Đầu năm 1974, tôi được Nhà nước ta cử đi làm đại sứ ở Cộng hòa Cuba. Tôi vừa nhận chức được mấy ngày thì anh Tô (Thủ tướng Phạm Văn Đồng) gọi đến gặp và bảo tôi phải thu xếp công việc ở Hà Nội để đi ngay sang La Habana, thay cho người tiền nhiệm bị trọng bệnh đã qua đời. Hơn nữa, tôi phải đi gấp sang Cuba để chuẩn bị cho việc tiếp Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Chính phủ do anh Tô dẫn đầu thăm Cuba vào cuối tháng 2 tới.
Ngày 13-2-1974, tôi rời Hà Nội. Ngồi trên máy bay tôi rất lo vì chưa biết phải xoay xở thế nào trên “Hòn đảo tự do” ở vùng Caribbean này với vị lãnh tụ nổi tiếng thế giới Fidel Castro. Việc trước mắt tôi cần làm ngay là chuẩn bị mọi khâu để trình bày với Chính phủ Cuba và Chủ tịch Fidel về chương trình của hoạt động của đoàn ta. Anh Tô cho biết, chuyến thăm này “rất đặc biệt” nên phải nắm vững hai việc: Nói gì và quan hệ đối xử thế nào? Cần nói gì với bạn cho trúng nhất, hay nhất, làm rung động nhất; nói gì về Mỹ Latinh từ Cuba, về thế giới, về Việt Nam... Nói làm sao để gây ấn tượng sâu sắc nhất đối với lãnh đạo và nhân dân Cuba. Quan hệ đối xử làm sao cho hợp ý bạn. Về chương trình đi thăm thì nên nhẹ nhàng. Gợi ý cách nào thật khéo léo để bạn đừng tổ chức đón tiếp rầm rộ quá. Với ta yêu cầu chính là: “Tăng cường được sức mạnh đoàn kết chiến đấu thiết thực giữa nhân dân hai nước và sự chân tình tận đáy lòng đối với nhau”.
Đại sứ Hà Văn Lâu tiếp Chủ tịch Fidel Castro tại Sứ quán Việt Nam dịp kỷ niệm lễ Quốc khánh thứ 30-1975
Những lời căn dặn của anh Tô làm tôi suy nghĩ và rất lo lắng. Nhưng vừa đặt chân đến Cuba thì bạn đã coi tôi như đại sứ đương nhiệm từ lâu, mọi thủ tục lễ nghi ngoại giao bạn đều bỏ qua. Công tác chuẩn bị đón đoàn ta, bạn đã làm xong xuôi hết từ trung ương đến các địa phương với tinh thần chu đáo rất đặc biệt.
Cuối tháng 2-1974, đoàn ta đến Cuba. Qua cuộc đón tiếp của bạn cũng như các cuộc hội đàm và đi thăm các nơi, tôi mới thấy rõ quan hệ giữa Cuba và Việt Nam thân tình như ruột thịt.
Tại buổi mít tinh đón đoàn ta, có hơn nửa triệu người dân Cuba tập trung tại Quảng trường Cách mạng Jose Marti. Đây là cuộc tập họp quần chúng đông chưa từng thấy ở Cuba. Khi Chủ tịch Fidel Castro và Thủ tướng Phạm Văn Đồng xuất hiện, lập tức tiếng hoan hô vang dậy ầm ầm như sóng biển dâng trào. Một rừng người với cờ hoa rực rỡ cùng tiếng reo mừng “Viva Việt Nam. Viva Phạm Văn Đồng” xen trong tiếng vỗ tay kéo dài hàng chục phút.
