Cách xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ, TPHCM) 45 phút đi thuyền, ấp đảo Thiềng Liềng (thuộc xã Thạnh An) từ lâu được xem là vựa muối chính của huyện Cần Giờ. Đời ông cha đến đời con, đời cháu, người dân ấp đảo gắn bó máu thịt, bền bỉ trên cánh đồng muối...
Ông Tám Thanh nhớ lại những ngày đầu gầy dựng ruộng muối, mở đường, cất nhà
Mùa muối đầu tiên
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Thanh (ông Tám Thanh) là những người đầu tiên đặt chân lên đảo Thiềng Liềng. Năm 1973, vì trốn quân dịch nên ông Tám Thanh từ Gò Công (nay là thị xã thuộc tỉnh Tiền Giang) đến huyện Cần Giờ. Ghé ngang Thiềng Liềng thấy đất trống, ông Tám quyết chí lên đảo sinh sống. Có sẵn nghề muối ở quê nên vợ chồng ông suy tính làm ruộng muối. Ngặt nỗi, ngoài nước mặn, đảo chỉ có cây rừng, không một bóng người. Chiến tranh, bom mìn cày xới, nhiều chỗ trên đảo cây cối chết trắng. Hai vợ chồng không nề hà công cán, đổ sức dọn sạch vùng đất chết, xây dựng ruộng muối. Đến Tết Nguyên đán năm 1974, gia đình ông Tám Thanh bắt đầu thu mẻ muối đầu tiên. Thu hoạch xong cả ruộng muối thì vừa kịp gần bước qua tháng 4-1975. Vậy là, sau bao cơ cực, gia đình ông đón mùa muối đầu tiên; trùng hợp cũng là khi đất nước mừng ngày thống nhất.
Chưa hết mừng thì vợ chồng ông lại lo không biết tìm người mua muối ở đâu. Vừa giải phóng, đường đi lối lại cách trở, chẳng mấy ai biết trên đảo Thiềng Liềng đã làm ra hạt muối. Vợ chồng ông Tám Thanh kiên nhẫn đợi. Một thời gian ngắn sau đó, ghe thương lái mua muối nơi khác đi ngang, thấy muối đổ trắng đồng liền tấp vô hỏi thăm. Từ đó, gia đình ông Tám Thanh có tiền mua thêm dụng cụ, đồ dùng sinh hoạt. Cả nhà ít phải vào rừng kiếm củi, ăn uống đỡ kham khổ hơn.
Mỗi năm chắt chiu một ít, cứ mỗi lần bán muối dư chút đỉnh tiền là ông bà Tám mua cây gỗ, để dành cất nhà. Đến cuối năm 1981, ông bà đủ tiền làm nhà gỗ. “Từ đó, người dân rục rịch kéo nhau ra Thiềng Liềng làm muối. Nhiều gia đình sống trên ghe, đi qua thấy đảo có người liền cập bến. Thấy cuộc sống tuy cực nhưng ổn định hơn lênh đênh sông nước nên họ quyết định vào đảo định cư”, ông Tám Thanh nhớ lại. Từ đó, những mái nhà lấp ló sau rừng cây cứ tăng dần, tiếng trẻ cười đùa xuất hiện.
Khổ nhưng khỏe
Sau năm 1984, bộ đội biên phòng, cán bộ từ thành phố ra xây dựng ấp, dân cư dần đông đúc. Nhờ muối, cuộc sống đỡ khổ hơn chút ít, nhưng vẫn nhọc nhằn. Bà Tám (vợ ông Tám Thanh) kể, thời đó nước ngọt phải chở bằng ghe tận từ thành phố về đảo. Thực phẩm, đồ dùng hầu như phải trông chờ thuyền bè ghé vào hay ghe từ ấp đi ra. Kể lại chuyện xưa, bà Tám nhớ mãi lần sinh người con út. Bà kể: “Con cả được 6 tuổi thì cả nhà về Thiềng Liềng, rồi thím sanh thêm 7 đứa nữa. Giờ tụi nó lập gia đình và dựng nhà quanh đây. Nhớ ngày xưa mỗi lần sanh là đi xuồng xuống xã. Lần thím sanh thằng út, mấy mẹ con đi bằng ghe máy đuôi tôm, chưa đến nơi thì nó đã ra rồi. Trên ghe, gió lớn mà nó khóc oe oe. Lớn lên khỏe mạnh, không bệnh tật chi. Bởi mới nói, ở đây ai cũng khổ nhưng… khỏe!”. “Khỏe” ở ấp đảo không chỉ là sức khỏe mà còn là cuộc sống cố kết, mật thiết giữa bao thế hệ người dân.
Mùa vụ muối phụ thuộc nhiều vào thời tiết, giá bán. Thời gian này, hỏi quanh ấp, nhiều người cho hay: Nếu những năm trước từ đầu mùa đến thời điểm này, mỗi gia đình thu mấy ngàn dạ thì năm nay chỉ được hơn ngàn dạ muối (1 dạ = 35kg), bởi nắng mưa thất thường, muối “tiêu hết ráo”. Có gần 5ha ruộng muối, năm nay, gia đình ông Tư Im bớt thuê nhân công, người trong nhà gắng làm để tiết kiệm. Hơn 60 tuổi nhưng ông vẫn ra đồng, đắp bờ, đầm đất. “Dù cần tiền gấp hay sợ giá tiếp tục xuống nhưng không ai ở Thiềng Liềng bán phá giá. Đồng nhất một giá muối là truyền thống từ trước đến giờ rồi”, ông Tư Im khẳng định.
Ông Nguyễn Văn Yến, Trưởng ấp Thiềng Liềng, cho biết, 200 hộ dân ở đây sống đoàn kết, ý thức. Từ khi ông Tám Thanh ra khai phá đến nay, ấp chỉ xảy ra duy nhất một vụ cướp vào năm 1981. Như gia đình ông Tám Thanh, ông Tư Im, rất nhiều gia đình ở Thiềng Liềng sống nhiều đời trên đảo, cha truyền con nối, bám lấy nghề muối làm kế sinh nhai. Năm nay, niềm vui lớn nhất ở nơi xa nhất TPHCM là lần đầu tiên ấp có 4 em thi đậu đại học, cao đẳng.
KỲ LÂM