Nhiều tiêu chuẩn “bao vây” cá tra

Chưa bao giờ người nuôi cá tra ở ĐBSCL phải bối rối trước hàng loạt tiêu chuẩn mà các tổ chức trên thế giới cho rằng tốt nhất như Glogal GAP, BMP, SQF… và mới đây nhất thêm tiêu chuẩn ASC của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF).
Nhiều tiêu chuẩn “bao vây” cá tra

Chưa bao giờ người nuôi cá tra ở ĐBSCL phải bối rối trước hàng loạt tiêu chuẩn mà các tổ chức trên thế giới cho rằng tốt nhất như Glogal GAP, BMP, SQF… và mới đây nhất thêm tiêu chuẩn ASC của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF).

Rối bời... tiêu chuẩn!

Khi hỏi về tiêu chuẩn ASC, hầu hết hộ nuôi cá tra ở An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ… đều lắc đầu cho biết chưa nghe nói lần nào. Ông Ba Đệ, hộ nuôi cá chuyên nghiệp ở phường Thuận An (Thốt Nốt, Cần Thơ) kéo tôi ra hầm nuôi cá rộng hơn 1 ha cho biết: “Mấy năm nay, áp dụng nuôi cá theo chứng nhận BMP đã cho kết quả rất tốt, tỷ lệ hao hụt giảm, chất lượng cao, đáp ứng được nhiều thị trường xuất khẩu”. Dự án BMP về “quy tắc quản lý, thực hành nuôi cá tra tốt” do Chính phủ Australia tài trợ với sự phối hợp thực hiện của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 và Khoa Thủy sản Trường Đại học Cần Thơ. Theo ông Đệ, trước đây nuôi cá theo phương pháp truyền thống thiếu các biện pháp kỹ thuật nên chi phí giá thành cao, hao hụt nhiều…

Từ khi thực hiện BMP, tình hình đã chuyển biến tích cực. Ông Nguyễn Văn Toàn, ở xã Bình Thạnh (thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) nói: “Vùng đầu nguồn Hồng Ngự là một trong những nơi nuôi cá tra xuất khẩu sớm nhất ĐBSCL. Lúc đầu nuôi lồng bè, sau chuyển sang nuôi ao hầm đảm bảo các điều kiện vệ sinh môi trường nên chất lượng cá rất tốt. Gần đây nhiều hộ áp dụng nuôi theo tiêu chuẩn Global GAP và SQF đã đáp ứng cho nhiều thị trường trên thế giới, dù khó tính nhất. Nay WWF đưa ra tiêu chuẩn ASC hoàn toàn xa lạ, ngay cả dân nuôi cá kỳ cựu cũng chưa hề nghe qua”.

Theo Sở NN-PTNT các tỉnh thành ĐBSCL, nhiều hộ nuôi cá và cả doanh nghiệp xuất khẩu cũng phản bác tiêu chuẩn ASC và cho rằng không cần thiết. Hiện tại, các vùng quy hoạch phát triển cá tra nuôi theo tiêu chuẩn Global GAP và SQF đã tốt lắm rồi, như vậy đâu cần áp dụng thêm tiêu chuẩn ASC vừa rắc rối, vừa tốn kém chi phí. Ông Mai Đăng Hòa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Sài Gòn Mekong, cho rằng: Áp dụng một trong hai tiêu chuẩn Global GAP hay SQF đã khiến người nuôi “tối mặt tối mũi”. Càng nhiều tiêu chuẩn sẽ càng phức tạp và người nuôi khó thực hiện.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nếu doanh nghiệp muốn xuất khẩu thủy sản vào Hoa Kỳ phải có HACCP, còn xuất sang các nước thuộc Liên minh châu Âu ngoài việc được cấp code cần phải có Global GAP (tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp toàn cầu) để đưa sản phẩm vào hệ thống bán lẻ, các siêu thị… VASEP cho rằng, mỗi thị trường đưa ra mỗi tiêu chuẩn khác nhau, vì vậy muốn xuất khẩu vào thị trường nào doanh nghiệp phải “chiều lòng” thị trường đó. Đối với tiêu chuẩn ASC, ông Nguyễn Tử Cương, Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, cho biết, đây chỉ là chứng chỉ độc lập chứ không phải tiêu chuẩn quốc tế và mới ra đời vào cuối tháng 10-2010. Nội dung chủ yếu của ASC dựa vào tiêu chuẩn CoC của tổ chức FAO và WWF chỉ thêm một ít quy định về bảo vệ động vật vào đó.

Trước sự việc trên, các nhà chuyên môn lưu ý doanh nghiệp và người nuôi hết sức cẩn thận với hàng loạt các tiêu chuẩn đang “bủa vây” nghề nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra ở ĐBSCL. Cần bình tĩnh để phân biệt đâu là tiêu chuẩn cần thiết, đâu là tiêu chuẩn “áp đặt với mục đích kinh tế”, nhằm tránh tình trạng tiền mất tật mang.

Nhiều nơi ở ĐBSCL nuôi cá theo tiêu chuẩn Global GAP.

Nhiều nơi ở ĐBSCL nuôi cá theo tiêu chuẩn Global GAP.