Bài diễn văn của anh Tô đã thực sự làm rung động trái tim nửa triệu người dân Cuba có mặt hôm đó. Các nhà báo đã thốt lên: “Lời nói của Thủ tướng Việt Nam thực sự chinh phục tình cảm tận đáy lòng của toàn dân Cuba”. Để đáp lại tấm lòng của Việt Nam, trong diễn văn của mình, Chủ tịch Fidel Castro đã nói: “Loài người sẽ mãi mãi biết ơn Việt Nam vì những cống hiến to lớn cho sự nghiệp giải phóng nhân loại, cho Chủ nghĩa Xã hội và Chủ nghĩa Cộng sản”. Chủ tịch Fidel kêu gọi: “Phải giúp đỡ và xây dựng lại Việt Nam mười lần to đẹp hơn như Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn”. Cả biển người giơ cao những bàn tay đáp lời Fidel: “Vì Việt Nam. Vì Việt Nam”. Khi Chủ tịch Fidel nói tiếp: “Vì Việt Nam, chúng ta sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình cho Việt Nam và có người Cuba cách mạng nào lại không dành máu của mình cho Việt Nam”. Tiếp theo, Chủ tịch hỏi: “Những ai làm bất cứ việc gì cho Việt Nam thì xin giơ tay”. Tức thì, một rừng cánh tay giơ lên với lời đáp vang dậy: “Sẵn sàng! Sẵn sàng!”...
Hình ảnh xúc động và đẹp đẽ đó đã khiến những người trên lễ đài bật khóc. Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Chủ tịch Fidel cũng không cầm được nước mắt.
Được đi theo đoàn ta thăm các trường học, nhà máy, đơn vị quân đội và một vài làng quê, ở đâu tôi cũng thấy bạn đón tiếp thật nồng ấm và chân tình. Suốt dọc ven đường đoàn xe Việt Nam đi qua, có cả rừng người xếp thành chữ trên các dãy đồi lời chào mừng. Họ xếp cả những hoạt cảnh sản xuất và chiến đấu ở Việt Nam. Đêm đến, nhiều nơi tổ chức dạ hội chào mừng đoàn ta. Có nơi tổ chức Tết Nguyên đán Việt Nam, họ dựng cả mô hình chùa Một Cột và cầu Thê Húc... Không sao kể hết cảnh đón tiếp nồng nhiệt, thân tình, tiễn khách xúc động và bịn rịn như ở Cuba đối với Việt Nam.
Tôi nhớ những ngày đoàn ta còn lưu lại La Habana, có hôm Chủ tịch Fidel đến thăm Thủ tướng Phạm Văn Đồng rất sớm; biết anh Tô còn ngủ, Chủ tịch Fidel ra hiệu bảo tôi đừng đánh thức, rồi đi thẳng xuống bếp uống cà phê. Anh Tô tỉnh giấc, biết có Chủ tịch Fidel đến, liền xuống bếp cùng chuyện trò với Chủ tịch Fidel. Sau hôm đó, Chủ tịch Fidel tự lái xe Jeep đưa anh Tô đi thăm một vài nơi ở thủ đô La Habana, trên xe chỉ có hai người ngồi bên nhau thân thiết như anh em ruột thịt. Cuộc đi thăm của đoàn Việt Nam lần ấy được báo chí Cuba và nước ngoài đánh giá là sự kiện đặc biệt chưa từng diễn ra ở Cuba.
Tôi nhớ lại những ngày ta mở chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam, Trung ương Đảng bạn và đồng chí Fidel liên tục đưa tin cho Sứ quán Việt Nam biết diễn biến từng ngày của chiến dịch rằng quân ta đang tiến đến những đâu... Ngay sau khi Sài Gòn được giải phóng, Trung ương Đảng bạn đã gọi đến báo tin mừng và cho tôi biết đúng 19 giờ ngày 30-4-1975, Chủ tịch Fidel Castro cùng toàn thể ban lãnh đạo Đảng và Nhà nước Cuba sẽ đến Đại sứ quán Việt Nam chúc mừng. Trong cuộc gặp mặt vui mừng ấy, Chủ tịch Fidel Castro đã nói: “Chúng tôi coi thắng lợi này như thắng lợi của chính mình. Trong những giờ phút lịch sử này làm chúng tôi nhớ lại thắng lợi của chúng tôi khi lực lượng cách mạng Cuba đánh chiếm thủ đô La Habana. Tôi có thể nói với các đồng chí là niềm xúc động duy nhất trong đời tôi có thể sánh với sự xúc động trong những giờ phút vừa qua, khi được tin thắng lợi của nhân dân Việt Nam. Thắng lợi này là một trong những kỳ công vĩ đại nhất của loài người và là một trong những thất bại lớn nhất của các lực lượng phản động trên thế giới”.
