Mưa ngút trời suốt cả tuần khiến con đường từ quốc lộ 1A rẽ vào xã Tân Mỹ (huyện Văn Lãng, Lạng Sơn) ngập ngụa bùn đất, nhiều chỗ bị sạt lở, cày xới lên thành những ổ trâu, ổ voi kéo dài cả trăm mét. Mất nhiều ngày lần mò qua nhiều chỗ “anh em” quen biết ở Lạng Sơn, cuối cùng chúng tôi cũng tìm được Tùng “gù” - một đầu nậu ở miền biên ải này.
Chân dung đầu nậu
Căn nhà của Tùng “gù” nằm ngay trung tâm xã Tân Mỹ, cách khu vực cửa khẩu không quá xa. Đó là một căn nhà khá khang trang, bên trong không hề thiếu những đồ đạc thời thượng đắt tiền, đây là kết quả mà Tùng “gù” có được sau gần 10 năm làm cửu vạn, rồi “cai cửu” và bây giờ là một đầu nậu hàng Trung Quốc ở Lạng Sơn.
Sau hồi dò xét, cuối cùng Tùng “gù” cũng trở nên cởi mở hơn khi biết chúng tôi cần tìm mối hàng gà, vịt Trung Quốc để cung cấp cho nhiều nhà hàng ở dưới xuôi với khối lượng lớn. Tùng “gù” cho biết, trước đây làm dân bốc vác hàng tại khu vực bãi Gianh, thác Ném, sau vài năm tích góp kinh nghiệm, Tùng chuyển sang làm “cai cửu”, có được chút vốn liếng, Tùng đứng ra tự đánh hàng về để chuyển cho các chủ buôn ở Lạng Sơn, Hà Nội.
Tùng cũng cho biết, nếu vài năm trước, vải vóc, quần áo, điện tử của Trung Quốc còn được giá thì nay chỉ còn hàng gà, vịt và thực phẩm là còn kiếm ăn được kha khá. “Làm hàng tươi sống vất vả và nhếch nhác hơn nhưng bù lại không lúc nào sợ khan hàng và mấy chủ ở dưới xuôi cũng nhập liên tục…”, Tùng “gù” nói. Gã đầu nậu khét tiếng ở Văn Lãng này cũng thẳng thắn cho biết, nếu hợp tác làm ăn lâu dài sẽ sẵn sàng đưa chúng tôi sang bên kia Pò Chài, thậm chí là Bằng Tường (Trung Quốc) gặp chủ hàng người Trung Quốc để xem hàng trực tiếp và làm việc giá cả cụ thể.
Tại khu vực xóm Kéo Kham thuộc địa phận cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn), mới chập tối, chúng tôi chứng kiến cảnh cả đoàn cửu vạn thập thò, rồi như “ma đuổi” gồng gánh hàng hóa vượt biên theo con đường cánh cung bên cạnh cửa khẩu xuống dưới dãy nhà lụp xụp tập kết hàng ngay sát chân núi. Chị Hồng, một cửu vạn ở đây cho biết: “Hầu hết các gia đình ở đây đều có người đi chuyển gà Trung Quốc, mỗi sọt gà chừng 50-60kg, nếu chịu khó một đêm làm hai ba chuyến cũng kiếm được khoảng 200.000 đồng. Tuy vất vả và nguy hiểm nhưng vẫn phải đi vì tôi không có việc gì khác để làm. Ruộng đất ở đây ít lắm vì ở toàn đồi núi…”. |
Chia tay với Tùng “gù”, chúng tôi tìm tới khu kinh tế cửa khẩu Tà Lùng (Phục Hòa), là cửa khẩu lớn nhất ở Cao Bằng. Mặc dù không sầm uất như cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) nhưng ở cửa khẩu này lại có một đội ngũ cửu vạn lên tới hàng ngàn người vì lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua đây rất lớn. Thảo “duy” mặc dù không phải là một đầu nậu lớn ở Tà Lùng nhưng vẫn sẵn sàng đứng ra làm đại lý hàng gia cầm Trung Quốc để chuyển về xuôi cho chúng tôi.
