Huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long quê tôi, vào những năm 1960 đã dấy lên một sự kiện chính trị vang dội khắp làng quê, đi vào lòng người không thể nào quên.
Vì đây là một sự kiện chính trị xuất phát từ lòng dũng cảm, mưu trí gan dạ của những người nông dân chân lấm tay bùn, lúc nào cũng hướng về cách mạng, một lòng đi theo Đảng, đã làm nên một kỳ tích trong dịp chào mừng Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Cúng đình lễ Kỳ yên Thượng điền
Vừa qua, tôi về quê dự đám cúng đình lễ Kỳ yên Thượng điền, lễ mừng vụ mùa đã thu hoạch xong, tạ ơn trời đất, thành hoàng bổn cảnh đã giúp bà con một vụ mùa mưa gió thuận hòa. Trời vừa hừng sáng, tiếng trống chầu, tiếng mõ đình đã vang lên rộn rã, báo hiệu cho dân làng biết hôm nay là ngày cúng đình. Lệ cúng đình vậy thôi, không báo thì mọi người trong làng cũng biết rồi. Nhiều người rời làng quê sinh sống phương xa, tới ngày cúng đình vẫn nhớ về. Khi gà vừa gáy canh hai, bà con đã thức dậy nhóm lửa, bếp nhà ai cũng cháy sáng rực. Bà con thức dậy sớm nấu xôi, nấu bánh tét, bánh ít, hoặc nấu khoai lang, khoai mì… Ai có gì mang cúng đình thứ đó. Cốt yếu là tấm lòng thành đối với vị linh thần của làng.
Mõ đình trong lễ hội cúng Kỳ yên Ảnh: HẢI ANH
Tôi cùng với mấy người hàng xóm bước qua cánh đồng vừa gặt xong, những giọt sương sớm long lanh, trong ngần như pha lê còn đọng trên góc rạ nồng nàn mùi lúa mới. Trên đường tới ngôi đình làng, bà con xóm trên, xóm dưới, ăn mặc chỉnh tề, người thì trên tay bưng mâm xôi, giỏ trái cây, rổ khoai lang, khoai mì, nét mặt tươi vui hớn hở, trên môi luôn nở nụ cười chào hỏi bà con lối xóm. Nhìn mọi người cùng đi dự lễ hội cúng đình, tôi càng thấm thía nét văn hóa làng quê.
Có thể nói, ngôi đình là nơi thể hiện tính văn hóa dân tộc của mỗi địa phương. Là nơi sinh hoạt văn hóa của dân làng thông qua các dịp cúng Kỳ yên, thể hiện tấm lòng tri ân đối với bậc tiền hiền có công khai phá, xây dựng làng xóm. Xây dựng ngôi đình cũng là điều phù hợp với truyền thống đạo lý, bản sắc văn hóa dân tộc, uống nước nhớ nguồn… Do đó, có thể trong làng có nhiều ngôi chùa, nhiều nhà thờ, song với ngôi đình, chỉ có một mà thôi.
Mõ đình đến mõ tre
Tôi lặng lẽ đứng ở một góc sân đình, bồi hồi nhìn ông Hội trưởng Hội hương đình áo dài khăn đóng chỉnh tề, đang đánh mõ đình để trên giá vì mõ khá lớn, chiều dài hơn 2m, đường kính gần 4 tấc. Đây là một trong những cái mõ lớn nhất ở các đình làng miền Tây. Mõ đình làng tôi tuy đã cũ kỹ, gần 60 năm, nhưng khi đánh lên vẫn vang vọng một âm thanh trầm hùng mà cao vút lan tỏa đến tận chân vườn xa. Tiếng mõ là âm thanh chủ đạo trong dàn nhạc khi vào lễ cúng đình. Tiếng mõ đình đã đưa tôi về dĩ vãng, một thời mà cũng chính mõ đình làng này đã đánh lên vào một đêm trăng khuyết treo trên ngọn tre, làm dậy cả làng quê cái hào khí cách mạng ngùn ngụt dâng trào.
Thuở ấy, bà con trong làng ngạc nhiên khi thấy ba tôi cùng với bốn người hàng xóm, trong đó có ông Từ đình, người trông coi nhang khói cúng linh thần hàng ngày, cưa hạ cây mù u bên hông đình gần bàn thờ Thần Nông. Cây mù u này đã gần trăm năm, ai cũng cho là cây linh thiêng của đình, không ai dám động tới. Vậy mà hôm nay có người xem trời đất bằng vung, dám đốn hạ cây mù u trăm tuổi. Ba tôi giải thích với mọi người là cái mõ đình làng mình nhỏ quá, bị nứt tét hết rồi, nên khi đánh, tiếng mõ không vang xa, không linh hiển. Đốn cây mù u là để làm cái mõ. Cây thiêng mà đem làm mõ đình thì khi đánh lên mới linh. Ròng rã suốt 5 ngày liền, ba tôi với mấy người cộng sự mới làm xong. Mọi người bày tiệc nhậu, gọi là ăn mừng cái mõ đình đã hoàn thành như ý. Nhưng suốt buổi nhậu hôm đó, cả năm người cứ nhỏ to bàn tán chuyện gì coi bí mật lắm, tàn tiệc nhậu mà lít rượu đế chưa hết phân nửa. Sau khi có người phụ nữ bơi xuồng ghé lại, giao cho năm người một bịch nilông đựng gì trong đó không hiểu, rồi quày quả ra đi. Hôm sau, cũng năm người bạn nhậu lại đi tới nhà này, nhà nọ kêu gọi bà con ai có tre thì đốn ủng hộ cho những nhà không trồng tre, để mỗi nhà cùng làm cái mõ tre, khi hữu sự sẽ dùng tới. Vậy mà cũng có kẻ gian, bí mật báo qua bên dinh quận, tên trung úy phó trưởng đồn dẫn một tiểu đội lính bảo an lập tức vây bắt những người kêu gọi dân làng làm mõ tre. Ba tôi từ tốn giãi bày: “Chúng tôi vì chấp hành mệnh lệnh của ông quận trưởng, khi tháng trước chúng tôi trình báo là lóng rày ở làng mình trộm cướp quá lộng hành. Ban ngày, người dân không an lòng ra ruộng, ban đêm không dám ngủ. Ông quận trưởng ra lệnh là khi có trộm cướp, thì phải bằng cách nào đó báo động dữ dội, lính bên quận nghe được qua vây bắt trộm cướp. Bởi vậy tôi kêu bà con làm cái mõ tre, để báo động mỗi khi có trộm cướp”. Nghe cũng xuôi tai, tên trung úy rút quân về bót.
