Tại hội nghị tiếp xúc giữa lãnh đạo TPHCM với doanh nghiệp (DN) vừa qua, một DN đã tố cáo vụ hoàn thuế đạt “kỳ tích” 5 năm chưa xong. Lý do kéo dài là vì cán bộ bắt bẻ câu chữ mà DN nói là “rất vớ vẩn”. Đây không phải lần đầu DN bức xúc về hoàn thuế. Tại hội nghị tiếp xúc với Bộ Tài chính vài tháng trước đây, DN đã đến tận bàn của Thứ trưởng để “tố” cán bộ thuế ra giá 2% mới cho hoàn thuế…
Việc chậm hoàn thuế trong lúc DN phải sử dụng vốn vay, trả lãi, thì không chỉ là vấn đề thiếu trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ công chức, mà còn là vấn đề về đạo đức. Trước đây, đại diện Hội Doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã chỉ ra sự bất công này rằng: Tại sao Luật Quản lý thuế cho phép người nộp thuế được quyền tự tính, tự khai, tự nộp thuế, nhưng lại không cho phép DN được quyền tự hoàn thuế? Nếu DN nộp báo cáo thuế trễ một ngày thì bị phạt, nộp thuế trễ 1 ngày thì phạt đến 0,5%/ngày, tức 1,5%/tháng, cao hơn lãi suất ngân hàng. Vậy 5 năm trời DN chưa nhận được tiền hoàn thuế, sao cơ quan thuế không trả lãi cho DN và sao không xử phạt cán bộ thuế?!
Hầu hết các vụ chậm hoàn thuế được cán bộ giải thích là do DN làm hồ sơ không đạt. Thế nhưng, cán bộ thuế quên rằng mình vận dụng triệt để quyền kiểm tra mà quên mất trách nhiệm hướng dẫn cho DN. Một khi DN đã nộp thừa, được hoàn có nghĩa là đã thực nộp, nên vấn đề lấy tiền ra chỉ là thủ tục hành chính. Nếu DN làm thủ tục chưa đúng thì phải hướng dẫn cho DN.
Về thủ tục hành chính, Nhà nước quy định rõ, đối với mọi thủ tục, sau khi tiếp nhận hồ sơ nếu thấy chưa đầy đủ thì trong vòng 1 tuần, cán bộ tiếp nhận có trách nhiệm hướng dẫn người dân, DN bổ sung hồ sơ. Việc hướng dẫn chỉ thực hiện một lần, bằng văn bản…
Việc cán bộ thuế quên trách nhiệm phải hướng dẫn cho dân nên đã xảy ra nhiều tiêu cực: hoặc là gây khó khăn hoặc bắt tay với người nộp thuế để trục lợi. Trong buổi gặp gỡ DN trước đây, sau khi nghe DN kêu ca rằng DN kinh doanh gạo phải nộp thuế rất cao, trong khi hộ kinh doanh cá thể kinh doanh gạo lại được áp thuế khoán chỉ vài trăm ngàn đồng, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng đã phát biểu ngay: “Nếu cán bộ thuế bắt tay với người dân để nộp thuế ít thì chết, DN không thể cạnh tranh nổi!”.
Rõ ràng, đã có không ít trường hợp chính cán bộ thuế tận dụng quy định “DN bổ sung tài liệu, hồ sơ trước khi cơ quan thuế có quyết định thanh tra, kiểm tra thì không bị xử lý” đã “lách luật” bằng cách điện thoại mời DN lên cung cấp hồ sơ để thanh tra, quyết toán thuế (theo quy định phải có quyết định thanh tra gửi trước cho DN 3 ngày mới được tiến hành thanh tra). Khi xem trước, phát hiện hồ sơ DN có sai sót thì cán bộ chỉ ra nhằm đe dọa và cuối cùng là ra giá “bao trọn gói” quyết toán thuế. Nếu DN đồng ý chung chi thì cán bộ mới hướng dẫn cho cách bổ sung, điều chỉnh hồ sơ trước, rồi ra quyết định thanh tra, quyết toán thuế sau. Có nghĩa là hồ sơ đó nếu được hướng dẫn bổ sung thì không bị phạt, không bị truy thu thuế, nhưng cán bộ đã không làm thế, mà bắt tay, ra giá để trục lợi riêng!
Để cán bộ không trục lợi được, đã đến lúc luật phải hoàn chỉnh, lấp ngay kẽ hở trong các quy định. Bên cạnh đó, DN hãy cùng nhau đấu tranh chống tiêu cực. Đặc biệt, khi mà Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng đã tuyên bố sẵn sàng đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ gây khó khăn, nhũng nhiễu, thậm chí là làm chậm. Bí thư Thành ủy TPHCM còn động viên DN hãy nói thẳng, chỉ ra những sai sót, vì đã có người cao nhất của thành phố ở đây, đồng hành cùng DN thì đừng lo bị trù dập! Do vậy, nếu có niềm tin với lãnh đạo TPHCM, cộng đồng DN hãy hợp sức nói không với tiêu cực, tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh “sạch”. Cùng nhau làm điều đó không chỉ vì sự phát triển của thành phố mà còn vì tương lai của chính DN!
HÀN NI