Bởi lẽ, sau vài năm chạy xe khách tuyến Tà Lùng – TP Cao Bằng, Thảo đã có trong tay một đội quân cửu vạn lên tới hơn 30 người, cùng với đó là 5-6 đầu mối hàng tươi sống bên Long Châu (Trung Quốc). Thảo cho biết, gần đây do ở Móng Cái và Lạng Sơn làm chặt và phí “làm luật” cao nên nhiều chủ buôn ở dưới xuôi đã chuyển sang đánh hàng gà lậu và gia cầm giống qua đường Tà Lùng hay Trà Lĩnh (Cao Bằng) để an toàn hơn. Thảo cũng bật mí, nếu chúng tôi đồng ý lấy gà, mọi khâu “luật lá” với lực lượng chức năng ở trên này sẽ được Thảo lo hết, đảm bảo gà về Cao Bằng hay tới Lạng Sơn không thiếu một cân.
Đủ loại gà, vịt bẩn
Mất chưa đầy 20 phút sau khi được A Phong, một người đàn ông Trung Quốc có vợ người Lạng Sơn, là chỗ làm ăn lâu ngày với Tùng “gù” đưa qua con đường mòn nằm bên cánh gà cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), chúng tôi đã có mặt tại chợ Pò Chài (Trung Quốc). Dọc theo con phố lớn tại Pò Chài là những cửa hàng nối nhau san sát, hàng hóa đủ loại, đủ kiểu. Từ những mặt hàng quần áo, vải vóc cho tới bánh kẹo, thực phẩm, đường sữa được bày bán la liệt, màu sắc rực rỡ.
Biết chúng tôi đi khảo sát thị trường để tìm mối kinh doanh gia cầm, A Phong bảo chợ Pò Chài chủ yếu phục vụ khách du lịch, muốn mua buôn, mua nhiều phải vào chợ Bằng Tường hoặc đi theo đường Cổng Trắng (Đồng Đăng) để sang chợ Lũng Vài hoặc xa hơn nữa đi Cao Bằng sang bên Long Châu (Trung Quốc).
Quyết định rời chợ Pò Chài, chúng tôi tới chợ Lũng Vài, nơi được xem là một trong những chợ lớn cung cấp đủ loại hàng hóa vào thị trường Việt Nam. Tại khu buôn bán gia cầm ở đây, các quầy hàng san sát nhau, mùi phân gà, vịt, xú uế bốc lên nồng nặc. Đưa chúng tôi tới quầy hàng khá lớn, A Phong sau ít phút trao đổi thân mật với chủ hàng, vị chủ hàng này liền quay ra, nói cả tiếng Việt lẫn tiếng Trung với chúng tôi giọng lơ lớ: “Yên tâm, bao nhiêu cũng có…”.
Đáng ngạc nhiên là trong khi chúng tôi tỏ ra lo lắng về việc vận chuyển gia cầm qua đường biên giới để đưa vào nội địa thì chủ hàng tại chợ Pò Chài (Trung Quốc) lại cho rằng đây là chuyện nhỏ vì có “đường dây” đảm bảo được chuyển tới sát đường biên hoặc sang tới tận Lạng Sơn, chỉ cần chúng tôi chuyển trước 50% giá trị tiền hàng, số còn lại sẽ nhận nốt khi giao hàng.
Theo A Phong, hàng gà, vịt ở bên này cũng có đủ loại, nếu là loại tươi sống, rẻ nhất là gà mái già đã đẻ hết trứng (hơn 300 quả/năm), bị thải loại ra từ các trang trại ở Tứ Xuyên, Tà Sủng, Quảng Tây, loại này giá chỉ khoảng 3 nhân dân tệ/con (khoảng 10.000đồng/con) nên cũng là loại gà được nhập lậu về Việt Nam nhiều nhất.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, loại gà già này đã bị các chủ trang trại sử dụng các loại thuốc để thúc đẻ đến kiệt sức và không có khả năng tái sinh sản nữa nên được bán với giá rất bèo, vì sau khi đẻ xong hết trứng là hết tác dụng nên nuôi thêm ngày nào là tốn tiền thức ăn, công chăm sóc ngày đó. Còn loại gà ngon mà dân địa phương vẫn thường sử dụng là loại gà trống thiến có đeo khuyên ở chân nhằm đánh dấu và phân loại với những loại gà thải loại thì được bán tới 20 nhân dân tệ/kg (gần 70.000đồng/kg).
