Nhìn thẳng vào sự thật để có chiến lược bứt phá

Ngày 26-10, Ủy ban MTTQ TPHCM tổ chức hội nghị đóng góp ý kiến cho dự thảo các văn kiện trình Đại hội Đại biểu lần thứ XI của Đảng, với sự tham dự của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, trí thức kiều bào.

  • Mọi việc đều vì lợi ích của dân mà làm

Nhận định sơ bộ về nội dung, câu từ trong các dự thảo văn kiện, bà Nguyễn Thị Minh Phượng, kiều bào Đức, cho rằng: “Thấy quen quá!”. Mượn câu nói của Bác Hồ, bà Phượng nhấn mạnh lại ý nghĩa quan trọng nhất mà các dự thảo văn kiện phải hướng đến là “mọi việc đều vì lợi ích của dân mà làm”, chứ không thể “còn chung chung và chưa thấy nhiều hơi thở cuộc sống” như các dự thảo văn kiện thể hiện.
 
Viện dẫn cụ thể vào hai lĩnh vực y tế và giáo dục, bà Phượng cho rằng sự đầu tư chưa tương xứng, chưa đạt yêu cầu. Giáo dục còn nhiều bất cập, “loạn” trường đại học, “loạn” các chức danh, trẻ em thì bị nhồi nhét và theo các phương pháp học cũ kỹ. Y tế ngày càng trở thành gánh nặng cho bệnh nhân nghèo, người bệnh nhẹ đã khổ, người bệnh nan y chỉ còn biết… bó tay! “Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 phải đầu tư nhiều hơn cho y tế và giáo dục”- bà Phượng nói.
 
Ông Phạm Văn Bảy, kiều bào Pháp cũng cho rằng, văn kiện của Đảng phải là những văn bản thể hiện được kế hoạch trung và dài hạn, là chiến lược của cả quốc gia. Theo ông Bảy, những hạn chế, khuyết điểm đề cập trong văn kiện là đúng mức, tuy nhiên cần phân tích kỹ nguyên nhân để có hướng đi đúng trong chỉ đạo, điều hành sau này. Bởi, có những yếu kém, khuyết điểm có chiều hướng ngày càng phức tạp hơn nhưng chưa được ngăn chặn, đẩy lùi. Trong đó có cả những nội dung mà nghị quyết đại hội trước đã đề ra nhưng cả nhiệm kỳ chưa thực hiện được phải được phân tích rõ. “Không thể cứ chạy theo các siêu dự án trong khi những nhu cầu cơ bản của người dân lại bị bỏ qua, chẳng hạn như ý tưởng về dự án đường sắt cao tốc với kinh phí khổng lồ đặt bên cạnh sự khó khăn, thiếu thốn của các em học sinh vùng cao phải lội sông đi học rõ ràng là một sự khập khiễng”- ông Bảy nhấn mạnh.

  • Bồi dưỡng người tài, thu hút trí thức kiều bào

GS-TS Nguyễn Lương Dũng (kiều bào Đức) cho rằng dự thảo các văn kiện lần này đều tiếp tục đề cập vấn đề phát huy vai trò và nguồn lực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vào phát triển đất nước nhưng vẫn chưa đủ, còn đề cập quá ít. Để thu hút trí thức kiều bào, cần có những chiến lược cụ thể hơn. “Nếu muốn có nhiều hơn những Ngô Bảo Châu trong tương lai thì không thể chậm trễ hơn trong đầu tư, bồi dưỡng người tài. Cùng với khoa học công nghệ, nhân lực, giáo dục là những yếu tố then chốt có tính chất quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia. Trong đó, bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ nhân tài đông đảo, có chất lượng cao, tầm cỡ thế giới phải được coi là chiến lược quan trọng để đầu tư tương xứng hơn” - GS-TS Dũng nhấn mạnh.

Ông Hồ Ngọc Vàng, kiều bào Pháp, hiện đang làm công tác tư vấn về kinh tế cho các văn phòng luật ở Thụy Sĩ, cho rằng văn kiện đề cập quá ít đến đối tượng kiều bào. Ông nhấn mạnh, cần chủ động hơn trong chiến lược thu hút trí thức kiều bào tham gia xây dựng đất nước như chuẩn bị các dự án, tìm người phù hợp với công việc qua hệ thống cộng đồng người Việt ở nước ngoài... Các dự án cần chuẩn bị đầy đủ các chỉ tiêu kỹ thuật, thời gian, chất lượng và kết quả thực hiện, kinh phí, trách nhiệm và quyền lợi của các bên để thực hiện hiệu quả; từ những đề xuất cụ thể trong nước, thông qua các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài, chủ động mời kiều bào tham gia.
 
Bổ sung thêm ý kiến thu hút kiều bào về nước đầu tư, Giáo sư Tăng Kim Tây (kiều bào Pháp đã hồi hương) cho rằng, để động viên và tạo điều kiện phát huy tiềm lực người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài, Đảng, Nhà nước cần quan tâm đảm bảo quyền lợi chính đáng của kiều bào, tạo lòng tin của kiều bào đối với Đảng và Nhà nước, để ngày càng có nhiều người tham gia vào công cuộc xây dựng đất nước giàu mạnh. Văn kiện phải thẳng thắn vạch ra những tồn tại trong phát triển kinh tế- xã hội và điều quan trọng là cần có biện pháp khắc phục nhanh chóng, hiệu quả những tồn tại đã nêu để từ đó có bước đột phá. “Không thể có chuyện thay đổi diễn ra chỉ bằng sự nhiệt tình và lời nói mà phải chuyên nghiệp, cụ thể” - GS Tăng Kim Tây nhấn mạnh.

HỒNG HIỆP

Tin cùng chuyên mục