên đường đời, tuy nhiên, đại học không phải là con đường duy nhất đến với thành công. Nếu không vào được đại học, thì đi học nghề, có sao đâu! Việc sở hữu một cái nghề trong tay sẽ giúp thuận lợi hơn khi cần tìm việc. Nếu thực sự có chí và tài năng, không những sẽ tạo dựng cho mình một cuộc sống đủ đầy về vật chất mà còn có cơ hội cống hiến cho xã hội. Dù học đại học hay trường nghề, miễn là công sức và tiền bạc cho tấm bằng đó được đền đáp bằng công việc và sự cống hiến cho xã hội.

Ở góc độ gia đình, sự định hướng và động viên chắc chắn sẽ giúp các bạn trẻ bớt loay hoay, lúng túng khi quyết định, lựa chọn lối vào đời. Còn về phía xã hội, cân bằng lực lượng lao động trong mỗi ngành nghề chắc chắn là bài toán cần nhanh chóng tìm ra lời giải để không còn tình trạng lãng phí chất xám.

TRỊNH THỊ HIỀN

Tin cùng chuyên mục