Thị trường hàng điện tử “hậu AFTA”

Nhiều vụ sử dụng C/O giả để trốn thuế

Nhiều vụ sử dụng C/O giả để trốn thuế

Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng đã phát hiện và bắt giữ rất nhiều vụ buôn lậu và gian lận thương mại hàng điện tử, điện máy với số lượng lớn. Trong số đó có không ít vụ làm chứng từ giả để lợi dụng mức thuế ưu đãi của AFTA.

  • Ưu đãi của AFTA

Nhiều vụ sử dụng C/O giả để trốn thuế ảnh 1

Hàng kỹ thuật số công nghệ cao rất dễ là hàng giả C/O.

Theo quy định của khu vực mậu dịch tự do thương mại ASEAN (gọi tắt là AFTA), thuế suất hàng nhập khẩu từ các nước ASEAN kể từ ngày 1-1-2006 sẽ được áp theo biểu thuế của Hiệp định chung về ưu đãi thuế quan giữa các nước ASEAN (gọi tắt là CEPT) và mức thuế suất này sẽ được duy trì ở mức 0%-5% .

Tuy nhiên, để được hưởng thuế theo CEPT, hàng hóa nhập khẩu phải có giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D (C/O Form D) chứng nhận rằng: đây là hàng hóa có xuất xứ từ một nước thành viên ASEAN, và hàm lượng ASEAN (giá trị sản phẩm do ASEAN sản xuất) trong hàng hóa phải đạt ít nhất từ 40% trở lên.

Nếu không có C/O Form D thì hàng hóa sẽ không được hưởng mức thuế nhập khẩu ưu đãi nêu trên mà vẫn phải chịu mức thuế nhập khẩu thông thường là 40%-50% khi thâm nhập vào thị trường của những nước thành viên ASEAN.

Lợi dụng ưu đãi trên của AFTA, những đối tượng gian lận thương mại đã sử dụng C/O Form D giả để trốn thuế nhập khẩu (nếu hàng hóa không đủ 40% hàm lượng ASEAN), hoặc tránh được các chi phí về thủ tục (khá chặt chẽ và tốn thời gian) khi xin cấp C/O Form D (nếu hàng hóa đủ 40% hàm lượng ASEAN).

  • Từ vụ khiếu nại Siêu thị Điện máy Chợ Lớn

Mới đây, chị H.T.T ngụ tại quận 9 TPHCM đến Báo SGGP trình bày một việc như sau: ngày 15-1-2006, chị đến Siêu thị Điện máy Chợ Lớn (quận 5) mua 1 bếp gas hiệu Whirlpool và 1 máy nước nóng hiệu Ariston. Cả hai đều có dán tem nhập khẩu và được nhân viên siêu thị xác nhận là hàng của Ý, riêng bếp gas Whirlpool được giới thiệu là linh kiện Mỹ, lắp ráp tại Ý.

Tuy nhiên, khi về nhà mở thùng máy ra, chị không thấy hướng dẫn sử dụng, không gắn bếp vào bình gas được, chị phản ánh với siêu thị và đề nghị siêu thị cấp cho bản hướng dẫn sử dụng cùng bản sao chứng nhận C/O của hàng hóa. Thế nhưng đề nghị của chị đã không được đáp ứng với lý do “bí mật”. Điều chị H.T.T băn khoăn là thực chất sản phẩm mà chị mua có nguồn gốc ở đâu (bởi trên bao bì và cả sản phẩm đều không có tin gì về xuất xứ, nơi sản xuất).

Trong khi đó, qua lục tìm và tham khảo thông tin trên Internet, chị thấy mặt hàng này chỉ có ở Nga. Và nếu hàng có xuất xứ từ Nga thì tại sao siêu thị lại khẳng định là có C/O từ Ý, liệu có phải đây là một trường hợp giả C/O để lừa gạt người tiêu dùng? Không chỉ dừng lại đó, chị H.T.T còn băn khoăn về việc thực hiện nghĩa vụ thuế của Siêu thị Điện máy Chợ Lớn, mà cụ thể là Công ty TNHH Cao Phong - đơn vị chủ quản của siêu thị này. Bởi lẽ khi bán hàng cho chị, nhân viên siêu thị không cấp hóa đơn tài chính, chỉ sau khi chị thắc mắc, vặn hỏi thì nhu cầu này mới được đáp ứng.

Từ thắc mắc của chị H.T.T, chúng tôi đã nhiều lần liên lạc với Siêu thị Điện máy Chợ Lớn đề nghị giải thích các thắc mắc để trả lời bạn đọc, thế nhưng cho đến nay, chúng tôi vẫn không được siêu thị hồi âm.

  • Đến một vụ giả C/O điển hình

Thực tế từ thị trường hàng điện tử điện máy cho thấy: hầu hết các mặt hàng nhập lậu để trốn thuế hiện nay là hàng công nghệ cao, có giá trị lớn. Mà những mặt hàng này, theo các chuyên gia am hiểu thị trường, đa số không thể đạt đến mức 40% hàm lượng ASEAN theo quy định. Do vậy, “chiêu” gian lận thường được sử dụng nhiều nhất hiện nay là chuyển hàng từ các nước châu Á, châu Âu (mà nhiều nhất là hàng của Nhật Bản, Hàn Quốc, Ý và Đức…) sang Singapore, Thái Lan rồi từ đó làm thủ tục giả C/O để nhập về Việt Nam hưởng thuế suất ưu đãi.

Qua một thời gian dài thực hiện công tác thu thập thông tin thị trường, vừa qua, Công ty Sony Việt Nam đã phát hiện trên thị trường một số tivi mang nhãn hiệu Sony nhập khẩu từ Thái Lan vào Việt Nam có dấu hiệu gian lận thương mại.

Những hàng hóa này được nhập vào Việt Nam với giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu D (C/O Form D) rằng lô hàng này đạt 100% giá trị xuất xứ Thái Lan, được hưởng mức thuế nhập khẩu ưu đãi của AFTA (là 20% cho năm 2005 và 5% cho năm 2006), thay vì phải chịu mức thuế nhập khẩu thông thường là 50%.

Trước nghi vấn là các sản phẩm điện tử của Sony sản xuất tại Thái Lan không thể đạt được mức nội địa hóa 100% tại Thái Lan, nên Công ty Sony Việt Nam đã kiểm chứng lại với Công ty Sony Technology Thailand, và nghi vấn này đã được xác nhận: Sản phẩm của Sony sản xuất tại Thái Lan không đạt được mức 100% giá trị sản phẩm Thái Lan. Nếu có C/O Form D nào chứng nhận tivi Sony sản xuất tại Thái Lan đạt được 100% giá trị xuất xứ Thái Lan thì đó là C/O Form D giả.

Trên cơ sở khiếu nại của Công ty Sony Việt Nam, Cục Chống gian lận thương mại Thái Lan đã có văn bản số 0303.03/3057 xác nhận bản C/O Form D do Công ty Sony Việt Nam phát hiện có dấu hiệu gian lận.

Tiếp đó, Bộ Thương mại Việt Nam đã tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành (Thương mại - Hải quan - Quản lý thị trường) đến kiểm tra tại cửa khẩu Cầu Treo (nơi Công ty Sony Việt Nam phát hiện C/O Form D nghi giả mạo), kết quả điều tra (Công văn số 0988/ BTM/XNK) kết luận như sau: Có 23 lô hàng nhập khẩu tại cửa khẩu Cầu Treo sử dụng C/O Form D giả với chứng nhận 100% giá trị sản phẩm Thái Lan (hàng hóa gồm nhiều chủng loại như tivi, tủ lạnh, nồi cơm điện, lò vi sóng...).

Lô hàng nhập khẩu này đều xuất phát từ một nhà xuất khẩu duy nhất tại Thái Lan là Chokchaimukdahan Import - Export. Còn đơn vị nhập khẩu là doanh nghiệp tư nhân Thanh Đạm (Hà Tĩnh). Tất cả hàng hóa của lô hàng đều mang các nhãn hiệu lớn của Nhật Bản như Sony, Panasonic, Hitachi, Sharp... Và chỉ tính riêng phần tivi thì trị giá cũng đã lên đến 729.230 USD (trong đó tivi nhãn hiệu Sony là 556.730 USD).

Việc chống gian lận thương mại - đặc biệt là các hình thức giả C/O để trốn thuế như đã nêu trên - sẽ giúp tạo nên một môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các nhà sản xuất trong nước phát triển trong thời kỳ hậu gia nhập AFTA.

NGUYỄN THU TUYẾT

 

Tin cùng chuyên mục