Nhớ mãi các anh!

Báo Sài Gòn Giải phóng (SGGP) bước vào tuổi 40. Tôi may mắn có nhiều đồng nghiệp, đồng đội đã làm việc và trưởng thành từ đây. Có cả những người đã đi xa, kỷ niệm về họ là mãi mãi…
Nhớ mãi các anh!

Báo Sài Gòn Giải phóng (SGGP) bước vào tuổi 40. Tôi may mắn có nhiều đồng nghiệp, đồng đội đã làm việc và trưởng thành từ đây. Có cả những người đã đi xa, kỷ niệm về họ là mãi mãi…

MỘT

Tôi có nhiều kỷ niệm với nhà báo Vũ Tuất Việt, cố Tổng Biên tập Báo SGGP. Thời chống Mỹ, ông Vũ Tuất Việt là phóng viên Báo Nhân dân được tăng cường cho Báo Giải Phóng - Cơ quan của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Khi Báo Quân giải phóng ra đời, có một thời gian Vũ Tuất Việt được biệt phái sang Báo Quân giải phóng làm Thư ký tòa soạn.

Có lần vào làm việc với Báo Quân khu 7 để phối hợp tuyên truyền khi cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra, ông nói với nhà báo Mai Bá Thiện, Phó phòng Tuyên huấn Quân khu 7, trực tiếp làm Phó Tổng biên tập báo Quân khu rằng, Báo SGGP chuẩn bị mở chuyên trang về Quốc phòng, rất cần người làm. Sau đó, Võ Hồng Sơn được chuyển về Báo SGGP, còn tôi, theo quyết định của Tổng cục Chính trị về công tác tại Báo Quân đội Nhân dân (QĐND).

Dù không trực tiếp làm Báo SGGP, nhưng tôi vẫn thường xuyên cộng tác viết bài cho báo, nhất là khi cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế với đất nước Campuchia diễn ra quyết liệt.

Nhà báo Vũ Tuất Việt cuốn hút tôi không chỉ bởi sự sắc sảo, nhạy bén trong làm báo mà còn ở sự say mê, nhiệt huyết và trách nhiệm của người quản lý. Tôi nhớ thời ông làm Tổng Biên tập Báo SGGP và Đại biểu Quốc hội. Công việc của một nghị sĩ và người đứng đầu của một cơ quan báo chí lớn được coi là “trăm công ngàn việc”, nhưng Tổng Biên tập Vũ Tuất Việt vẫn thường xuyên có mặt trong các hoạt động xã hội, đặc biệt những việc tình nghĩa, tình đồng đội.

Tổng Biên tập Báo SGGP Vũ Tuất Việt tặng quà bà con nghèo huyện Nhà Bè, TPHCM năm 1992.

Nhìn ông làm việc tôi bỗng nhớ đến ai đó đã nói: Tờ báo là hình bóng của Tổng biên tập. Thật vậy, thời Vũ Tuất Việt làm Tổng Biên tập, Báo SGGP đậm hình bóng của ông.

HAI

Nhà báo Võ Hồng Sơn nhận quyết định về Báo SGGP, anh điện thoại báo tin cho tôi ngay. Tôi mừng cho Sơn. Tuy không công tác cùng cơ quan, nhưng chúng tôi luôn sát cánh bên nhau trong quá trình tác nghiệp. Tôi nhớ vào khoảng cuối những năm 80 của thế kỷ trước, tôi với Hồng Sơn có một chuyến công tác dài ngày trên mặt trận giúp bạn. Từ Mặt trận 779 (Kongpongcham), chúng tôi theo bộ đội truy quét tàn quân Pol Pot lên tận Mặt trận 479 (Siêm Riệp).

Tôi quý Hồng Sơn không chỉ ở sự say mê nghề nghiệp mà còn ở phẩm chất, tác phong của một người lính. Anh không ngại gian khổ và cả hiểm nguy theo sát các tổ công tác xuống tận phum sóc hẻo lánh, xa xôi làm công tác dân vận. Ban ngày theo sát bước chân chiến sĩ, cùng ăn bo bo, rau rừng, cùng làm công tác dân vận; đêm về, bên ngọn đèn dầu, Võ Hồng Sơn miệt mài viết bài. Và, các bài báo của anh hừng hực hơi thở chiến trường đã xuất hiện kịp thời trên Báo SGGP, góp phần động viên bộ đội và nhân dân.

Phó Tổng biên tập Báo SGGP Võ Hồng Sơn trao giải thưởng Võ Trường Toản cho các thầy cô tỉnh Sóc Trăng năm 2005. Ảnh: MAI HẢI

Có một dạo, Hồng Sơn trực tiếp phụ trách tuyên truyền mảng quốc phòng an ninh trên Báo SGGP, chúng tôi thường xuyên gặp nhau. Đối với các cơ quan quân khu, anh như người trong nhà. Nắm chắc tình hình, Võ Hồng Sơn giúp Ban Biên tập chỉ đạo đúng hướng, nên trang quốc phòng - an ninh của Báo SGGP không khô khan, được bạn đọc ưa thích. Khi nhận nhiệm vụ Phó Tổng biên tập Báo SGGP, cũng như nguyên Tổng Biên tập Vũ Tuất Việt, nhà báo Võ Hồng Sơn luôn quan tâm đến mảng xây dựng Đảng và quốc phòng - an ninh.

Nay anh đã đi xa gần chục năm, nhưng cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang vẫn nhớ đến anh như một người đồng đội, một nhà báo bám sát bước chân chiến sĩ...

Chặng đường 40 năm xây dựng và phát triển của báo có công sức đóng góp của nhiều thế hệ, trong đó có những nhà báo xuất sắc, nghĩa tình đã yên giấc ngàn thu như: Võ Nhân Lý, Vũ Tuất Việt, Võ Như Lanh, Võ Hồng Sơn, Nguyễn Đặng, Trần Quang Thịnh, Quốc Kế, Cao Vũ Huy Miên...

Chúng tôi nhớ mãi các anh!

TRẦN THẾ TUYỂN

Tin cùng chuyên mục