Mõ đình - chứng tích một thời
Hôm đó, từ sáng sớm ba tôi đã ra khỏi nhà, đi đâu không biết, mãi đến tối mịt ông mới về, vẻ mặt căng thẳng, nằm đong đưa trên võng hút thuốc rê, tàn điếu này quấn điếu khác, điếu nào cũng to bằng ngón tay cái. Chợt thấy tên Tư Sẹo đi ngang qua nhà, mắt liếc ngang liếc dọc, xứ này ai mà không biết hắn là tên chỉ điểm, chuyên rình mò bươi móc. Ba tôi liền lớn tiếng khen má tôi mua bánh thuốc rê này ngon quá, không phèn mà còn thơm khói. Tên Tư Sẹo dừng lại rồi bước thẳng vào nhà, cười giả lả với ba tôi: “Chú Hai cho xin điếu thuốc thơm khói hút cho thơm râu”. Ba tôi đưa bịch thuốc rê cho hắn, lộ vẻ băn khoăn: “Tư Sẹo nè, hồi chiều mày có thấy hai người đàn ông lạ mặt, đầu tóc bù xù đi qua đi lại xóm mình hay không?”. Tư Sẹo nhíu mày suy nghĩ, rồi vỗ đùi cái đét, hào hứng: “Có, tui có thấy, tụi này khả nghi lắm, tối nay phải cẩn thận trộm cướp nghe chú Hai”.
Đêm đó ba tôi như ngồi trên đống lửa, không yên. Thỉnh thoảng ông bước ra nhìn trời, nhìn xuống hướng ngôi đình như chờ đợi ai đó, người xa chưa về. Lúc đồng hồ chỉ đúng 11 giờ đêm, ba tôi kêu má tôi lại căn dặn: “Những điều tôi dặn dò, bà nhớ làm cho đúng, quan trọng lắm”. Dặn dò má tôi chỉ bấy nhiêu, ba tôi liền ra đi trong đêm tối. Má tôi ngồi lặng thinh bên ngọn đèn dầu, hồi hộp chờ đợi. Tiếng con thằn lằn chắc lưỡi như thức cùng má giữa đêm trường. Bất chợt, tiếng mõ đình đánh lên liên tục, tiếng mõ vang dội giữa đêm khuya trăng mờ trừ tịch. Tiếng mõ như một khúc hùng ca, gọi mọi người thức dậy cùng hòa một nhịp, bài hát chào mừng một sự kiện hào hùng của dân tộc. Không riêng gì má tôi, cả làng cùng lấy cái mõ tre ra đánh từng hồi. Tiếng mõ đã lan đi khắp làng, khắp xóm. Mọi người tràn ra đường để đánh mõ với niềm vui vô hạn. Tiếng mõ đình đã chuyển sang một hồi ba dùi, náo nức tuôn tràn. Giữa đêm khuya, một giọng rền vang dội vào lòng người: “Bà con ơi…”. Đúng như lời ba tôi căn dặn, biết là tín hiệu đã báo, má tôi vội ra cây còng ở bờ sông giựt đứt sợi dây trên đó có treo một bọc giấy nilông, mà trong đêm tối không thể nào thấy được. Chấp chới những tờ giấy nhỏ như cánh bướm bay tản mạn xuống mặt sông. Tiếng mõ đình vẫn vang dội cả làng quê.
Tên trung úy đồn phó cùng tiểu đội lính Bảo an hớt hải chạy qua, la toáng lên: “Trộm cướp đâu?”. Tên Tư Sẹo muốn lập công, lên tiếng bịa chuyện: “Hồi chiều tui thấy hai tên tình nghi, đúng là tới tối chúng ra tay, may là nhờ tui phát hiện sớm, nên không ai bị mất gì hết”.
Nhưng khi sáng ra, người dân thấy trên sông những tờ bướm xinh xắn trôi tản mạn, vớt lên xem, thấy có dòng chữ “Chào mừng ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam”.
Tiếng mõ đình đưa tôi trở về hiện tại. Học trò lễ đang dâng hương cúng linh thần. Tôi bùi ngùi nhớ về ba tôi và những người cùng với ông đã mưu trí làm cái mõ đình, gióng lên những hồi làm dậy cả làng quê chào mừng một sự kiện cách mạng trọng đại. Mõ đình vẫn còn đây, vẫn gióng lên những hồi làm rộn rã làng quê. Mọi người vẫn bước theo tiếng mõ, nhưng không phải trên con đường chông gai ngày nào, mà trên con đường xây dựng nông thôn mới.
NGUYỄN TƯỜNG LỘC