Anh Hồng Hà và tôi không có nhiều dịp làm việc với nhau. Về tuổi tác cũng vậy, anh hơn tôi nhiều. Khi tôi về nhận nhiệm vụ ở Vụ Báo chí của Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương (sau này là Ban Tuyên giáo Trung ương), anh đã nghỉ công tác quản lý, chuyên tâm vào công tác nghiên cứu lý luận ở Hội đồng Lý luận Trung ương và soạn thảo, biên tập các văn kiện của Đảng. Thỉnh thoảng gặp anh ở các hội đồng khoa học, các cuộc họp hay dự hội thảo ở bộ môn chính trị Đại học KHXH-NV, tôi rất quý tác phong giản dị, cầu thị, có gì hỏi cho đến nơi, nói cho đến nơi ở anh. Hồng Hà là người của công việc, chỉ những gì liên hệ tới công việc, anh mới chú ý nhưng đã chú ý là xoắn lấy, cho đến khi việc ấy được giải quyết, thắc mắc ấy được giải đáp.
Nhưng rồi cũng do công việc, tôi phải tham khảo những ý kiến của anh kể cả tìm hiểu kỹ về anh. Chẳng hạn, anh đã viết Đại thắng mùa xuân như thế nào. Ý kiến của anh với tư cách một nhà báo kỳ cựu về những quan điểm cơ bản trong quản lý báo chí, xuất bản hiện nay như thế nào? Ý kiến của anh về xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc như thế nào? kể cả một vài việc liên quan đến đời tư như anh đã trở thành Hội viên Hội Nhà văn như thế nào?... Trong khu vực phố Nguyễn Cảnh Chân, có một nhà ăn tập thể cho cán bộ các ban Đảng, chúng tôi vẫn quen gọi là căn tin, đôi khi vẫn rủ nhau ra đấy ăn trưa. Hồng Hà cũng vậy. Trong những buổi trưa như thế, tôi đã có dịp trò chuyện nhiều với anh và từ đó, ngoài tình anh em, anh đã để lại trong tôi rất nhiều kính trọng và cảm phục.
Hồng Hà là người mê làm báo và gắn bó với nghề báo suốt đời. Năm 1943, khi mới 15 tuổi, đang là học sinh ở Nam Định, Hồng Hà đã tập viết báo, đầu tiên là dịch một tác phẩm từ tiếng Pháp rồi gửi cho một tờ báo ở Hà Nội. Bài được đăng, Hồng Hà càng hăm hở. Được sự dìu dắt thêm của ông anh ruột Thép Mới, Hồng Hà trưởng thành rất nhanh. Anh tham gia phong trào cách mạng của học sinh, thanh niên Nam Định. Một sự kiện sau đó đã làm thay đổi hướng đi của cả cuộc đời anh, năm 1946, anh trở thành phóng viên của báo Cứu Quốc do đồng chí Xuân Thủy làm chủ nhiệm kiêm chủ bút. Từ đó, suốt 70 năm, dù ở cương vị nào, Hồng Hà cũng không rời ngọn bút. Chỉ ít ngày trước khi mất, anh vẫn viết 3 bài cho 3 tờ báo Nhân Dân (hàng ngày), Nhân Dân (hàng tháng) và Công an nhân dân (hàng ngày) số Tết Tân Mão. Báo vừa in chưa ráo mực thì người đã về thiên cổ.
Tấm gương Hồng Hà để lại cho thế hệ các nhà báo lớp sau là anh luôn có mặt ở trung tâm những sự kiện sôi bỏng nhất, sẵn sàng chịu đựng mọi gian khổ, kể cả hy sinh tính mạng vì nghề nghiệp. Là phóng viên chuyên trách Hà Nội của báo Cứu Quốc, anh luôn có mặt trên đường phố, phản ánh mọi sự kiện sôi động nhất về tình hình Hà Nội lúc đó, kể cả chụp những xác người bị bọn phản động ám sát để kịp thời đưa lên báo. Anh bám sát vụ án nổi tiếng số 7 Ôn Như Hầu, một vụ án nổi tiếng, chiến công lớn của Nha Công an Bắc Việt hồi đầu cách mạng, phá vỡ âm mưu đảo chính của bọn phản động, chụp được nhiều ảnh về cảnh đào bới, phát hiện hố chôn xác các chiến sĩ cách mạng và người dân Hà Nội bị bọn Việt Quốc, Việt Cách sát hại mà ngày nay chúng ta được xem.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, anh sát cánh cùng quân dân Hà Nội, chiến đấu trên từng góc phố suốt 2 tháng trời ròng rã, trước lúc rút lên Việt Bắc. Ở chiến khu Việt Bắc, anh tham gia lớp học báo chí Huỳnh Thúc Kháng; tham gia sự kiện thành lập Hội Nhà báo Việt Nam ở xã Điềm Mặc huyện Định Hóa, Thái Nguyên. Được sống gần và ghi chép nhiều tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Được tham gia thông tin về Đại hội lần thứ 2, quyết định ra công khai và đổi tên thành Đảng Lao động Việt Nam của Đảng ta. Một thời gian dài, anh được phân công luồn sâu vào vùng sau lưng địch để phản ánh phong trào kháng chiến chống Pháp của quân dân Quân khu Tả Ngạn.
