Những ấn tượng Việt Nam

PHAN HOÀNG

Chỉ diễn ra trong vòng 8 tháng, Cuộc thi Phóng sự - Ký sự báo chí 2015 - 2016 Ấn tượng đất nước -  con người Việt Nam do Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp Hội Nhà báo TPHCM tổ chức, riêng về phần thi viết đã thu hút hơn 250 tác phẩm của nhiều cây bút trên khắp mọi miền. Một cuộc thi với chủ đề lớn, thời gian lại ngắn, số lượng bài dự thi chưa nhiều, nhưng cũng đủ vẽ nên bức tranh khá ấn tượng về sự đổi mới của đất nước và phát hiện những tấm gương đáng quý đã lặng lẽ lao động và cống hiến hết mình cho quê hương.

ĐBSCL là nơi có số bài dự thi nói đến nhiều nhất. Vùng đất mới phương Nam với trọng điểm là Đồng Tháp Mười, từ một chiến trường ác liệt và địa hình phức tạp, đã hoàn toàn thay đổi khi trở thành vùng kinh tế nông nghiệp phát triển. Ước mơ của nhà cách mạng Chín Cần, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Long An, cũng là mơ ước của bao con người gắn bó vùng đất giàu tiềm năng, bây giờ đã thành hiện thực, đó là “biến khu đất trũng Láng Sen thành hồ chứa lũ để giữ lại nguồn nước cùng các nguồn lợi quý hiếm, đặc trưng của Đồng Tháp Mười”. Ký sự Tâm điểm Đồng Tháp Mười của nhà báo Khuynh Diệp đã nói lên điều ấy.

Ấn tượng về vùng đất Chín Rồng còn thể hiện qua sự vượt khó tìm mô hình mới ở Nông trường Sông Hậu - Cần Thơ qua bài viết Khát vọng tìm “đường sống” đổi đời nông dân của nhà báo Lê Bình, hay sự xuất hiện của kênh đào chiến lược Võ Văn Kiệt mang lại nhiều lợi ích cho cả một vùng rộng lớn tứ giác Long Xuyên qua bài viết Đổi thay trên dòng kênh “Ông Kiệt” của tác giả Vĩnh Thuận. Việc con kênh được đặt tên người đưa ra ý tưởng đào kênh cũng là một nghĩa cử tốt đẹp của đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. ĐBSCL còn gây ấn tượng về sự đổi mới không ngừng qua những trang viết, như: Bạc Liêu thời để nhớ của Sáu Nghệ, Bạc Liêu đi qua là nhớ và Thương nhớ lụa xưa của Vũ Thống Nhất, Bên dòng sông Sậy Níu của Nguyễn Tường Lộc, Mộng mơ miệt Tây sông Hậu và Về với U Minh Thượng của Đặng Hoàng Thám…

Sự đổi thay của một vùng đất gắn liền số phận của những con người. Và ĐBSCL ẩn náu nhiều tấm gương dám đổi mới tư duy, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Nếu như ông Lâm Văn Hộ - Chủ nhiệm Hợp tác xã Lâm Phát Hưng của Nông trường Sông Hậu, người tìm ra mô hình trồng chuối cấy mô hiệu quả từ giống Nam Mỹ, mở ra triển vọng kinh tế cho cả vùng, thì hình ảnh ông Huỳnh Văn Thôn trong tác phẩm Nặng lòng với những chuyến đò của tác giả Hoài Phương mang một vẻ đẹp khác. Từ một nông dân thất học, tay trắng, làm đủ nghề mưu sinh nhưng thất bại, chuyển sang nghề chèo đò, ông đã gầy dựng được 7 bến đò với 20 phương tiện hiện đại, giúp đỡ được nhiều bà con nghèo khó ở Phong Điền, Cần Thơ.