A Phong cũng cho biết thêm, gia cầm Trung Quốc không chỉ có loại tươi sống mà loại gà con, vịt con giống hay gà, vịt thịt sẵn từ 2-3kg/con được cấp đông cũng rất nhiều, giá chỉ khoảng 5 nhân dân tệ/kg vì thêm phí thùng xốp, hóa chất chống thối và cấp đông. Tuy nhiên, loại gà, vịt được giết mổ sẵn này lại đang là hàng “nóng” với nhiều chủ hàng ở Lạng Sơn hay Hà Nội để cung cấp cho các nhà hàng, chợ đầu mối. Bởi lẽ loại gia cầm đã qua sơ chế này vận chuyển đơn giản, gọn nhẹ hơn nên ít bị phát hiện, lại để được 4-5 tháng mà không bị thối hỏng do đã được ướp hóa chất chống thối.
Còn tại khu vực cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn) có đến hàng trăm đường mòn xương cá lớn nhỏ, được các chủ buôn lậu mở ra để vận chuyển hàng lậu qua biên giới. Cũng chẳng cần lợi dụng đêm tối, gia cầm lậu được chuyển qua biên giới bất cứ giờ nào nếu chủ hàng có nhu cầu.
Chứng kiến việc vận chuyển gà lậu ở đây, chúng tôi không khỏi choáng ngợp bởi sự tinh vi và liều lĩnh. Sau khi đội ngũ “thám thính” thấy tình hình yên ổn, ngay lập tức từ phía bên kia Ái Điểm (Trung Quốc), một chiếc xe tải khoảng 3 tấn chở đầy các lồng gà đậu sát đường biên. Khi xe tải vừa dừng, đội quân cửu vạn bên Chi Ma nhanh chóng chuyển hàng xuống, đưa lên xe máy hoặc xe 7 chỗ được tháo hết ghế sau để chuyển về tập kết tại huyện Đình Lập (Lạng Sơn) hoặc chạy thẳng xuống khu vực Lục Ngạn ( Bắc Giang).
MINH KHANG - VĂN PHÚC
Ở vùng biên giáp ranh thuộc tỉnh An Giang như xã Vĩnh Ngươn (TP Châu Đốc), xã Khánh An (huyện An Phú), thị trấn Tịnh Biên (huyện Tịnh Biên) xã Vĩnh Xương (thị xã Tân Châu)… tồn tại hàng chục “điểm nóng” về hàng lậu. Sát bên kia biên giới Campuchia, dân buôn lậu đang duy trì 35 kho, điểm tập kết hàng hóa đủ loại: vàng, ngoại tệ, thuốc lá ngoại, đường cát Thái Lan, rượu ngoại các loại, đặc biệt là rất nhiều loại bánh kẹo, mứt, trái cây đóng hộp, có bao bì đầy chữ Trung Quốc, Thái Lan. Tại hầu hết các chợ tại khu vực ĐBSCL cũng tràn ngập hàng ngoại nhập lậu với đủ chủng loại như sản phẩm may mặc, bánh kẹo, đồ chơi trẻ em... có bao bì đầy chữ Trung Quốc. Đặc biệt có cả rượu nhái một số nhãn hiệu ngoại nổi tiếng với giá rẻ bèo. Vấn đề chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm của các mặt hàng tiêu dùng hoàn toàn không thể kiểm soát được. BÌNH ĐẠI |
>> Bài 1: “Tổng kho” thịt thối đường biên