Sau chiến thắng Điện Biên phủ, anh được tham gia chỉ đạo thông tin về Hội nghị Trung Giã sau Hiệp định Giơnevơ, và là người có trong tay bộ ảnh rất quý về hội nghị đó. Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đến đỉnh cao, anh có mặt bên đoàn đàm phán của ta tại Hội nghị Paris suốt 5 năm trời. Với tư cách là phóng viên, trưởng ban công thương và cuối cùng là Tổng Biên tập báo Nhân Dân, anh đã có mặt ở những nơi nóng nhất của phong trào cách mạng, hòa mình vào cùng sóng Duyên Hải, gió Đại Phong, cờ Ba Nhất, trống Bắc Lý cho đến những phong trào quần chúng manh nha cho quá trình đổi mới sau này. Phải nói, đời làm báo, được có mặt ở những sự kiện quan trọng như thế thật vinh dự và cũng thật hiếm có.
Đến với thực tế, Hồng Hà luôn dành tâm sức để phát hiện cái mới và bằng nhiệt huyết của mình, anh biến nó thành những bài phóng sự, xã luận, bình luận sắc sảo, hừng hực tính chiến đấu. Vào năm 1950, trong hoàn cảnh kháng chiến cực kỳ gian khổ, là phóng viên báo Cứu Quốc, được phân công theo dõi vụ án Trần Dụ Châu, một đại tá quân nhu đã có hành vi tham nhũng của công, ăn chơi trụy lạc, trác táng, anh đã có loạt bài chấn động trên báo về vụ án này.
Trước phản ứng của một số người, phanh phui những chuyện tiêu cực trong nôi bộ ta sẽ làm bộ đội hoang mang, không yên tâm đánh giặc; kẻ địch lợi dụng kích động, nói xấu, phản tuyên truyền, Hồng Hà đã thể hiện quan điểm trong bài xã luận đăng báo Cứu Quốc thời đó: “Có người e ngại chúng ta mở toang vụ án này, công khai vạch rõ những tội lỗi nhơ bẩn của Trần Dụ Châu và bè lũ có thể làm một số dân chúng chê trách hoặc kẻ địch bám vào đấy để nói xấu chính quyền, đoàn thể ta. Không! chúng ta không sợ phê bình và tự phê bình những khuyết điểm của ta. Chúng ta khác bọn phản động và hơn hẳn chúng ở chỗ đó”.
Quan điểm đó nhất quán trong Hồng Hà hơn nửa thế kỷ qua, nó được thể hiện qua các bài viết của anh, qua các bài vở trên báo Nhân Dân do anh lãnh đạo, trong các văn kiện của Đảng do anh dự thảo hoặc biên tập. Dù ở cương vị nào, tính chiến đấu, phẩm chất kiên cường cộng sản của Hồng Hà cũng có sức tập hợp, lôi cuốn nhiều người.
Bẵng đi, mỗi người một việc, tôi không có dịp thường xuyên gặp Hồng Hà, người tôi luôn coi như cấp trên trong công việc, đàn anh trong nghề nghiệp. Đột ngột nghe tin anh mất, lòng buồn vô hạn. Buồn vì chưa thật hiểu hết về anh, chưa viết được về anh những điều lẽ ra anh được người khác viết về mình ngay khi còn sống. Buồn còn vì còn rất nhiều điều trong trí tuệ Hồng Hà, trong kho tư liệu tích cóp suốt đời làm báo của Hồng Hà chưa được khai thác hết để cống hiến cho đời. Buồn vì những người tốt và tài ra đi ngày một nhiều, nhưng đó là quy luật của tự nhiên, ta không có cách gì giữ họ lại được.
VŨ DUY THÔNG