Nhức nhối lao động trẻ em

Kết quả kiểm tra của thanh tra Sở LĐTB-XH TPHCM mới đây, hơn 50% số quận, huyện có cơ sở sử dụng lao động trẻ em (LĐTE), đặc biệt là quận vùng ven như Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú. Trong đó, cơ sở không có giấy phép kinh doanh chiếm 69%, cơ sở không có đăng ký lao động chiếm 85,5%. Tuy nhiên, con số trên thực tế chắc chắn sẽ lớn hơn nhiều.

Dẫu biết vì hoàn cảnh gia đình, nhiều trẻ nhỏ chấp nhận làm việc để kiếm sống. Nhưng điều đáng nói ở đây là các chủ lao sử dụng lao động đã vắt kiệt các em bằng những công việc nặng nhọc, quá sức, thời gian làm việc từ 10-12 giờ/ngày thậm chí 15-16 giờ/ngày. Gần như 100% LĐTE không được ký hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội. Các em không biết đến quyền trẻ em, bị lạm dụng sức lao động, nhiều em có nguy cơ bị lạm dụng thân thể, tình dục. Nhiều em kể lại với đoàn kiểm tra, mỗi ngày phải làm việc từ 7 giờ sáng, nghỉ trưa 1 giờ, 13 giờ làm việc tiếp, chiều nghỉ 1 giờ để ăn cơm và tiếp tục làm việc đến 10 giờ đêm thậm chí đến 1 giờ sáng.

Các địa phương cho rằng rất khó quản lý và kiểm tra LĐTE trên địa bàn vì lực lượng cán bộ cho công tác này rất mỏng. Khi đi kiểm tra các cơ sở có LĐTE, hầu hết các chủ cơ sở đều khẳng định những “lao động nhí” trong cở sở sản xuất của họ này là con cháu trong nhà lên chơi phụ giúp. Thậm chí, trước khi thanh tra đi, các cơ sở đều được báo trước, vì vậy chủ cơ sở thường cho các em ra ngoài chơi hoặc đưa ra những giấy tờ chứng minh được sự chấp thuận của cha mẹ cho các em lên học việc để đối phó.

Trước mắt, nếu chưa xóa bỏ được tình trạng LĐTE thì cần có biện pháp ngăn chặn tình trạng bóc lột sức lao động trẻ em. Mặt khác, cần đưa ra khung hình phạt rõ ràng cho những cá nhân, tập thể lợi dụng, bóc lột trẻ em cũng như phạm vi cụ thể trong việc sử dụng trẻ em lao động; hỗ trợ các gia đình nghèo ngay tại địa phương để giải quyết tận gốc vấn đề.

HỒ THU

Tin cùng chuyên mục