Không chỉ cá tầm mà ngày càng thêm nhiều mặt hàng thủy sản được nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam, trong khi khâu kiểm dịch lại bị bỏ ngỏ...
Xâm nhập thị trường
Thời gian gần đây, tại Hà Nội, cơ quan công an, quản lý thị trường liên tục bắt giữ các vụ nhập lậu cá tầm từ Trung Quốc vào nội địa. Chỉ trong một tuần ra quân từ 26-4 đến 1-5, các trinh sát thuộc Đội 6, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49 - Công an TP Hà Nội) đã phát hiện 6 ô tô tải vận chuyển hàng tấn cá tầm, cá quả, cá trê giống, cá chình, ếch lậu của Trung Quốc. Điều kỳ lạ ở chỗ, cá tầm hiện đang là món được rất nhiều người dân ưa chuộng và đắt, được các doanh nghiệp trong nước nuôi ở những nơi có điều kiện khí hậu đặc biệt như Lâm Đồng, Sa Pa (Lào Cai), Sơn La, Hòa Bình... bán với giá tới 180.000 đồng/kg thì giá cá lậu tại chợ đầu mối chỉ có 90.000-100.000 đồng/kg, còn nhập ở biên giới chỉ 50.000 đồng/kg (cá sống), thậm chí cá chết ướp lạnh chỉ 30.000 đồng/kg. Do nguồn cung nhiều nên giá ngày càng rẻ.
Theo ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), chỉ trong tháng 4 và đầu tháng 5-2013, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội cũng như các tỉnh đã bắt giữ tới gần 20 tấn cá, ốc, ếch lậu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, theo nguồn tin từ các đầu nậu thì những vụ bắt giữ cũng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Theo khảo sát tại các chợ chuyên thủy sản như Đền Lừ, Hà Đông, La Khê, Long Biên, Tam Trinh... không chỉ có cá tầm mà còn đủ loại thủy sản khác cũng được nhập về từ Trung Quốc như ếch, cá quả, sò, ngao... Từ nhiều năm nay, Hà Nội đã trở thành trung tâm đầu mối tiêu thụ thủy sản lậu từ Trung Quốc, sau đó tỏa đi nhiều địa phương khác nhau.
Hiện nay, có rất nhiều cửa ngõ vận chuyển cá lậu, thủy sản lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam. Ông Nguyễn Bá Bình, Chi Cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Lào Cai, Phó trưởng Ban chỉ đạo 127 về chống buôn lậu cho biết, từ nhiều năm nay, Lào Cai đã trở thành một trong những cửa ngõ nhập lậu cá tầm Trung Quốc vào Việt Nam. Giá cá tầm bán ở Trung Quốc quá rẻ so với giá bán ở Việt Nam. Từ TP Lào Cai, sau khi cá được thu gom sẽ cho vào các thùng chứa hoặc túi nước lớn, bơm khí rồi chạy thẳng một mạch về Hà Nội. Quốc lộ 70 Yên Bái - Lào Cai ban ngày vắng vẻ khác thường nhưng đêm xuống, hàng trăm xe tải đông lạnh nối nhau về xuôi. Mới đây, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cũng cho biết, hiện nay cá lậu Trung Quốc còn tràn sang cả khu vực Cao Bằng. Tại khu vực cửa khẩu Tà Lùng, có một phiên chợ mặc dù chỉ họp theo phiên nhưng cá tầm lậu sang rất nhiều. Hàng loạt khu vực khác như Tân Thanh, Hữu Nghị, Đồng Đăng (Lạng Sơn), Hoành Mô, Bắc Phong Sinh, Móng Cái (Quảng Ninh)... cũng đang là điểm nóng thủy sản lậu.
Gần đây, tại Hội nghị Phát triển cá nước lạnh, các chuyên gia còn cho biết, cá tầm ”ngoại” được các doanh nghiệp nhập lậu về theo cả đường hàng không, vì vậy đã tràn ngập thị trường trong Nam ngoài Bắc, có nguy cơ ”bóp chết” cá tầm trong nước. Theo Trung tá Phạm Giang Sơn, Đội trưởng Đội 6, PC49 - Công an Hà Nội, hiện có khoảng 10 đường dây buôn lậu thủy sản từ Trung Quốc về Hà Nội, cơ quan chức năng đang theo dõi để xử lý.
Báo động chất lượng
Hiện nay, cơ quan được giao kiểm dịch thủy sản nhập khẩu là Cục Thú y (Bộ NN-PTNT). Tuy nhiên, do hầu như các loại thủy sản này đều tràn vào nước ta theo đường mòn lối mở (nhập lậu ở biên giới phía Bắc) nên cơ quan thú y không thể kiểm dịch được. Đồng thời cũng không có doanh nghiệp nào đăng ký nhập chính ngạch từ Trung Quốc vì chủ trương của chúng ta là hạn chế nhập thủy sản ngoại, như cá tầm (trừ cá giống) để hỗ trợ doanh nghiệp nuôi cá tầm trong nước phát triển.
Cũng có những người cho rằng, Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT nên cho phép nhập khẩu cá tầm vì giá cá rẻ là cơ hội để nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Song nhiều chuyên gia, doanh nghiệp lại cho rằng, nghề nuôi cá nước lạnh ở Việt Nam mới chập chững khởi nghiệp, nếu không quyết liệt ngăn chặn cá lậu thì chẳng bao lâu, cá trong nước sẽ chết yểu! Hiện tại, hàng chục doanh nghiệp nuôi cá còn chưa kịp lớn đã phải sống dở chết dở vì giá cá lậu rẻ chỉ bằng 1/3 cá nội. Song theo một chuyên gia an toàn thực phẩm thì điều đáng lo ngại hơn là chúng ta hiện không biết các doanh nghiệp Trung Quốc nuôi cá trong điều kiện môi trường thế nào, thức ăn ra sao, đặc biệt là về các chất kháng sinh cấm, tồn dư kháng sinh, kích thích tăng trưởng... trong khi kiểm dịch lại bị bỏ ngỏ.
Theo ông Dương Tiến Thể, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản), cá nhiều và rẻ như ở Trung Quốc thì chỉ có nuôi công nghiệp, sử dụng các loại cám tăng trọng nên giá trị dinh dưỡng không cao, đồng thời phải sử dụng kháng sinh nên khó tránh được tồn dư chất hóa học. Trước thực trạng thủy sản lậu đang hoành hành, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN-PTNT), cho biết, đã chỉ đạo lấy các mẫu thủy sản Trung Quốc nhập lậu như cá tầm, cá lóc, ếch, ốc, sò... để kiểm tra các chỉ tiêu an toàn thực phẩm và sẽ thông báo kết quả cho người tiêu dùng trong thời gian sớm nhất.
VĂN PHÚC