Liên kết hoạt động

Cần phải thấy rằng, cá tra VN hiện chiếm đến 95% nguồn cung cá tra thương phẩm trên toàn cầu. Xét về cơ bản chúng ta hoàn toàn chủ động về thị trường tiêu thụ lẫn giá bán. Tuy nhiên, những năm qua cá tra liên tục bị thế giới “đánh hội đồng”, vừa bị làm khó vừa bị áp đặt hàng loạt tiêu chuẩn. Nhiều người đặt vấn đề, nếu một số doanh nghiệp không cạnh tranh nội bộ, không bán phá giá, bán giá quá thấp so với các loài cá bản địa các nước… thì liệu nhiều nước trên thế giới có gây khó dễ cho cá tra như hiện nay?

Bộ NN-PTNT đã từng nêu ý kiến đình chỉ xuất khẩu những doanh nghiệp này, nhưng cuối cùng mọi việc vẫn đâu vào đấy. Một số doanh nghiệp làm ăn bài bản bức xúc khi họ đầu tư kinh phí lớn để chế biến sản phẩm cá tra chất lượng cao, chịu cực chịu khổ làm thương hiệu cho cá tra và tìm cách đưa sản phẩm ngày càng đi xa ra thế giới…

Tuy nhiên, cuối cùng họ bị thiệt thòi vì những doanh nghiệp nhỏ phá giá. Điều này không công bằng và không chấp nhận được. Chúng ta tự hào rằng, cá tra VN đã bước ra một “sân chơi lớn” mang tầm quốc tế. Chơi ở sân lớn nhưng tầm nhìn chiến lược, cơ chế quản lý, đầu óc kinh doanh, trình độ doanh nghiệp… còn quá nhỏ thì liệu có phù hợp với quốc tế? Điều quan ngại hơn là các doanh nghiệp không ai tin ai, bởi đầu óc tư hữu và luôn bảo vệ lợi ích riêng chứ chưa mạnh dạn vì cái chung nên chẳng dám liên kết để nâng tầm hoạt động. Quản lý nhà nước cũng vậy, luôn đi sau so với thực tế? Theo các nhà chuyên môn, chúng ta có đủ công cụ pháp lý để xử lý những “u nhọt” hiện nay. Không hà cớ gì cứ chấp nhận những tồn tại, bất cập làm cản ngại sự phát triển bền vững của loài cá tra đặc sản.

 Một số tiêu chuẩn thực phẩm đang áp dụng

SQF: Bao gồm SQF 1000 - và SQF 2000CM (Safe Quality Food - thực phẩm an toàn và chất lượng) được triển khai đầu tiên tại Australia, đến năm 2000, Viện Tiếp thị thực phẩm (FMI) Hoa Kỳ làm chủ sở hữu và điều hành. Tiêu chuẩn SQF đáp ứng được các tiêu chí an toàn thực phẩm nghiêm ngặt của Hoa Kỳ và các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm khác. Hiện tại, chi phí để học tập toàn bộ quy trình tiêu chuẩn này khoảng 100 USD/người/lần học, chưa kể chi phí kiểm tra và cấp chứng nhận.

Global GAP: Tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chí toàn cầu của Liên minh châu Âu. Số tiền để được chứng nhận Global GAP là 7.500 USD/lần/năm với tối thiểu 5ha nuôi cá trở nên. Sau mỗi năm số tiền chứng nhận giảm 10%.

HACCP: HACCP (Hazard Analysis and Critical Control Point - Phân tích mối nguy và điểm kiểm soát trọng yếu) là hệ thống giúp kiểm soát các yếu tố ảnh hưởng tới an toàn thực phẩm. Đây là các nguyên tắc và phương pháp phân tích các mối nguy đối với an toàn thực phẩm do Ủy ban CODEX (tổ chức do FAO và WHO thành lập) phát triển. Trên nền tảng của các nguyên tắc này, các nước và khu vực đã phát triển các tiêu chuẩn HACCP phù hợp với yêu cầu quản lý của mình. Tại Việt Nam, tiêu chuẩn HACCP được ban hành là TCVN 5603:1998 (tiêu chuẩn này hoàn toàn tương đương với CAC/RCP 1 - 1969 của CODEX). Đây là tiêu chuẩn áp dụng bắt buộc cho tất cả các khâu trong chuỗi thực phẩm, và có thể áp dụng cho cơ quan quản lý nhà nước, nhà sản xuất, chế biến, cung cấp dịch vụ thực phẩm và cho cả người tiêu dùng. Trong khu vực châu Á còn có tiêu chuẩn HACCP Code:2003 của Australia.

Một số tổ chức của Liên hiệp quốc như FAO, WHO… đã xây dựng đến 8 bộ tiêu chuẩn về nuôi trồng thủy sản. Đó là chưa kể đến hàng chục bộ tiêu chuẩn của các hội, hiệp hội, các tổ chức hành chính công ở Mỹ và châu Âu. Đặc biệt mới đây là ASC của WWF. Trong số này, chỉ có vài tiêu chuẩn có giá trị pháp lý.

M. TRƯỜNG

HUỲNH PHƯỚC LỢI

Tin cùng chuyên mục