Ngược về Sài Gòn - TPHCM và miền Đông Nam bộ, chúng ta cũng bắt gặp những hình ảnh ấn tượng. Bài viết Nhân nghĩa Đồng Ông Cộ của Nguyễn Tường Lộc, bằng những cứ liệu từ thời chiến đến thời bình, tác giả đã gây ngạc nhiên về một vùng ruộng vườn ngoại ô Sài Gòn trước đây với những dấu ấn lịch sử đấu tranh cứu nước, bây giờ đã thành vùng nội thành với phố xá và nhà cao tầng nguy nga mọc lên, vẫn tiếp nối tình làng nghĩa xóm ngày xưa. Và ngay trong lòng thành phố hiện lên nhiều nhân vật tiêu biểu, trong đó có bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng, chuyên gia đầu ngành về bệnh ung thư, với nhiều trăn trở của một trí thức dấn thân qua bài viết Khóm lục bình trổ bông của tác giả Võ Thắm - Thành Sơn… Và phát triển kinh tế, người miền Đông không quên trách nhiệm đối với người đã ngã xuống, mà bài viết Thiêng liêng nghĩa tình đồng đội của Thượng tá Lê Huy Chung thật cảm động. Hơn 15 năm, Đội K72 của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Phước đã lặn lội sang đất bạn Campuchia quy tập được 2.376 hài cốt liệt sĩ các thời kỳ chiến tranh đưa về Tổ quốc và tìm mọi cách để xác định danh tính cho những người bị mất dấu tên tuổi. Một hành trình gian khó và đáng trân trọng xiết bao!

Đặc biệt, tác giả Mai Thắng với ký sự công phu Những cột mốc sống trên biển: Hải trình đầu tiên tái hiện hình ảnh những chiến sĩ tiên phong vượt qua sóng gió hiểm nguy để cắm những cột mốc chủ quyền bằng hệ thống nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày nay. Gian khổ và hy sinh, đau đớn và tự hào, những con người một thời thầm lặng ấy xứng đáng được tôn vinh.

Miền Trung cũng là vùng đất có nhiều bài dự thi đề cập đến. Ngoài những đổi thay của miền nắng lửa mưa dầu luôn hứng chịu thiên tai, thì ở đây luôn xuất hiện những con người kỳ lạ. Đó là hai trí thức dân tộc thiểu số Ka Sô Liễng người Chăm H’roi và Y Điêng người Êđê qua sự tái hiện chân dung của cây bút Đào Tấn Trực. Cả hai ông sau khi bôn ba từ Nam chí Bắc, hoàn thành trách nhiệm công chức, đã quay trở về núi rừng quen thuộc ở miền Tây tỉnh Phú Yên để sống, sáng tác, sưu tầm lưu giữ những di sản văn hóa đặc sắc quý giá của tổ tiên. Còn ở tỉnh Khánh Hòa hiện lên hình ảnh giàu nghị lực của Ông “kỹ sư” miệt vườn bản lĩnh Nguyễn Đức Mạnh qua bài viết của nhà báo Văn Ngọc, khi người nông dân chân chất này vừa chống chọi bệnh ung thư vừa nghiên cứu thành công 10 sáng chế lớn nhỏ để phục vụ thiết thực cho công việc ruộng đồng. Về phía Bắc miền Trung, có anh nông dân xuất ngũ Phan Văn Hòa trong bài viết “Vẽ” màu lúa trên quê hương của Duy Cường, đã mày mò nghiên cứu tìm ra giống lúa thảo dược màu tím rồi nhiều giống lúa thảo dược các màu khác, góp phần quan trọng nâng cao sản lượng lúa và chất lượng gạo, nuôi ước mơ “vẽ” lá cờ Tổ quốc bằng các màu lúa trên cánh đồng xứ Nghệ…

Số lượng các bài thi viết về miền Bắc tuy khiêm tốn nhưng có phần độc đáo. Đó là cuộc sống mới của Người Lô Lô ở Lũng Cú qua ký sự của Đỗ Quang Tuấn Hoàng, trong đó có sự giúp sức của một người đàn ông Nhật yêu văn hóa Việt Nam. Và ngay ở thủ đô Hà Nội, tác giả Nguyễn Công đã phát hiện Người giữ ấm lăng đá cổ, ấy là cụ Trương Văn Tuân, từng là chiến sĩ quân giải phóng miền Nam, xuất ngũ trở về quê hương ở huyện Thường Tín, khi nhận thấy một di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia là Lăng Quận Vân bị bỏ hoang phế, ông tự nguyện đứng ra nhận trông nom và hàng ngày hương khói cho người xưa, mong một ngày chính quyền quan tâm chăm sóc, trùng tu một di sản văn hóa quý giá.

Tinh thần của “người lính già” ở Thường Tín phần nào đó cũng là tinh thần của cuộc thi: phát hiện và lưu giữ những ấn tượng đẹp của đời sống đất nước, con người Việt Nam!

PHAN HOÀNG

Tin cùng chuyên mục