Hàng năm cứ đến ngày 1-9, những cựu chiến binh cùng gia đình, lớp trước lớp sau lại cùng nhau tề tựu về Đền thờ liệt sĩ Nhơn Trạch dự lễ giỗ các anh hùng liệt sĩ trong đơn vị. Họ thắp nén hương thơm, chọn bông hoa tươi nhất dâng lên người đã khuất, tri nghĩa tri ân, khắc cốt ghi tâm nhớ về đồng đội.
- Gian lao chiến đấu
Đến bây giờ, cứ mỗi lần gặp nhau, họ lại tay bắt, mặt mừng, ôm nhau mà nước mắt rưng rưng. Gặp nhau cứ vui, buồn lẫn lộn mỗi khi ai đó nhắc về những kỷ niệm xưa một thời nếm mật, nằm gai nơi sông nước này.
Chưa đầy 10 năm bám trụ chiến đấu, cả ngàn con người ở hơn 30 tỉnh, thành đất nước hội tụ về đây. Sau ngày toàn thắng, điểm danh đồng đội thấy vắng đã nhiều. Phía sau bảng vàng chói lọi chiến công cùng với hàng trăm phần thưởng cao quý khác, 683 cán bộ, chiến sĩ đặc công của Đoàn 10, trong đó có hơn 500 liệt sĩ chưa tìm thấy mộ đã vĩnh viễn nằm lại dưới những lòng sông ở Nhà Bè, Cần Giờ (TPHCM); Long Thành, Nhơn Trạch (Đồng Nai).
Đại tá Lê Bá Ước kể: “Từ khi ra đời đến ngày 30-4-1975, Đặc công Đoàn 10 đã đánh 595 trận lớn nhỏ, trong đó có những trận nổi tiếng như hai lần đột nhập kho bom Thành Tuy Hạ, phá hủy hơn 100.000 tấn bom đạn. Trận tập kích kho xăng Nhà Bè thiêu hủy 250 triệu lít xăng dầu. 70 lần pháo kích làm cháy hàng chục triệu lít xăng dầu, phá hủy nhiều kho tàng, doanh trại, mục tiêu trọng yếu của địch ở Sài Gòn như Dinh Độc Lập, đại sứ quán Mỹ, Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy; loại khỏi vòng chiến đấu hơn 6.000 tên địch. Đánh chìm và cháy 356 tàu thuyền chiến đấu, 13 tàu vận tải, bắn cháy 145 tàu khác; bắn rơi 29 máy bay trực thăng…”.
Mười năm sống cùng sông nước Rừng Sác vừa xây dựng lực lượng vừa chiến đấu, cán bộ chiến sĩ Đoàn 10 đã vượt qua muôn trùng gian khổ. Phần lớn anh em đều phải ăn rau thay cơm, chia nhau từng miếng nước ngọt, từng viên đạn, nhường nhau từng viên thuốc khi ốm đau. Nhiều lần kẻ thù càn quét bao vây, cắt đường tiếp tế, đơn vị phải nuôi thương binh tại chỗ dưới hầm nước nửa nổi nửa chìm. Nếu có ai đó hy sinh, việc tìm được một nơi khô ráo để chôn cất cũng đâu phải dễ dàng. Đói khát, bệnh tật, ốm đau, bom đạn… đã làm cho nhiều chiến sĩ Đoàn 10 ngã xuống. Chỉ tính từ năm 1969 đến năm 1971 đã có 324 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, chiếm gần một nửa số liệt sĩ Rừng Sác thời kỳ 1966 - 1975. Ở phía Tây sông Lòng Tàu, đội 6 tổn thất đến 2/3 quân số. Đến cuối năm 1970, mỗi đội chỉ còn 10 đến 15 tay súng. Đội 5 anh hùng chỉ sau một trận chống càn quân số hy sinh đến phân nửa…
- Những anh hùng
Gian nan vất vả là vậy nhưng những thủy binh Đoàn 10 và đồng bào Rừng Sác vẫn vững niềm tin theo cách mạng. Đúng như lời cố Thiếu tướng Lương Văn Nho, nguyên Đoàn trưởng kiêm Chính ủy đầu tiên của Đặc khu quân sự Rừng Sác: “Người Rừng Sác lam lũ với củi, than, với cá tôm trên sông nước. Nghèo mà phóng khoáng, hào hiệp, có thủy có chung, giàu lòng yêu nước, gan lì trong sóng to, gió lớn và trong đối mặt với kẻ thù”. Với thành tích vẻ vang trong chiến đấu, ngày 23-9-1973, Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác vinh dự được Đảng và Nhà nước tuyên dương đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó tập thể đội 5 (hai lần) và 7 cán bộ, chiến sĩ được tuyên dương Anh hùng cùng với hàng trăm cán bộ, chiến sĩ được tặng thưởng huân, huy chương chiến công các hạng.
Những kỷ niệm buồn vui, gian nan khổ ải trong chiến tranh cứ như một huyền thoại sống mãi trong ký ức mỗi người. Hiện nay mộ liệt sĩ Đoàn 10 nằm tại các nghĩa trang liệt sĩ Long Thành, Nhà Bè, Rừng Sác (Cần Giờ) và TPHCM. Tháng 1-2008, trong chuyến làm việc với các tỉnh miền Trung, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khi đó đã đến thăm gia đình ông Trịnh Xuân Bảng, một trong 7 cá nhân anh hùng của Đoàn 10. Trong câu chuyện thân tình với người anh hùng tại tư gia, Chủ tịch nước đã bắt tay ông Trịnh Xuân Bảng và qua ông nhắn gửi lời ngợi khen đến toàn đơn vị: “Tất cả đặc công ở rừng Sác đều xứng đáng là những anh hùng”. Đó chính là niềm tự hào, một vinh dự lớn lao và là phần thưởng vô giá mà Tổ quốc và nhân dân ta đã dành tặng cho cán bộ, chiến sĩ Đoàn 10 nơi chiến khu Rừng Sác năm xưa.
Đ.HIỆP - H.MẠO