Dứt lời, Chủ tịch Fidel đáng kính mang ra chai rượu đặc biệt và tự mình rót ra từng ly đi mời và chúc mừng những người có mặt trong ngày vui đó.
Suốt đêm 30-4, sau khi quan khách ra về để chuẩn bị mít tinh chào mừng Ngày Quốc tế Lao động 1-5 và mừng ngày chiến thắng của Việt Nam, anh chị em cả hai sứ quán của Việt Nam không ai buồn ngủ, mọi người ôm nhau kẻ khóc người cười rồi cùng nhau cất cao tiếng hát:
... Đây Cửu Long hùng tráng
Đây Trường Sơn vinh quang
Thúc giục đoàn ta xung phong đi giết thù
Vai sát vai chung một bóng cờ...
* * *
Nhiệm kỳ đại sứ của tôi nhằm lúc Nhà nước Cuba đang giúp Việt Nam xây dựng các công trình cầu đường, bệnh viện, khách sạn cùng các trại chăn nuôi gia súc, gia cầm... trong tình hình Cuba đang gặp muôn vàn khó khăn do bị Mỹ cấm vận, bao vây kinh tế nhưng bạn vẫn giúp đỡ các nước châu Phi, chi viện cho cách mạng miền Nam và xây dựng miền Bắc Việt Nam. Tôi nhớ có lần Chủ tịch Fidel bất ngờ đến sứ quán Việt Nam không báo trước, không dẫn theo phiên dịch, tôi nói bằng tiếng Tây Ban Nha: “Kính chào đồng chí Chủ tịch Fidel”, liền bị ông xua tay nói: “Đại sứ Lâu sinh năm 1918, hơn tôi nhiều tuổi. Vậy ta nên bỏ cụm từ “kính chào” đi”.
Đồng chí Fidel Castro và Đại sứ Hà Văn Lâu tại sân bay La Habana đón đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Việt Nam sang thăm Cuba cuối tháng 2 -1974
Tôi học tiếng Tây Ban Nha từ ngày mới đến Cuba, nhưng sợ phát âm chưa chính xác nên ngại nói với các nhà lãnh đạo của bạn, tôi liền xin cho gọi phiên dịch. Chủ tịch Fidel bảo chẳng cần người thông ngôn vì đã nghe tôi đọc diễn văn bằng tiếng Tây Ban Nha trong lễ kỷ niệm Quốc khánh Việt Nam, khen tôi đã thông thạo tiếng Cuba. Chủ tịch Fidel nói: “Hôm nay ta làm một việc nhỏ riêng với nhau”. Việc nhỏ và riêng tư đó là bàn cách nào để sớm đưa Diệu Hương (vợ tôi) sang Cuba vừa làm việc giúp văn phòng đại sứ lại lo cơm nước, chăm sóc sức khỏe của tôi. Chuyện Chủ tịch Fidel cho là nhỏ nhưng tôi thấy tình cảm của Chủ tịch rất lớn. Tôi khắc sâu kỷ niệm này và vô cùng biết ơn lãnh tụ Fidel Castro. Sau này, khi tôi đã về nghỉ hưu, Chủ tịch Fidel vẫn thường xuyên cử người giữ liên lạc gửi sách báo và tin tức Cuba cho tôi... ª
Tân Sắc (ghi)
Hà Văn Lâu (kể)
(Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Cuba)