Nhỏ mà “chất” vẫn hơn

Nhỏ mà “chất” vẫn hơn

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính từ đầu năm 2016 đến cuối tháng 9-2016, cả nước đã thu hút 1.820 dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) mới, với số vốn đăng ký đạt 11.164,6 triệu USD, tăng 27,1% về số dự án, nhưng chỉ tăng 1,1% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Bên cạnh đó, có 851 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với số vốn tăng thêm đạt 5.265,5 triệu USD. Tính chung, tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và vốn bổ sung trong 9 tháng năm nay đạt 16.430,1 triệu USD, vẫn giảm 4,2% so với cùng kỳ năm trước.

Tính từ đầu năm 2016 đến cuối tháng 9-2016, cả nước đã thu hút 1.820 dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) mới, với số vốn đăng ký đạt 11.164,6 triệu USD, tăng 27,1% về số dự án, nhưng chỉ tăng 1,1% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Ảnh minh họa

Cùng với đó, những đồn đoán về việc một nhà đầu tư lớn ở Việt Nam là Intel sẽ đóng cửa và hiện đang hoàn tất thủ tục để chấm dứt hoạt động tại Việt Nam đã không khỏi khiến dư luận lo ngại về việc khó có thể trông cậy khu vực kinh tế này “cứu” tăng trưởng. Công ty Intel Việt Nam sau đó đã khẳng định, đây là thông tin không chính xác. Nhưng việc họ tái cơ cấu nhân sự, cắt giảm tới 2/3 nhân sự so với hiện nay để chuyển hướng hoạt động là có thật.

Tuy nhiên, trao đổi về vấn đề này, GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, lưu ý rằng, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 9 tháng của năm 2016 ước đạt 11,02 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2015. “Mà vốn đăng ký mới chỉ là lời hứa, vốn giải ngân mới là hiện thực”, ông nhấn mạnh. Vẫn theo ông Mại, việc có nhiều dự án FDI quy mô nhỏ không hẳn đã là điều đáng lo ngại. Thực tế, trong suốt năm 2015 và những tháng đầu năm nay, các dự án FDI quy mô nhỏ đã góp phần bù đắp đáng kể cho sự thiếu hụt của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.

Trong năm 2015, hàng loạt dự án trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đã “cập bến” Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hải Phòng... nhằm đáp ứng nhu cầu linh kiện, phụ kiện của các nhà đầu tư lớn như Samsung, LG, Microsoft... Với quy mô vừa phải, tốc độ triển khai các dự án này rất khả quan, phần lớn dây chuyền sản xuất có thể đi vào hoạt động sau 6 tháng đến 1 năm. Tại Đồng Nai, năm 2016, địa phương này đặt mục tiêu thu hút 1 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhưng chỉ trong 4 tháng đầu năm đã thu hút được 580 triệu USD; trong đó ngành công nghiệp phụ trợ (chủ yếu là cơ khí, dệt may) chiếm gần 50%...

Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), phát triển công nghiệp hỗ trợ còn đòi hỏi sự nỗ lực của các doanh nghiệp nội địa, chứ không phải chỉ là các nhà đầu tư nước ngoài, song việc nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến lĩnh vực này vẫn là thực tế đáng mừng, bởi ngoài chức năng làm tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư, thu hút các tập đoàn đa quốc gia, thì ngành công nghiệp hỗ trợ còn có vai trò rất lớn trong việc đẩy nhanh phát triển kinh tế và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới.

Quả thực, quy mô nhỏ hay lớn chưa phải vấn đề đáng nói hơn cả. Quan trọng nhất vẫn là chất lượng của dự án, thể hiện ở hiệu quả kinh tế và xã hội (tạo việc làm, cải thiện đời sống dân cư, bảo vệ môi trường...). Một khi làm tốt, biển nhiều “cá nhỏ”, thì “cá mập” sẽ tự bơi đến. Và có lẽ, cũng chỉ khi đó, như một cơ thể khỏe mạnh, nền kinh tế mới có thể hấp thụ tốt các dự án tỷ đô.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục